Nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Quy định lơ mơ, giảng viên thờ ơ!

Thông tư 47 do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành có hiệu lực từ 25-3-2015, buộc giảng viên các trường đại học (ĐH) phải dành 1/3 tổng thời gian làm việc cho nghiên cứu khoa học (NCKH). Trên thực tế, các trường ĐH hiện tồn tại nhiều rào cản khiến quy định kể trên nhiều khả năng không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Làm cách nào để kích thích hoạt động NCKH trong giảng viên vẫn đang là bài toán khó giải.
Nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Quy định lơ mơ, giảng viên thờ ơ!

Thông tư 47 do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành có hiệu lực từ 25-3-2015, buộc giảng viên các trường đại học (ĐH) phải dành 1/3 tổng thời gian làm việc cho nghiên cứu khoa học (NCKH). Trên thực tế, các trường ĐH hiện tồn tại nhiều rào cản khiến quy định kể trên nhiều khả năng không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Làm cách nào để kích thích hoạt động NCKH trong giảng viên vẫn đang là bài toán khó giải.

Cần tạo điều kiện kích thích giảng viên tự nguyện nghiên cứu khoa học.

Không mới

Thông tư số 47 quy định chế độ làm việc đối với giảng viên nêu rõ, mỗi năm giảng viên có tổng thời gian làm việc là 1.760 giờ - sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Trong đó, giảng viên đại học phải dành 1/3 quỹ thời gian trong năm để làm công tác NCKH. Như vậy, nếu chiếu so với quy định tại

Quyết định 64 trước đó (cũng của Bộ GD-ĐT ban hành), mỗi giảng viên có 900 giờ dành cho giảng dạy, 500 giờ dành cho NCKH và 360 giờ dành cho hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác, thì những quy định tại Thông tư 47 không mới, nếu như không muốn nói là không có gì thay đổi. Và hầu hết các trường đều đã triển khai thực hiện trong hàng chục năm nay.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TPHCM cho biết, con số 500 giờ thực chất là số giờ làm việc, còn khi quy về giờ chuẩn giảng dạy chỉ còn khoảng 150 giờ. Với khối lượng giờ NCKH được xác định qua các hoạt động khoa học như viết giáo trình, viết sách tham khảo, viết báo, chủ trì và tham gia đề tài các cấp, tham gia các hội thảo khoa học, hướng dẫn sinh viên trong các hoạt động KH… thì 150 giờ là quá ít ỏi. “Vì với một bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc hội thảo khoa học trong nước là đã có khoảng 300 - 700 giờ NCKH, nếu là đề tài cấp trường đã tương đương 200 giờ NCKH”, vị trưởng phòng đào tạo này dẫn chứng.

Trong khi đó, tại một số trường ĐH ở TPHCM, thực trạng số cán bộ dạy vượt giờ chuẩn khá nhiều, có những giảng viên dạy vượt gấp đôi số giờ chuẩn quy định là 280 giờ. Trong khi số giờ dành cho NCKH lại chiếm một tỷ lệ không đáng kể.

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Trọng Tuấn (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) tiến hành trên 120 giảng viên của 3 trường ĐH ngoài công lập là Văn Hiến, Hoa Sen, Hồng Bàng trong năm 2013 cho thấy, có đến hơn 1/5 số mẫu nghiên cứu tự đánh giá là không bao giờ NCKH trong 5 năm gần đây. Chưa đến 50% giảng viên ĐH ngoài công lập chọn mức rất thường xuyên, thường xuyên và thỉnh thoảng. Số liệu thống kê này khá phù hợp, vì khi thống kê cũng với 120 giảng viên trên chỉ có 2 đề tài cấp bộ, 22 đề tài cơ sở, 1 đề tài cấp thành phố và tỉnh được thực hiện trong khoảng thời gian này.

Khó khăn nhiều, kinh phí ít!

Tất nhiên, để đạt khối lượng NCKH theo quy định, thời gian qua rất nhiều giảng viên đã lấy giờ dạy trên lớp để quy đổi sang giờ NCKH. Nghĩa là, nếu không tham gia bất kỳ một hoạt động NCKH nào, một giảng viên sẽ bị trừ đi 150 giờ chuẩn giảng dạy để bù vào 500 giờ NCKH. Điều này là không khó, bởi đa số các giảng viên đủ khả năng dạy vượt giờ. Tất nhiên, việc quy đổi còn tùy thuộc vào từng trường. Nhưng ai cũng hiểu, đó là là “phao cứu sinh” để xét thi đua cuối năm đối với các giảng viên. Và vô hình trung, quy định cho phép quy đổi giờ dạy thành giờ NCKH đang tiếp tay cho các giảng viên lười NCKH.

Theo Th.S Nguyễn Trọng Tuấn, quy định thời gian bắt buộc giảng viên dành cho NCKH là quan trọng. Bởi bất cứ một trường ĐH nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất, đó là đào tạo và NCKH. Nhưng để các giảng viên NCKH một cách tận tâm, tận lực và tự nguyện thì cần giải quyết được các khó khăn hiện tại.

Cũng theo Th.S Nguyễn Trọng Tuấn, nguyên nhân nổi trội vẫn là áp lực kinh tế cá nhân. Với các trường ĐH công lập hiện nay, ngoài số giờ trách nhiệm với nhà trường, mỗi giờ giảng dạy thêm chỉ được trả khoảng 50.000 đồng/giờ. Trong khi đó, nếu giảng dạy cho các trường ngoài công lập hoặc các hệ khác, thu nhập có khi lên đến 100.000 - 300.000 đồng/giờ tùy theo trình độ và chức danh. Rõ ràng đây là nguồn thu lớn và dễ thực hiện hơn NCKH rất nhiều.

Song song đó, giảng viên không tìm được hứng thú trong hoạt động NCKH. Công việc NCKH nhiều rủi ro, khó khăn (nhất là thủ tục hành chính), kinh phí ít… là những điều khiến giảng viên chùn bước. TS Trần Hoàng, Trưởng phòng KH-CN Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận định, trong số những khó khăn khách quan kể trên, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động NCKH tại các trường ĐH hiện nay là rào cản rất lớn.

“Mỗi năm bộ cấp cho trường khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, 3 tỷ đồng dành để trả lương cho Viện Nghiên cứu giáo dục của trường, hơn 2 tỷ đồng dành cho các hoạt động khác. Chỉ còn hơn 1 tỷ đồng là dành để cấp đề tài, công trình nghiên cứu. Với đội ngũ giảng viên hiện trên dưới 600 người, số tiền đó chỉ đủ cấp vài chục đề tài. Nếu xé lẻ ra thì kinh phí chỉ mang tính hỗ trợ”, TS Hoàng viện dẫn.

Cũng tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM mỗi năm chỉ dành khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho NCKH. Thầy Lâm Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý khoa học của trường, xác nhận, mỗi đề tài cấp trường chỉ nhận được hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng. Nếu các giảng viên không “đánh bắt xa bờ”, khó mà hoàn thành nghĩa vụ NCKH.

Theo đại diện các trường, để kích thích các giảng viên đầu tư cho NCKH, trước tiên phải đảm bảo được nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này, giúp giảng viên không chỉ sống được bằng tiền giảng dạy. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt thực hiện việc quy đổi giờ dạy sang giờ NCKH. Qua đó, giảng viên ý thức được tầm quan trọng của NCKH đối với công tác giảng dạy, nhất là trong giai đoạn nền giáo dục đang chuyển hướng từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục