Tập trung phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Tập trung phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Từ 2011, TPHCM đã tiên phong đầu tư nghiên cứu các sản phẩm vi mạch. Tuy nhiên, để ngành vi mạch về đích thành công, TPHCM phải xác định đúng lộ trình phát triển, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu làm chủ công nghệ. Đây là kinh nghiệm được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị cấp cao Việt Nam SEMI về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD) diễn ra tại TPHCM ngày 17-9.

Ông Kai Fai, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn - SEMI khu vực Đông Nam Á cho biết, ngành CNBD đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hầu hết các ngành công nghiệp khác: từ công nghệ thông tin, cơ khí, tự động hóa… CNBD cũng là ngành mang lại lợi nhuận rất lớn. Đến nay, doanh số của ngành này trên thế giới đạt khoảng 270 tỷ USD/năm, trong đó thị trường châu Á đạt khoảng 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 18,5%.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM, cho biết: Việc phát triển công nghiệp vi mạch, trong đó có dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, khi công suất sẽ sản xuất 1,8 tỷ con chip/năm và doanh thu lên tới 90 triệu USD/năm. Hiệu quả sẽ tăng gấp đôi nếu thị trường ủng hộ. Bên cạnh đó, chương trình dự kiến góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm điện tử Việt Nam với mức lợi nhuận từ 20% - 30%, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm Chương trình vi mạch TPHCM, đến nay chương trình đã đi đúng hướng đề ra. Chương trình đã có những sản phẩm tiêu biểu như chip vi xử lý 8bit VN801, chip vi xử lý 32bit VN1632, chip Analog LDO TH7105, chip sinh học - linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (Quartz Crystal Microbalance - QCM)... Đặc biệt chip SG8V1 có tiềm năng ứng dụng trên 30 dòng sản phảm trên nhiều lĩnh vực.

Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trung tâm ICDREC(Đại học Quốc gia TPHCM)

Cùng với đó, một dự án nhà máy chip có giá trị khoảng 200 triệu USD cũng đang hoàn thiện. “Dự kiến, trong 3-6 tháng nữa, sau khi được Chính phủ thông qua, nhà máy sẽ bắt đầu triển khai xây dựng, với công suất 72.000 wafer mỗi năm, sử dụng công nghệ 180/130nm. Các sản phẩm chip của nhà máy sẽ được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước, ưu tiên lĩnh vực an ninh quốc phòng”, TS Phạm Bá Tuấn, cố vấn cấp cao Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc tế và Việt Nam cũng cảnh báo, ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam còn khá non trẻ, đầy cơ hội nhưng không ít thách thức cần phải giải quyết. Một trong số đó đến từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực. Tại TPHCM hiện có khoảng 20 công ty đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch như Applied Micro, Arrived Technology... đang có nhu cầu nhân lực khá lớn. Mỗi năm các công ty này cần tuyển đến hơn 1.000 kỹ sư vi mạch. Nhưng việc đào tạo nhân lực ở các trường đại học gần như đang đứng “ngoài cuộc chơi”. Song song đó, ngành vi mạch bán dẫn đòi hỏi các quốc gia đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và thiết kế, làm cơ sở cho nhà máy sản xuất trong tương lai.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục