Khoa học và công nghệ TPHCM - Phá bỏ rào cản để phát triển

Dù sở hữu đội ngũ khoa học hàng đầu cả nước, nhưng đến nay hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) TPHCM vẫn khá trầm lắng. Thị trường KH-CN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Các kết quả sau nghiên cứu cho được phổ biến sâu rộng vào đời sống xã hội. Đây là nhận định được các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ phục vụ phát triển KT-XH của TPHCM trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức ngày 14-5.
Khoa học và công nghệ TPHCM - Phá bỏ rào cản để phát triển

Dù sở hữu đội ngũ khoa học hàng đầu cả nước, nhưng đến nay hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) TPHCM vẫn khá trầm lắng. Thị trường KH-CN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Các kết quả sau nghiên cứu cho được phổ biến sâu rộng vào đời sống xã hội. Đây là nhận định được các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ phục vụ phát triển KT-XH của TPHCM trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức ngày 14-5.

Ông Phạm Văn Xu, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Sở KH-CN TPHCM) cho biết giai đoạn 2011 - 2014, TPHCM đã đầu tư kinh phí hơn 386 tỷ đồng triển khai thực hiện 562 đề tài nghiên cứu. Tỷ lệ các đề tài được ứng dụng trực tiếp đạt mức cao (38%). Tuy nhiên, mức độ ứng dụng còn ở phạm vi hẹp trong từng đơn vị ứng dụng, chưa có sự lan tỏa mạnh, có ảnh hưởng đến cả lĩnh vực hoặc nhóm ngành. Mức đóng góp đó chưa đạt được như kỳ vọng của Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra xem “KH-CN là động lực cho phát triển KT-XH”.

Thực tế này xuất phát từ chất lượng của hoạt động NCKH chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, số lượng đề tài thực hiện đúng hạn trong giai đoạn vừa qua là khá thấp, chiếm chưa đến 1/4 tổng số đề tài được nghiệm thu. Số đề tài trễ hạn trên 12 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất. Lý do trễ hạn cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Do tính phức tạp của vấn đề nghiên cứu; thủ tục giải ngân, thanh quyết toán phức tạp; mâu thuẫn giữa chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì... Tuy nhiên, phần lớn do tính nghiêm túc trong nghiên cứu không cao.

Các đề tài nghiên cứu trễ hạn, dẫn đến kết quả nghiên cứu hoặc không đạt chất lượng, hoặc không còn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. “Nếu đề tài bị tạm dừng do trễ hạn, nhà nước bị mất 50% kinh phí đầu tư. Điều này dẫn đến cấp quản lý có tâm lý “du di” cho các chủ nhiệm đề tài. Chính thói quen này khiến số lượng đề tài trễ hạn ngày một nhiều hơn”, ông Xu chua chát thừa nhận.

Đổi mới quản lý giúp hoạt động  ngiên cứu khoa học hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, TS Trần Du Lịch nhìn nhận chủ trương, chính sách của Nhà nước trong 25 năm qua luôn đề cao vai trò của KH-CN. Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ IX còn đặt ra yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện 5 loại thị trường chính, trong đó có thị trường KH-CN. Tiếc thay, đến nay thị trường KH-CN lại đang chậm phát triển hơn so với các thị trường còn lại. Bất cập nằm ngay chính cơ chế quản lý chưa rạch ròi. Theo ông, công nghệ là sản phẩm hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường như mọi hàng hóa khác, còn khoa học là loại sản phẩm, mà chỉ trở thành hàng hóa khi nó phát triển thành công nghệ. Do đó, người ta chỉ mua sản phẩm là công nghệ chứ không ai mua sản phẩm khoa học. Nhưng, Luật KH-CN và phương thức tổ chức quản lý nhà nước lại đang gộp chung hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt trong cơ chế thị trường này lại với nhau. Rồi áp một chính sách chung cho cả hai lĩnh vực là không phù hợp và gây trì trệ cho sự phát triển thế mạnh ở cả hai lĩnh vực này.

Để giải quyết tình trạng này, TS Trần Du Lịch đề xuất cần xây dựng chính sách riêng cho từng hoạt động và lĩnh vực khoa học cụ thể. Nhà nước cũng phải xác định cụ thể hình thức đầu tư sao cho phù hợp. Đối với thị trường công nghệ, nhà nước giữ vai trò hỗ trợ tài chính để các tổ chức, cá nhân sáng tạo công nghệ mới phục vụ doanh nghiệp. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, chính sách chủ yếu đầu tư cho con người và phương tiện nghiên cứu. Gắn hoạt động nghiên cứu với hoạt động giảng dạy ở các viện, trường. Về lâu dài, hoạt động nghiên cứu chủ yếu diễn ra bởi các trường đại học, chứ không thể tràn lan như hiện nay.

GS Đào Văn Lượng, nguyên Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho rằng, để thay đổi cách thức quản lý, ngành KH-CN cần một tổng công trình sư có đủ tài và lực. Đó phải là người mạnh dạn đề xuất những chính sách để phá bỏ rào cản “bao cấp” vốn in sâu trong ngành KH-CN lâu nay. Đổi mới hoạt động KH-CN tại TPHCM, phải bắt đầu từ việc đổi mới cơ chế quản lý. Xác định những mục tiêu nghiên cứu trọng tâm để tập trung mọi nguồn lực mà TPHCM sẵn có. Phấn đấu để KH-CN phải trở thành động lực phát triển KT-XH trong thời gian sớm nhất.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục