Mở cửa thị trường vi mạch

Sau 2 năm triển khai, “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” đã đạt được những kết quả đáng kể trên các mặt: đào tạo nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây nhà thiết kế (design house), hợp tác quốc tế, thương mại hóa chip SG8V1… Hiện nay rất cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vi mạch trong nước.
Mở cửa thị trường vi mạch

Sau 2 năm triển khai, “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” đã đạt được những kết quả đáng kể trên các mặt: đào tạo nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây nhà thiết kế (design house), hợp tác quốc tế, thương mại hóa chip SG8V1… Hiện nay rất cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vi mạch trong nước.

Nghiên cứu thiết kế vi mạch tại ICDREC.

Thước đo lợi ích

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, chip là một phân tử quan trọng trong nền kinh tế, biểu tượng của năng suất lao động cao nhất. Vi mạch cộng với phần mềm nhúng sẽ thành bộ “não” trong tất cả trang thiết bị hiện đại. Vì thế, việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch sẽ tạo động lực để công nghiệp hóa đất nước…

Từ Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM, chip Việt đã ra đời và thể hiện rõ giá trị của nó, nhất là với chíp SG8V1. Bình quân giá thị trường của dòng chip 8 bit hiện nay khoảng 75.000 đồng/chip nhưng với SG8V1 chỉ tầm 40.000 đồng/chip. Chỉ tính thị trường có nhiều loại thiết bị dân dụng sử dụng vi xử lý 8 bit, khi mua 1 triệu con chip ngoại với giá 75.000 đồng/con tốn khoảng 75 tỷ đồng.

Trong khi với SG8V1 chỉ tốn 40 tỷ đồng, tức giảm được 35 tỷ đồng… Ở đây cần phải thấy thêm, chip Việt SG8V1 đã được ứng dụng vào hộp đen xe máy, khóa điện tử giám sát quản lý container, thiết bị giám sát hành trình ô tô… nhưng vẫn còn hàng trăm thiết bị khác cần “bộ óc” nên tiềm năng của SG8V1 còn rất lớn.

Hay mới nhất, Ban chỉ đạo Chương trình phát triển vi mạch TPHCM cũng như Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đã đưa chip Việt vào thiết bị thu nhận chỉ số điện (DCM). Hiện đã có 3.000 thiết bị đã được lắp đặt tại TPHCM. Theo tính toán, chi phí trên giảm hơn 30% so với giá cũ, tiết kiệm hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Tính riêng TPHCM dự kiến năm 2015 sẽ trang bị 40.000 điểm đo, qua đó trung bình mỗi năm tiết kiệm được cho ngân sách gần 25 tỷ đồng.

Thiết bị thu nhận chỉ số điện (DCM) được gắn song song với đồng hồ điện để thống kê các chỉ số điện tại TPHCM.

Cần chính sách thị trường

Có những lạc quan khi thấy TPHCM đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới như: Đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN, thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn vào TPHCM như: Intel, Samsung, Microchip… Nhưng cần thấy rõ đó là những sản phẩm của các nhà đầu tư nước ngoài và nó mang giá trị khác, trong khi TPHCM đang khát vọng xây dựng một ngành công nghiệp vi mạch riêng với những hoài bão lớn hơn.

Theo Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhu cầu ứng dụng vi mạch của Bộ Quốc phòng rất lớn, nếu tiếp tục phát triển đúng hướng, công nghiệp vi mạch là chỗ dựa vững chắc cho quốc phòng an ninh của Việt Nam…

Hơn nữa các số liệu thống kê khác còn cho thấy Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỷ con chip các loại, đây là cơ sở để TPHCM đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành ngành kinh tế chủ lực. Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD linh kiện bán dẫn nhưng để thương mại hóa sản phẩm chip Việt thật không dễ dàng. Chip SG8V1 là sản phẩm mới nên các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp khác chưa quen sử dụng bởi lâu nay, các doanh nghiệp phần lớn nhập nguyên bo mạch về lắp ráp. Do đó cần phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm để nhiều doanh nghiệp trong nước biết và rộng mở “cánh cửa” sử dụng chip Việt…

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết, năm 2015 thành phố sẽ tập trung công tác phát triển thị trường vi mạch. Mặc dù thành phố quyết tâm đầu tư cho vi mạch nhưng để ngành này phát triển cần phải có thị trường, trước tiên là phát triển thị trường trong nước với khẩu hiệu “Người Việt dùng vi mạch Việt”. Hiện nay, các lĩnh vực có tính bảo mật cao như: ngân hàng, điện lực, an ninh quốc phòng, viễn thông nên sử dụng vi mạch Việt để được bảo mật tốt hơn.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục