Loay hoay chờ… thông tư

Loay hoay chờ… thông tư

Quản lý thiết bị chứa nguồn phóng xạQuản lý thiết bị chứa nguồn phóng xạ

Từ giữa tháng 7 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM đã triển khai lắp đặt hàng chục thiết bị định vị lên các nguồn phóng xạ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là giải pháp khả dĩ nhất để hạn chế tình trạng thất lạc các nguồn phóng xạ nguy hiểm như thời gian qua. Nhưng một địa phương tổ chức quản lý các thiết bị này sẽ không mang lại hiệu quả nếu thiếu liên thông trên toàn quốc.

Ráo riết gắn chíp định vị

Vấn đề này một lần nữa được đặt ra trong cuộc làm việc giữa Sở KH-CN TPHCM với đại diện Cục An toàn bức xạ, hạt nhân mới đây. Đại diện Sở KH-CN cho biết, đang ưu tiên lắp đặt thiết bị theo dõi đối với các nguồn phóng xạ di động. Các nguồn phóng xạ này được sử dụng trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng các mối hàn…, thường được các cơ sở mang đi chiếu chụp tại hiện trường. Đây là các thiết bị nằm trong nhóm nguy cơ dễ xảy ra thất lạc, mất cắp.

Sở KH-CN TPHCM tiến hành lắp đặt thiết bị định vị lên nguồn phóng xạ của Công ty Apave.

Theo thống kê, TPHCM hiện là địa phương có số lượng thiết bị và nguồn phóng xạ cao nhất cả nước, chiếm khoảng 30%, bao gồm 83 cơ sở sử dụng 422 nguồn phóng xạ, trong đó có khoảng 124 nguồn phóng xạ di động có hoạt độ cao. Đến thời điểm hiện tại đã lắp đặt được thiết bị trên 17 nguồn, 20 nguồn đang lên kế hoạch để tiến hành lắp đặt trong tháng 10 tới đây, bao gồm cả 18 nguồn vốn không sử dụng và được cất trong kho của Trung tâm hạt nhân TPHCM.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC - đơn vị cung cấp thiết bị định vị nói trên, cho biết, trong đợt đầu, thiết bị định vị được sử dụng là phiên bản 1, chỉ có chức năng giám sát hành trình của thiết bị chứa chất phóng xạ và ghi lại hành trình di chuyển của thiết bị đó. Phiên bản 2, ngoài chức năng giám sát hành trình còn có chức năng đo cường độ phóng xạ, đưa ra những cảnh báo nếu nguồn phóng xạ vượt ngưỡng an toàn… nên sẽ phải chờ Bộ KH-CN công bố các quy chuẩn đo lường phóng xạ theo thông tư được điều chỉnh. ICDREC cũng đã sản xuất xong 200 bộ thiết bị định vị theo đơn đặt hàng của Sở KH-CN TPHCM. Giá thiết bị định vị chỉ giám sát về vị trí là 5 triệu đồng/thiết bị, vừa giám sát vị trí vừa đo nồng độ phóng xạ là hơn 9 triệu đồng/bộ.

Được biết, hệ thống quản lý các thiệt bị định vị có server đặt tại Khu Công viên phần mềm Quan Trung. Sở KH-CN có trách nhiệm quản lý toàn bộ hệ thống. Các thông báo cập nhật về tình trạng thiết bị phóng xạ hiện được gửi (bằng sms theo thời gian thực) về sở và chủ quản nguồn phóng xạ.

Vẫn chờ thông tư mới

Theo đánh giá của ICDREC, sau quá trình triển khai lắp đặt, hệ thống định vị chính xác và ổn định các nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các thiết bị chứa nguồn phóng xạ tại thành phố đang có quá nhiều chủng loại, khác nhau về mẫu mã và kích cỡ. “Hiện Trung tâm chỉ mới hoàn thiện được đai giữ để lắp thiết bị vào nguồn phóng xạ Model 880. Các mẫu khác vẫn đang được nghiên cứu hoàn thiện, sau đó mới có khả năng lắp được các thiết bị định vị lên nguồn phóng xạ”, ông Ngô Đức Hoàng chia sẻ.

Chưa hết, ICDREC và Sở KH-CN cũng thừa nhận trong số 124 nguồn phóng xạ được đăng ký bởi các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, thì số nguồn thực tế đang hiện diện tại thành phố chỉ có 37 thiết bị. Số còn lại được các cơ sở mang đi chiếu chụp tại các địa phương khác. Ngược lại, không loại trừ các nguồn phóng xạ từ các nơi khác cũng được các cơ sở mang về TPHCM để sử dụng và các cơ quan hữu quan của thành phố chưa thể kiểm soát được. Do đó, nếu chỉ có TPHCM tiên phong lắp đặt thiết bị thì cũng khó “quản” hết được.

Tại buổi làm việc với Sở KH-CN TPHCM, Phó giáo sư Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ, hạt nhân, cho biết, những vấn đề khó khăn kể trên chỉ được giải quyết khi có thông tư mới ra đời. Sau vụ việc mất nguồn phóng xạ tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ KH-CN đã điều chỉnh Thông tư 23 (bằng một thông tư mới) để đảm bảo an ninh cho nguồn phóng xạ. Thông tư mới bắt buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc muốn sở hữu nguồn phóng xạ phải lắp đặt thiết bị định vị. Đối với thiết bị mới phải lắp đặt ngay và các thiết bị đang sử dụng phải lắp đặt chậm nhất sau 6 tháng. Khi có thông tư mới, Cục An toàn bức xạ, hạt nhân sẽ tiến hành đầu tư phần mềm quản lý và hệ thống máy tính. Hiện trong nước có 4 đơn vị nghiên cứu phát triển thiết bị định vị. Dự kiến, cục sẽ tổ chức trình diễn và lựa chọn sản phẩm tốt nhất để triển khai trên toàn quốc vào tháng 10 tới đây.

Cục trưởng Vương Hữu Tấn cho rằng, việc TPHCM tiên phong trong việc gắn thiết bị định vị nguồn phóng xạ là bước đi cần thiết. Nhưng có lẽ phải đợi đến khi thông tư mới có hiệu lực, đồng thời Cục tiến hành liên thông hệ thống toàn quốc mới có thể quản lý tốt các nguồn phóng xạ, đảm bảo được an ninh, an toàn bức xạ, hạt nhân.

 Cả nước hiện có hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại đã được cấp giấy phép sử dụng. Riêng từ năm 2003 đến nay đã có 6 nguồn phóng xạ bị thất lạc. Năm 2014, thanh tra Bộ KH-CN đã phát hiện và xử lý 323 cơ sở y tế vi phạm về an toàn bức xạ.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục