Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Quá ít do gặp khó

Hình thành từ nghiên cứu
Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Quá ít do gặp khó

Chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DN KH-CN) là một chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, tạo lập DN. Từ năm 2009, Sở KH-CN TPHCM đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ DN đăng ký xét duyệt. Thế nhưng, đến nay mới có 17 DN ở TPHCM nhận được chứng nhận này.

Ngày càng nhiều DN muốn trở thành DN KH-CN. Ảnh: T.Ba

Hình thành từ nghiên cứu

Năm 2009, khi tiếp cận Hội chợ Nông nghiệp Thái Lan, Công ty TNHH thương mại Thịnh Toàn nhận thấy giá trị của hoa lan nước bạn nên đã đề xuất nhận chuyển giao công nghệ. Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trồng lan Thái Lan, Công ty Thịnh Toàn đã đầu tư xây dựng một dây chuyền khép kín từ nuôi cấy mô đến tạo hoa lan thành phẩm. Thế nhưng, trong suốt quá trình kinh doanh, bản thân công ty chưa bao giờ bằng lòng với sản phẩm, nhất là khi chưa tạo ra được các giống mới mang nét đặc trưng của Việt Nam. Nhận thấy điều đó, các kỹ sư của Công ty Thịnh Toàn đã kết hợp với Sở KH-CN TPHCM thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nhân giống lan dendrobium lai queen of heart”. Thành công của đề tài không chỉ là các giống lan lai giá trị, mà chính Công ty Thịnh Toàn (nay là Công ty Cổ phần KHCN nông nghiệp Anh Đào) cũng đạt các tiêu chí là DN KH-CN hình thành từ các sản phẩm nghiên cứu.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Đào cùng các kỹ sư tại Công ty TNHH Thương mại Nguyên Nông (GINO) lại được biết đến là địa chỉ đầu tiên nghiên cứu và sản xuất dòng sản phẩm đất dinh dưỡng hệ Multi. Để có được dòng sản phẩm này, từ năm 1999, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Đào đã bắt đầu tìm hiểu, tiếp cận công nghệ ở nước ngoài. Đến 2003, GINO đã có những khảo sát, đánh giá và nghiên cứu sản xuất thử nghiệm hỗn hợp giá thể dinh dưỡng từ bụi xơ dừa và từ đây mở ra cơ hội cho DN làm chủ công nghệ sản xuất đất dinh dưỡng trồng cây hệ Multi. Trong xu hướng hiện nay, đất trồng cây hệ Multi đáp ứng nhu cầu trồng rau sạch, góp phần cải thiện không gian xanh đô thị. Từ thành công của dự án sản xuất thử nghiệm “Phát triển sản xuất và ứng dụng các vật liệu canh tác rau theo hướng hữu cơ sinh học trong đô thị” năm 2006, GINO đã nhận được chứng nhận DN KH-CN với 12 sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu.

Vẫn chờ ưu đãi

 

Nghị định 80/2007 xác định DN KH-CN sẽ được hưởng ưu đãi với 4 năm miễn thuế hoàn toàn, 9 năm miễn 50%, thuế suất chỉ 10% so với thuế thông thường. Đồng thời, DN cũng được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cũng như được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo do nhà nước thành lập.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TPHCM), cho biết chứng nhận DN KH-CN thực sự là chính sách mang tính đột phá với hàng loạt ưu đãi. Bởi thế, từ đầu năm 2009, Sở KH-CN TPHCM đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ và triển khai thẩm định hồ sơ đăng ký thành lập DN KH-CN. Tính đến nay, sở đã tiếp nhận 26 hồ sơ đăng ký. Trong 14 DN KH-CN đạt chuẩn, 8 DN có lĩnh vực hoạt động được phát triển từ kết quả của các đề tài và dự án được Sở KH-CN đầu tư thực hiện. Để công tác xét duyệt hiệu quả, sở cũng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành; trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, các hiệp hội... để rà soát lập danh mục DN tiềm năng. Từ đó, đưa ra hướng dẫn, tư vấn DN thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, có không ít DN KH-CN, dù đã được chứng nhận là DN KH-CN vẫn chưa được miễn thuế theo quy định. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng thừa nhận những vướng mắc này xuất phát từ việc các ngành chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế: “Như trường hợp Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty Giải Thoát, hay mới đây là Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn được cấp giấy chứng nhận từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế do Cục Thuế TPHCM phải xin ý kiến Tổng cục Thuế. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai hoạt động phát triển DN KH-CN trên địa bàn TP. Từ đó, DN cũng ngại tham gia xét duyệt”.

Theo một chuyên gia thẩm định tài sản trong lĩnh vực KH-CN, việc DN chứng minh sở hữu hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu gặp thuận lợi nếu kết quả đó là các văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ đã được được cấp hoặc là kết quả của các đề tài, dự án do nhà nước đầu tư. Nhưng, đối với các kết quả do chính DN tự đầu tư bằng nguồn lực của mình thì gặp không ít thách thức do trình tự và hồ sơ nghiên cứu không thực hiện đầy đủ. Khi đó, muốn chứng minh quyền sở hữu của nghiên cứu không hề dễ dàng. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến DN không đủ điều kiện được chứng nhận DN KH-CN hoặc khởi nguồn cho những vướng mắc tại các cục thuế.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục