Hoạt động Khoa học - Công nghệ TPHCM: Nhiều mối lo trong quản lý

Mạnh tay với đề tài trễ hạn
Hoạt động Khoa học - Công nghệ TPHCM: Nhiều mối lo trong quản lý

Kinh phí nghiên cứu khoa học bị phân tán, nhiều đề tài nghiệm thu trễ hạn, mô hình vườn ươm doanh nghiệp thiếu hiệu quả… là những tồn tại của ngành Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM suốt thời gian dài. Chính vì thế, việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục đã được ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, đặt ra một cách quyết liệt tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015, diễn ra sáng 15-7.

Mạnh tay với đề tài trễ hạn

Theo đánh giá của Sở KH-CN TPHCM, hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục được Sở KH-CN đẩy mạnh trong nửa năm đầu 2015. Trong đó, ngoài tiếp nhận và cấp kinh phí cho các nghiên cứu mới, sở tiến hành đánh giá và nghiệm thu các đề tài đáo hạn. Năm 2014 và nửa đầu năm 2015, sở đã cấp kinh phí triển khai 250 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó xét duyệt 103 đề tài, thực hiện giám định 52 đề tài, nghiệm thu 70 đề tài; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện của 76 đề tài/dự án nghiên cứu triển khai trong năm 2013. Điều đáng lo là số lượng các đề tài trễ hạn thời gian qua chiếm tỷ lệ lớn.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, tỷ lệ hơn 47% đề tài nghiệm thu trễ hạn là vấn đề nghiêm trọng. Việc trễ hạn có nhiều nguyên nhân. Nhưng qua đó, cũng cho thấy ngành KH-CN TPHCM đang thiếu những nhà khoa học chân chính; cấp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cũng còn thụ động, chưa theo dõi sát sao và đốc thúc các chủ nhiệm đề tài. Tăng số lượng đề tài nhưng không thể bỏ qua chất lượng. Đánh giá hiện nay cho thấy, chất lượng phần lớn các đề tài nghiên cứu chỉ dừng lại ở cấp cơ sở chứ chưa phải là những đề tài KH-CN mang tính trọng tâm, trong điểm.

Mặt khác, các đề tài trễ hạn cũng xuất phát từ quy trình duyệt đề tài chưa chuẩn, còn dựa vào cảm quan đánh giá của cấp quản lý. Lẽ ra, trước khi đồng ý cấp kinh phí nghiên cứu phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng ứng dụng của đề tài sau nghiên cứu; chủ nhiệm đề tài đó có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó hay chưa; phải có bộ tiêu chí cụ thể cho từng chương trình nghiên cứu… “Về phía chủ nhiệm đề tài, Sở KH-CN xem xét lập danh sách và công khai danh tính các chủ nhiệm trễ hạn hoặc khởi kiện một số chủ nhiệm không cam kết đúng hợp đồng nghiên cứu. Chế tài mạnh không vì mục đích gây khó dễ cho các nhà khoa học mà chính là để tiền nhà nước bỏ ra mang lại hiệu quả”, ông Dũng cho biết.   

Hướng vào nhiệm vụ trọng điểm

Một trong những nhiệm vụ trong giai đoạn còn lại của năm 2015, được Sở KH-CN TPHCM đặt ra mục tiêu phải thực hiện mạnh mẽ là triển khai ISO điện tử, trên cơ sở “Quyết định số 19 của Thủ tướng Chính phủ” và “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, phục vụ chương trình đột phá cải cách hành chính tại TPHCM năm 2015 nhằm hiện đại hóa nền hành chính” của UBND TPHCM.

Năm 2015, TPHCM tập trung thực hiện ISO điện tử đối với các lĩnh vực như quản lý đề tài dự án nghiên cứu khoa học; tiếp nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy; cấp phép họp báo; cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet; cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng; cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài; quản lý lao động nước ngoài; đăng ký thành lập doanh nghiệp (thuộc khối sở, ngành) và lĩnh vực đăng ký kinh doanh, văn hóa, lao động, y tế và cấp phép xây dựng, tài nguyên môi trường (thuộc khối quận, huyện). Trong đó, Sở KH-CN TPHCM vừa là đơn vị thực hiện, vừa được UBND TP giao chủ trì. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, áp dụng ISO là giải pháp để tăng cường hoạt động quản lý KH-CN. Qua đó giải quyết tận gốc đề tài trễ hạn và tình trạng thủ tục thanh quyết toán đề tài - vốn bị kêu ca là nhiêu khê thời gian qua.

Đổi mới cơ chế quản lý khoa học sẽ tăng chất cho các sản phẩm nghiên cứu.

Song song đó, Sở KH-CN TPHCM đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học có ưu tiên trong lĩnh vực ứng dụng. Dành nhiều kinh phí cho các đề tài có sản phẩm ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Trên thực tế, nhu cầu đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp là rất nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xây dựng các đề tài, dự án, thủ tục đăng ký, viết báo cáo theo các chuyên đề để nghiệm thu dự án. Việc vay vốn từ Quỹ Phát triển KH-CN TPHCM còn những quy định chưa phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập. “Do đó, chính các đơn vị của Sở KH-CN TPHCM phải nghiên cứu đánh giá lại toàn bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đã thực hiện. Xem xét các cơ chế quỹ trong hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đổi mới công nghệ. Tìm cách gỡ các “nút thắt” để các doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Dũng cho biết thêm như vậy.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục