Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Tính đến tháng 11-2015, cả nước chỉ có 240 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH-CN). Hà Nội (30 DN) và TPHCM (23 DN) là hai địa phương có số lượng DN KH-CN nhiều nhất nước. Nhưng trong số đó đã có một số DN bị rút hoặc thu hồi giấy chứng nhận do chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang địa bàn, lĩnh vực khác. Hầu hết các DN còn lại không mặn mà tham gia do các cơ chế hỗ trợ chưa đủ sức hấp dẫn. Thực tế này được nêu lên tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp KH-CN năm 2015, do Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN (Bộ KH-CN) tổ chức ngày 25-11.

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2015, số DN phải giải thể và tạm ngừng hoạt động chiếm khoảng 14,1% tổng số DN đang hoạt động. So sánh với tỷ lệ DN KH-CN giải thể hoặc ngừng sản xuất cho thấy hoạt động ổn định và bền vững của DN KH-CN. Thống kê sơ bộ 61/204 DN KH-CN, tổng doanh thu năm 2014 là 11.369 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,29% GDP của cả nước. Tuy nhiên, Bộ KH-CN cũng nhìn nhận, tốc độ phát triển DN KH-CN trên cả nước hiện còn chậm. Chỉ tiêu 5.000 DN KH-CN đến năm 2020 do Bộ KH-CN đề ra khó có thể thực hiện được. Bên cạnh sự thụ động của các DN, chính sách hỗ trợ hiện chưa đầy đủ và cởi mở để hấp dẫn các DN tham gia.

Nhìn nhận những khó khăn của DN KH-CN, TS Lê Minh Thông, đại diện Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa minh chứng: Các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước hiện chưa tạo sự khác biệt. Không cần chứng nhận DN KH-CN, một DN phần mềm hoàn toàn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN tương đương với DN KH-CN. Một số DN trong các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, với những điều kiện còn dễ dàng hơn so với DN KH-CN. Chính vì vậy, các DN này chưa quan tâm đến việc đăng ký chứng nhận DN KH-CN là hợp lý.

Việc quy định về tỷ lệ doanh thu nhằm thực hiện chế độ ưu đãi về thuế doanh thu đối với sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH-CN cũng là một nút thắt. Một DN KH-CN muốn được ưu đãi thuế thì phải đạt được tiêu chí tổng doanh thu của DN trong năm thứ nhất đạt từ 30% trở lên, năm thứ hai đạt từ 50% trở lên và từ năm thứ ba trở đi đạt từ 70% trở lên. Chỉ tiêu này vượt tầm các DN mới thành lập. Thế nên, mang danh nghĩa là DN KH-CN nhưng cũng không khác gì các DN bình thường. Bên cạnh đó, các sản phẩm KH-CN mới được tạo ra trong nước, có hàm lượng công nghệ cao nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e ngại của người tiêu dùng, công tác truyền thông đến công chúng hạn chế do thiếu kinh phí.

Trước khó khăn này, đại diện Sở KH-CN các địa phương và DN đồng quan điểm rằng song song với việc tạo môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh để DN nhìn thấy lợi ích của việc đổi mới công nghệ, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để DN được nhập khẩu, tiếp nhận và nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu và hỗ trợ DN bảo vệ tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Đặc biệt, cần mở nhiều diễn đàn để các bộ, ngành và DN KH-CN có thể đối thoại trực tiếp, giúp lãnh đạo bộ kịp thời nắm bắt các khó khăn của DN để hỗ trợ thiết thực và hợp lý. Bộ KH-CN sớm làm việc với Tổng cục Thuế và các bộ, ngành có liên quan để gỡ nút thắt, giúp DN tiếp cận các chính sách ưu đãi dễ dàng hơn.

Hân Nguyễn

Tin cùng chuyên mục