Hệ thống bán vé điện tử của đường sắt Việt Nam: Kỳ vọng hết… “hành” khách

Việc ký kết cung cấp dịch vụ “Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam” giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn FPT được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề bức xúc của hành khách, nhất là những dịp lễ, tết khi mua vé tàu.
Hệ thống bán vé điện tử của đường sắt Việt Nam: Kỳ vọng hết… “hành” khách

Việc ký kết cung cấp dịch vụ “Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam” giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn FPT được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề bức xúc của hành khách, nhất là những dịp lễ, tết khi mua vé tàu.

Khi hệ thống bán vé điện tử hoàn thiện, hành khách không nhất thiết phải đến tận nơi mua vé tàu như hiện nay. Ảnh: TƯỜNG HÂN

Tiến đến sự tiện lợi

“Hệ thống bán vé điện tử cung cấp nhiều phương thức mua vé cho người dân như: mua vé qua website, mua vé qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, đặt vé qua tin nhắn điện thoại, mua vé qua thiết bị bán vé tự động tại ga, mua vé qua đại lý… Và người dân có thể sử dụng các loại thẻ thanh toán trong nước và quốc tế để trả tiền mua vé” - ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) - đơn vị triển khai hệ thống này cho biết như vậy.

Được biết dự án này triển khai trong 7 năm, chia làm 3 giai đoạn với tổng chi phí đầu tư của cả hai bên là 197 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1: xây dựng, lắp đặt hệ thống trong 120 ngày kể từ ngày triển khai. Giai đoạn 2 cung cấp hệ thống bán vé điện tử qua website trong 1 năm, bắt đầu từ ngày 21-11-2014 để kịp phục vụ người dân vào dịp Tết Nguyên đán tới. Giai đoạn 3 cung cấp hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh từ ngày 21-11-2015. Khi đó, hệ thống hoàn chỉnh sẽ được áp dụng tại tất cả các ga thuộc đường sắt quốc gia trên toàn quốc.

Có thể thấy, khi dự án hệ thống bán vé điện tử hoàn thành và đi vào vận hành, người dân có thể dễ dàng mua vé tàu và cập nhật thông tin về hành trình tàu mọi lúc mọi nơi thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như tin nhắn, email, hệ thống bảng điện tử tại sân ga, trên tàu... như các hãng hàng không đang áp dụng.

Quản lý khoa học hơn

 

* Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định: “Dự án xây dựng Hệ thống bán vé điện tử sẽ hỗ trợ người dân mua vé tàu dễ dàng mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có kết nối internet. Bên cạnh đó, đây cũng là bước ngoặt quan trọng giúp ngành đường sắt Việt Nam lấy lại vị thế trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia”.

 

Theo thống kê trên hệ thống bán vé hiện tại của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tổng số cửa vé đăng ký hoạt động trong toàn bộ hệ thống khoảng 422 cửa. Ttrong đó vào giờ cao điểm có khoảng 350 cửa vé hoạt động cùng lúc. Nhưng khi ứng dụng hệ thống mới, số lượng người sử dụng hệ thống bán vé điện tử cũng thay đổi rất lớn, không chỉ giới hạn ở 350 cửa vé như trước đây mà biến động rất linh hoạt tùy thuộc vào số lượng người dân tham gia mua vé. Để đáp ứng được một số lượng lớn người sử dụng và thay đổi theo mùa vụ, hệ thống bán vé mới do FPT cung cấp được thiết kế với kiến trúc cho phép hệ thống bán vé có thể huy động tài nguyên phục vụ một số lượng lớn người sử dụng vào mùa cao điểm và giải phóng bớt tài nguyên vào những mùa thấp điểm…

Được biết khi mô hình vé điện tử đi vào vận hành, hành khách có thể sử dụng mã đặt chỗ để vào ga lên tàu thay cho phôi vé như hiện tại. Mã đặt chỗ sẽ được gửi thông qua hòm thư điện tử email hoặc tin nhắn SMS. Hành khách sẽ cung cấp mã đặt chỗ cho nhân viên nhà ga tại các quầy vé cùng với các giấy tờ tùy thân để nhận vé trước khi lên tàu. Nhân viên soát vé tại cửa ga và trên tàu sẽ được trang bị các thiết bị soát vé cầm tay có gắn đầu đọc mã vạch và kết nối 3G. Các thiết bị sẽ giúp nhân viên đường sắt kiểm tra các thông tin về mã đặt chỗ của khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Qua dự án này còn cho thấy, việc đầu tư hệ thống công nghệ này sẽ tháo được “nút thắt” về vốn thường gặp phải. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không bỏ vốn đầu tư vào việc xây dựng hệ thống bán vé điện tử mà được sử dụng toàn bộ hệ thống (bao gồm hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, hạ tầng viễn thông kết nối từ trung tâm dữ liệu của FPT đến từng ga và hệ thống mạng nội bộ của đường sắt Việt Nam; Phần mềm bán vé điện tử và các thiết bị đầu cuối như máy bán vé tự động; thiết bị soát vé cầm tay) để tổ chức mạng lưới bán vé. Bù lại, để được sử dụng dịch vụ trên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải trích tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu bán vé thu được qua hệ thống điện tử để trả cho nhà cung cấp là FPT.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục