Cước 4G, không rẻ đâu

Vinaphone và Viettel đã cho thấy những thông tin ban đầu về 4G khi cho khách hàng dùng thử dịch vụ này. Cụ thể, Viettel chính thức thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn Vinaphone thì chọn Phú Quốc và một số điểm tại TPHCM khai trương thử nghiệm. Với những gì 4G của Vinaphone và Viettel đang trình diễn, bước đầu cho thấy 4G… không phải rẻ.
Cước 4G, không rẻ đâu

Vinaphone và Viettel đã cho thấy những thông tin ban đầu về 4G khi cho khách hàng dùng thử dịch vụ này. Cụ thể, Viettel chính thức thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn Vinaphone thì chọn Phú Quốc và một số điểm tại TPHCM khai trương thử nghiệm. Với những gì 4G của Vinaphone và Viettel đang trình diễn, bước đầu cho thấy 4G… không phải rẻ.

Cuộc đua mới lộ diện

Sớm nhất, Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào giữa tháng 12-2015. Viettel đầu tư gần 200 trạm phát sóng phủ toàn bộ khu vực dân cư của thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và huyện Long Điền. Người dùng đã được Viettel miễn phí đổi SIM để trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trên nền 4G như xem phim HD, nghe nhạc, xem tin tức với tốc độ cao và trải nghiệm truyền hình Multiscreen: Xem phim và các kênh trên nhiều màn hình (điện thoại, máy tính bảng).

Tốc độ 4G tại Vũng Tàu đạt trung bình từ 40 - 80Mb/giây, cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm, tốc độ có thể đạt đến 230Mb/giây - gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300Mb/giây, upload 150Mb/giây). Đợt trải nghiệm này đã cho thấy rõ ràng tốc độ nhanh vượt trội, ở mọi lúc, mọi nơi của dịch vụ 4G.

Tại TPHCM, ở quận 1 và quận 3, người dùng có thể sử dụng 4G của Vinaphone thoải mái trong 1 tuần

Còn mới đây nhất, vào 18-1, VNPT Vinaphone đã khai trương thử nghiệm 4G cùng chuỗi sự kiện trải nghiệm các dịch vụ 4G trên nền tảng công nghệ LTE Advanced tại Phú Quốc và TPHCM. Trong ngày trải nghiệm dịch vụ, các thuê bao được đổi sim 4G miễn phí tại 6 điểm của Vinaphone, đồng thời nhận gói cước khuyến mại miễn phí sử dụng dữ liệu 4G (hoặc 3G tại vùng chưa có sóng 4G) trong 7 ngày.

Được biết, trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT phủ sóng 4G toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với 50 trạm và một số quận tại trung tâm TPHCM với 100 trạm phát sóng 4G. Những trải nghiệm đặc biệt tại sự kiện khai trương thử nghiệm dịch vụ Vinaphone 4G bao gồm dịch vụ xem video chất lượng cao (Mobile TV), dịch vụ truyền video live streaming (Mobile Broadcast), truyền hình hội nghị (Cloud Video Conferencing) và dịch vụ sử dụng máy tính ảo (Daas)… Qua dùng thử ở một số điểm tại TPHCM, tốc độ 4G của VNPT Vinaphone thuộc dạng “đáng nể”: tốc độ download tối đa trên lý thuyết của Vinaphone là 600Mb/giây (trong điều kiện tối ưu)…

Trong khi đó, đến nay, MobiFone “không hé ra ngoài” vấn đề cụ thể nào liên quan đến 4G, chỉ có thông tin chung chung đang xem xét mọi thủ tục, chiến lược để phát triển 4G trong thời gian sớm nhất. Điều này có nghĩa MobiFone đang cẩn trọng, không muốn nhanh chóng chạy vào cuộc đua. Như thế, cuộc đua 4G chỉ mới bắt đầu, vì tất cả đang nhìn nhau gói dịch vụ hay khung cước 4G.

Không thể có “cước 4G sẽ không cao hơn 3G”

Khi thông tin nhà mạng thử nghiệm 4G, người dùng cảm nhận ngay sự yêu thích công nghệ mới này, vì đã không còn mấy mặn mà với tốc độ rùa bò của 3G. Nói như anh Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống Mai Nguyên: “Dùng 4G giống như lái xe trên đường cao tốc vậy, đạp cái rẹt là đến Dầu Giây; xem vài clip ca nhạc, lướt Facebook, đọc báo, duyệt web, check mail một tí là bay hết ngay 1GB. Vậy gói cước nào sẽ làm thỏa mãn người dùng và nhà mạng cũng hốt bạc? Nếu lái xe trên đường cao tốc, cứ 30km có một điểm thu phí bạn sẽ rất bực mình, đạp chưa sướng chân đã phải giảm tốc, ùn tắc vì trạm thu phí. Còn dùng 4G, nhà mạng mà tung ra những gói cước kiểu như 70.000 đồng dùng được 1,2GB tốc độ cao, nếu không nạp tiền tiếp thì dùng cực chậm, bực mình quá sẽ nạp tiếp... thì bạn sẽ bị ức chế”.

Và anh Nguyên khẳng định: “4G chạy nhanh quá, xem video nét quá, vì vậy nó nuốt dung lượng quá nhanh. Các nhà mạng nên xây dựng gói cước không giới hạn hợp lý để khách hàng thỏa mãn mà mình cũng hốt bạc luôn. Ví dụ 200 ngàn, 250 ngàn hoặc 300 ngàn đồng/tháng dùng tẹt ga, thì gói cước này sẽ bán chạy và ai cũng mua dùng. Còn chơi theo kiểu gói giá rẻ rồi hết tốc độ cao mua thêm như (3G) hiện nay thì chắc là ai cũng bực bội và ức chế lắm”.

Phía Vinaphone cho rằng: Về cước, giá của dịch vụ dữ liệu 4G sẽ không tăng so với 3G ở cùng một mức dung lượng sử dụng, thậm chí người dùng còn được hưởng nhiều gói ưu đãi hấp dẫn khi sử dụng dịch vụ 4G trong giai đoạn thử nghiệm hiện nay. Còn phía Viettel cũng “trấn an” theo cách cước 4G sẽ không cao hơn 3G. Để thấy cước 4G sẽ ra sao thì cần nhìn cước 3G. Hiện nay, cả 3 mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel đều có các gói cước theo tháng, tùy dung lượng. Xài nhiều nhanh hết, xài ít thì còn… và đa phần đều hết dung lượng tốc độ cao (của gói cước) trong những ngày đầu tháng nên không ít người dùng cứ thấy 3G chậm và đành chấp nhận.

Trở lại với cước 4G, hai nhà mạng đã có ý nói cước 4G sẽ không cao hơn 3G, điều này cũng có thể xảy ra vì nguyên do cước dữ liệu di động được tính trên đơn giá (MB/tháng) và nó đã có khung cụ thể cho từng gói cước, nên 3G hay 4G cũng như nhau là điều dễ hiểu. Nhưng ở đây người dùng cần hiểu rằng, tốc độ của 4G rất cao; mà tốc độ cao thì càng dùng càng tốn dữ liệu nên cước 4G cao hay thấp là tùy vào dữ liệu (gói) muốn xài. Hay nói cách khác, cước 4G “đắt hay rẻ” là tùy vào người dùng, dùng nhiều thì sẽ trả tiền… rất nhiều. Như thế, về cước 4G, phải đợi nhà mạng sẽ ra gói cước, hay thuê bao trọn gói như anh Mai Triều Nguyên đã nói ở trên thì mới biết rõ hơn. Và trong câu chuyện 4G, không khó để thấy MobiFone đang cẩn trọng là điều tất nhiên, vì MobiFone cũng đang “đau đầu” với chuyện cước 4G chứ không phải là thiếu hạ tầng hay công nghệ, vì nếu làm không khéo, 4G mà như kiểu 3G thì người dùng sẽ khó chấp nhận.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục