“Chất men” kích thích sáng tạo

Trong hai ngày 11 và 12-4, cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam năm 2015 (Robocon Việt Nam) đã khởi tranh trên toàn quốc. Trong năm thứ 14 cuộc thi này diễn ra, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số lượng đội tuyển tham dự. Nhưng không vì thế mà robocon lại mất đi sức cuốn hút đối với sinh viên khối ngành kỹ thuật.

Trong hai ngày 11 và 12-4, cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam năm 2015 (Robocon Việt Nam) đã khởi tranh trên toàn quốc. Trong năm thứ 14 cuộc thi này diễn ra, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số lượng đội tuyển tham dự. Nhưng không vì thế mà robocon lại mất đi sức cuốn hút đối với sinh viên khối ngành kỹ thuật.

Để lại sự hụt hẫng nhiều nhất của Robocon Việt Nam năm 2015 là sự vắng mặt của các trường từng là gạo cội của cuộc thi những năm trước đây như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TPHCM, Học viện Kỹ thuật mật mã, hay CĐ Công nghiệp xây dựng… Thế nhưng đổi lại, cuộc thi năm nay đánh dấu sự bứt phá, phát triển của những đội tuyển đến từ các trường ĐH dân lập, tư thục như Đông Phương, Tân Tạo, hay như Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh, Cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính sự góp mặt của các đội tuyển robot còn “non trẻ” này đã tạo ra sức hấp dẫn cho các trận đấu ngay từ vòng loại.

Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều trường chủ động đầu tư robot một cách bài bản và khoa học, thông qua việc xây dựng các “Trung tâm hỗ trợ phát triển robot” hoặc tổ chức theo hình thức “Câu lạc bộ robot” ngay tại đơn vị. Qua đó, sinh viên được hỗ trợ việc chế tạo thiết bị, cung cấp các modul cơ bản đã chuẩn hóa và tư vấn về công nghệ. Nhờ vậy, sinh viên tập trung được sức lực cho việc sáng tạo ý tưởng, thiết kế sản phẩm và lập trình điều khiển. Trong khi đó, những trường chưa có điều kiện tham dự cuộc thi cũng đã bước đầu đưa môn học robotics vào chương trình đào tạo, hoặc ít ra cũng là một môn học ngoại khóa.

Hiệu phó một trường đại học lớn cho rằng, xu hướng của thế giới hiện nay coi robot là xương sống của cả ngành công nghiệp. Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch đầu tư lớn cho robot thông minh như một lĩnh vực KH-CN mũi nhọn, “có khả năng tiềm tàng để tạo ra động lực phát triển chủ yếu của đất nước”. Còn Trung Quốc đã khuyến cáo xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển robot thông minh ở các trường ĐH kỹ thuật. Bởi thế, việc các trường kỹ thuật ở Việt Nam lựa chọn robotics trở thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo ngành cơ điện tử là có cơ sở.

Robocon ngày càng đổi mới cả về hình thức chơi lẫn mục tiêu, đối tượng tiếp cận. Cách làm mới qua mỗi mùa robocon chính là “chất men” kích thích tư duy sáng tạo không ngừng của sinh viên các trường. Số lượng có thể ít đi, nhưng chất lượng robot càng ngày được cải thiện. Điều này tiếp tục khẳng định sức sống của sân chơi công nghệ này.

Nguyễn Tường

Tin cùng chuyên mục