Nông dân sáng chế máy cho nông dân

Hai nông dân trẻ Nguyễn Thái Toản (28 tuổi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) và Mai Văn Quân (29 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã sáng chế ra bộ đóng ngắt nguồn điện chỉ bằng điện thoại và máy bóc vỏ sắn công suất gấp 10 lần người làm.
Nông dân sáng chế máy cho nông dân

Hai nông dân trẻ Nguyễn Thái Toản (28 tuổi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) và Mai Văn Quân (29 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã sáng chế ra bộ đóng ngắt nguồn điện chỉ bằng điện thoại và máy bóc vỏ sắn công suất gấp 10 lần người làm.

Sáng chế hữu ích

Gặp chủ nhân sáng chế bộ đóng ngắt nguồn điện bằng điện thoại khi anh đang tưới nước trong rẫy xoài, Toản nhờ chúng tôi cầm ống nước đứng cạnh cầu dao điện, còn mình chạy lên đỉnh đồi để lấy điện thoại ra bấm. Khi tiếng cầu dao điện kêu “tạch”, ống nước trên tay chúng tôi bắt đầu rung chuyển, từng luồng nước phun trào từ lòng ống ra ngoài và chỉ dừng lại khi Toản cầm máy gọi thêm lần nữa.

Bộ điều khiển này hoạt động theo nguyên lý khi Toản cầm điện thoại gọi vào số thuê bao của chiếc điện thoại gắn ở cầu dao sẽ làm điện thoại phát sáng, bộ phận cảm biến ánh sáng tiếp nhận và phát ra một luồng điện tác động lên động cơ quay làm đóng hoặc ngắt cầu dao điện.

“Do hoạt động bằng sóng điện thoại nên thiết bị này đóng mở nguồn điện bất cứ ở chỗ nào, miễn nằm trong phạm vi phủ sóng”, Toản cho biết. Đánh giá về bộ đóng ngắt nguồn điện của Toản, ông Phạm Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, nói: “Ưu điểm nổi trội là người dùng có thể đứng ở tỉnh này nhưng lại đóng, mở nguồn điện ở tỉnh khác dễ như trở bàn tay. Điều này giúp nông dân tiết kiệm được sức lực, thời gian. Thực tế, nhiều hộ nông dân đã đến nhà Toản đặt hàng”.

Nguyễn Thái Toản bên bộ đóng ngắt nguồn điện.

Còn chiếc máy bóc vỏ sắn của Mai Văn Quân có cấu tạo gồm một chiếc lồng sắt hình trụ dài 1,2m, đường kính 70cm, được tạo bằng cách hàn các thanh sắt với khoảng cách mỗi thanh 2cm. Tâm chiếc lồng được gắn vào một trục quay có giá đỡ, hai bên trục có gắn hai tay quay. Máy hoạt động theo nguyên tắc người dùng tác động vào tay quay làm chiếc lồng sắt quay tròn. Củ sắn bên trong lồng cũng di chuyển, va chạm vào thành lồng làm vỏ ngoài bị tróc, rơi xuống khe hở giữa các thanh sắt.

“Nhà tôi trồng 1ha sắn, trước kia cứ đến mùa thu hoạch thì cả gia đình lớn bé thức ngày thức đêm để bóc vỏ sắn, rất tốn công. Thấy người trong thôn đặt hàng Quân sản xuất máy bóc vỏ sắn, tôi mượn dùng thử thì thấy hiệu quả gấp 10 người làm tay, rất tiện lợi”, ông Ngô Văn Dinh (ở cùng thôn với Quân) cho biết.

Ngoài chiếc máy thủ công trên, Quân còn một “bửu bối” dùng để bóc vỏ sắn khác. “Bửu bối” này thực ra là sự cải tiến của máy bóc sắn thủ công, được thiết kế thêm một động cơ, tất cả được gắn trên chiếc xe máy chế 3 bánh nên dễ dàng di chuyển trên đường. Máy hoạt động theo nguyên tắc khi động cơ nổ làm các bánh răng quay, kéo trục lồng sắt quay tròn. Ước tính, mỗi lít xăng quay được 4 lồng, mỗi lồng chứa khoảng 1 tạ sắn. Máy có hiệu suất gấp 15 người làm liên tục.

Hoàn cảnh thôi thúc…

Điều thôi thúc Toản và Quân chế tạo ra những thiết bị hữu ích trên xuất phát từ thực tế khó khăn trong lao động. Gia đình Toản trồng 2ha xoài để mưu sinh. Do rẫy nhiều đồi dốc nên mỗi khi tưới nước, Toản phải hì hục cuốc bộ hàng trăm mét để đóng ngắt nguồn điện, rất mất thời gian. Vì thế, Toản nung nấu ý định sẽ chế tạo bộ điều khiển có thể giúp anh đứng ở xa mà tắt được máy bơm nước. Một lần, Toản quan sát hoạt động của chiếc xe điều khiển thì nhận thấy chiếc xe hoạt động do bộ điều khiển tác động lên động cơ bằng sóng radio. Toản nghiên cứu, tiến hành lắp ráp bộ điều khiển cầm tay và động cơ vào cầu dao điện 1 pha.

Kết quả, Toản cầm điều khiển bấm nút và nước phun chảy. Sử dụng một thời gian, Toản nhận thấy thiết bị điều khiển điện bằng sóng radio có yếu điểm là phạm vi điều khiển hẹp, bộ điều khiển cồng kềnh. Vì vậy, Toản đã mày mò, cho ra lò bộ điều khiển mới bằng 2 chiếc điện thoại, 1 bộ cảm biến ánh sáng và động cơ quay được nhiều người biết đến như bây giờ.

Còn nhà Quân trồng mấy sào sắn, cứ đến mùa thu hoạch, vợ con phải hì hục cả đêm để cạo vỏ sắn. “Gia đình ít người nên việc bóc vỏ sắn thường chậm, nhiều lúc chưa xong thì thương lái đã rời khỏi địa phương, buộc gia đình phải tốn thêm tiền xăng chở đi bán, rất vất vả. Vì thế, tôi tự dặn lòng phải chế tạo chiếc máy bóc vỏ sắn để giải phóng sức lao động. Hôm thu hoạch, tôi chất từng bao sắn trên đồi nhưng không may sắn lăn lóc rơi xuống, vỏ tự dưng bong tróc khỏi củ. Tôi thấy sắn trong bao tự bóc vỏ do có sự tương tác giữa các củ sắn và thành bao. Nghĩ thế nên tôi chế tạo ra máy bóc vỏ sắn bằng cách tác động vào tay quay để sắn di chuyển, cọ xát trong lồng sắt như trên”, Quân kể.

Qua thời gian sử dụng, nhận thấy máy bóc vỏ sắn thủ công có hạn chế là không di chuyển được nên Quân lên kế hoạch cải tiến bằng cách gắn thêm động cơ và bánh xe giúp chiếc máy có thể di chuyển trên mọi ngả đường.

CÔNG HOAN - VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục