Người Nhật sang Việt Nam “học” cách làm vi mạch

Chuyện này có vẻ lạ và mang màu sắc kỳ thú, nhưng qua sự kiện Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM ký kết hợp tác với Quỹ Khoa học công nghệ tỉnh Nagano của Nhật Bản, vừa diễn ra tại TPHCM cho thấy đây là việc hết sức nghiêm túc.
Người Nhật sang Việt Nam “học” cách làm vi mạch

Chuyện này có vẻ lạ và mang màu sắc kỳ thú, nhưng qua sự kiện Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM ký kết hợp tác với Quỹ Khoa học công nghệ tỉnh Nagano của Nhật Bản, vừa diễn ra tại TPHCM cho thấy đây là việc hết sức nghiêm túc.

Nguyên cớ, trong đợt tham gia hội chợ triển lãm về vi mạch và công nghiệp phụ trợ SEMICON Japan 2015 tại Nhật Bản vừa qua, ICDREC đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đối tác Nhật Bản, trong đó đặc biệt là những người làm vi mạch của tỉnh Nagano. Chính vì thế, ngay sau đó, đoàn công tác của tỉnh Nagano (bao gồm đại diện chính quyền tỉnh, Trường Đại học Shinshu và Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano) đã đến TPHCM, làm việc với ICDREC trong thời gian 3 ngày (từ 18 đến 20-1).

Tiến sĩ Shin Ichi Wakabayashi trả lời phỏng vấn các phóng viên tại lễ ký kết

Tại TPHCM, tiến sĩ Shin Ichi Wakabayashi, Giám đốc Trung tâm Liên kết quốc tế Nanotech (Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano), cho biết đoàn Nhật Bản đến thành phố làm việc với mục đính chủ yếu nhằm tìm hiểu, nghiên cứu mô hình và các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo cũng như thương mại của ICDREC. Tiến sĩ Shin Ichi Wakabayashi khẳng định: Mô hình của ICDREC từ nghiên cứu đến đào tạo và có cả tham gia vào sản xuất thành sản phẩm - thương mại hóa sản phẩm ứng dụng vi mạch là điều khá thích hợp với tỉnh Nagano. Qua đó, đoàn Nhật Bản cũng tìm hiểu khá kỹ những chương trình, chính sách của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch...

Chính vì thế hai bên đã có ký kết hợp tác nói trên. Theo đó, các bên sẽ cùng hợp tác thực hiện các dự án nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và thương mại các sản phẩm công nghệ cao dựa trên các thế mạnh của nhau. Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, cho biết: Phía Nhật biết rất rõ các sản phẩm vi mạch của ta, nên trên từng sản phẩm họ có những gợi ý hợp tác cụ thể để qua đó học tập lẫn nhau; song song đó là hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, cả hai bên đều cần để tiến hành thực hiệc các dự án... Trong tháng 3-2016, chúng tôi sẽ có hợp tác trên từng đề tài, con chip cụ thể.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, khẳng định năm 2016, TPHCM sẽ có thêm nhiều bước đột phát trong phát triển vi mạch. Bởi lẽ năm 2015, vi mạch TPHCM đã có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao, các hợp tác quốc tế mang lại những giá trị cho vi mạch TPHCM cũng khá rõ ràng... Sự kiện ký kết hợp tác với Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano cũng là một cột mốc đánh dấu sự lan tỏa của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đến với thị trường thế giới, là cơ hội để mở rộng hợp tác của ngành công nghiệp vi mạch điện tử tại Việt Nam với quốc tế, đặc biệt là thị trường Nhật Bản (một cường quốc hàng đầu thế giới về công nghiệp vi mạch điện tử).

Hợp tác trực tiếp giữa ICDREC và Nagano Techno Foundation: Cùng tham gia vào những chương trình thiết kế, chế tạo liên quan đến công nghiệp vi mạch; cùng tham gia những hoạt động kinh doanh chung; cùng trao đổi những thông tin và tài liệu khoa học liên quan. Những chương trình, hoạt động hợp tác được xây dựng dựa trên những trường hợp cụ thể và tích cực tham gia trao đổi trong nghiên cứu và kinh doanh.

Công nghệ mới nổi bật của Đại Học Shinshu và nền công nghiệp Nagano: Khoa học và công nghệ ống carbon nano; khoa học vật liệu dệt may cải tiến; tinh thể tổng hợp bằng phương pháp sơn phủ thông; cảm biến và thiết bị năng lượng thông minh; công nghiệp quan sát và xử lý chính xác điện tử...

KIM THANH

Tin cùng chuyên mục