Giải thưởng Sáng chế TPHCM: “Bức xúc” sinh... sáng chế

Giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2015 - 2016 đang bước vào vòng đánh giá tiềm năng thương mại của các sản phẩm dự giải. Đây là nỗ lực và bước tiến lớn của giải thưởng này trong lần tổ chức trở lại sau hơn 3 năm gián đoạn.
Giải thưởng Sáng chế TPHCM: “Bức xúc” sinh... sáng chế

Giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2015 - 2016 đang bước vào vòng đánh giá tiềm năng thương mại của các sản phẩm dự giải. Đây là nỗ lực và bước tiến lớn của giải thưởng này trong lần tổ chức trở lại sau hơn 3 năm gián đoạn.

Nhưng quan trọng hơn, theo ban tổ chức giải thưởng, các sáng chế tham dự ngày càng thể hiện tính mới, tính sáng tạo và nhất là khả năng ứng dụng vào thực tiễn, tác động tích cực đến cuộc sống của người dân. 

Sản phẩm “miệng cống thoát nước cải tiến” của nhà sáng chế Đồng Xuân Dũng được lắp đặt thử nghiệm tại TPHCM

Dễ ứng dụng, thân thiện môi trường

Tình trạng ngập cục bộ tại các tuyến đường nội đô TPHCM sau các cơn mưa lớn có một phần nguyên nhân từ việc tắc nghẽn tại các miệng cống thoát nước. Lưu lượng nước đổ về miệng cống lớn, mang theo bùn đất và rác thải sinh hoạt chặn lối dẫn nước vào hố ga. Vào mùa khô, khí gas và mùi hôi từ lòng cống theo các miệng cống, miệng hố ga phát thải vào môi trường, gây khó chịu cho các cư dân sống gần đó. Người dân phải đối phó mùi hôi bằng cách dùng bạt nhựa che chắn hoặc xi măng để trám các lỗ thoát nước.   

Điều đó thôi thúc nhà sáng chế Đồng Xuân Dũng phải tìm ra giải pháp và sản phẩm “Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miệng thu nước được chế tạo liền khối” ra đời, được cấp bằng độc quyền về giải pháp hữu ích năm 2014. Tác giả mang sản phẩm đi giới thiệu và được các địa phương chấp nhận thử nghiệm. Đến nay, đã có hơn 400 bộ sản phẩm nói trên được ông Dũng lắp đặt thử nghiệm tại các tỉnh, thành lớn, như: Đà Nẵng, TPHCM… Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhận được 3 công trình lắp đặt sản phẩm với doanh thu hơn 2,2 tỷ đồng. Theo đánh giá của Hội đồng xét giải thưởng Sáng chế năm nay, bộ sản phẩm có ưu điểm khắc phục được tình trạng tắc nghẽn miệng cống vào mùa mưa, ngăn chặn mùi hôi vào mùa khô, hạn chế được tình trạng mất trộm lưới chắn rác, đặc biệt là tính thẩm mỹ cao, có thể ứng dụng tại các tuyến nội đô quan trọng. Theo tác giả, sản phẩm còn giúp giảm tần suất nạo vét đường ống cống, qua đó ước giảm được hàng trăm tỷ đồng kinh phí nạo vét lòng cống mỗi năm tại TPHCM.

Không phải là sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, nhưng “Gạch ống xi măng cốt liệu” của Công ty TNHH Sản xuất Trung Hậu lại âm thầm chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng tại nhiều địa phương. Đó là loại gạch được làm ra từ nguyên liệu chính là tro xỉ than - chất thải từ các nhà máy nhiệt điện và lò đốt rác thải sinh hoạt. Sau hơn 10 năm nghiên cứu phối trộn nguyên liệu với khoản đầu tư ban đầu hơn 20 tỷ đồng, công ty đã cho mắt sản phẩm gạch ống xi măng cốt liệu và nhanh chóng được hơn 30 doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ, đạt tổng doanh thu gần 200 tỷ đồng/năm và dự đoán sẽ còn tăng trong những năm kế tiếp.  

Hỗ trợ và tôn vinh nhà sáng chế

Điểm chung của gần 40 sáng chế gửi tham dự Giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2015 - 2016 là đều có khách hàng hoặc bước đầu lắp đặt thử nghiệm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho giải thưởng, đồng thời cũng cho thấy các nhà sáng chế đã nghiêm túc hơn với “nghề” nghiên cứu.

Tuy nhiên, qua theo dõi các buổi đánh giá tiềm năng thương mại của các sáng chế tham dự giải, vẫn còn rất nhiều nhà sáng chế chưa biết cách quảng bá “đứa con tinh thần” của mình, hoặc nội dung thuyết minh thiếu thông tin, tài liệu mô tả sản phẩm thiếu đầu tư, chưa cuốn hút sáng tạo hoặc thiếu các mô hình sản phẩm minh họa để thuyết phục Hội đồng xét giải. “Đây cũng là điểm yếu của phần lớn các nhà sáng chế không chuyên bao năm qua. Họ làm rất tốt, có nhiều sáng kiến hay, có khi đánh đổi cả căn nhà, chiếc xe duy nhất chỉ để nghiên cứu nhưng phần việc dễ dàng hơn là giới thiệu về nghiên cứu thì họ lúng túng”, Tiến sĩ Bùi Văn Quyền, thành viên Hội đồng xét giải, trăn trở và cho biết thêm, ban tổ chức giải thưởng phải sẵn sàng hỗ trợ điều này, để sau đó, sản phẩm của các nhà sáng chế có thể thuyết phục được các khách hàng sử dụng.      

Ông Đào Minh Đức, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN TPHCM) - đơn vị tổ chức Giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2015 - 2016, khẳng định, các sáng chế có tính mới, tính sáng tạo khác nhau, nhưng đó không phải là mục tiêu mà giải thưởng hướng tới. Những sản phẩm đoạt giải phải là những công trình nghiên cứu xuất phát từ trăn trở cuộc sống, dễ dàng quay lại phục vụ cuộc sống người dân. Giải thưởng không chỉ giúp các nhà sáng chế nhận được thêm những khoản hỗ trợ cần thiết để giới thiệu, nhân rộng ứng dụng sáng chế trong đời sống; mà thông qua đó cũng là cách để tôn vinh các nhà sáng chế và sản phẩm của họ.

Ông Đào Minh Đức cho biết, sau 3 lần tổ chức, Giải thưởng Sáng chế TPHCM đã góp phần thúc đẩy hoạt động sáng chế, hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế… Và đáng chú ý là hầu hết sáng chế đoạt giải đều đã được thương mại hóa thành công. Thông qua giải thưởng đã góp phần tăng số lượng đăng ký sáng chế của TPHCM trong giai đoạn 2001 - 2006 chỉ ở mức 88 đơn/năm (tính trung bình) lên 200 đơn/năm trong giai đoạn 2010 - 2015 và hướng đến mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, nâng lượng đơn đăng ký sáng chế của TPHCM lên 400 đơn/năm.


NGUYỄN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục