Chinh phục tảo xoắn Spirulina

Nuôi tảo xoắn Spirulina là một nghề mới ở Việt Nam nhưng nếu nuôi thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế cao vì đây là nguồn để bào chế thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất tốt cho sức khỏe và hiện đang được sử dụng nhiều trên thế giới.
Chinh phục tảo xoắn Spirulina

Nuôi tảo xoắn Spirulina là một nghề mới ở Việt Nam nhưng nếu nuôi thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế cao vì đây là nguồn để bào chế thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất tốt cho sức khỏe và hiện đang được sử dụng nhiều trên thế giới.

Bà Thao trong phòng nhân cấy tảo giống cấp 1.

Bén duyên

Bà Trần Thị Thao (ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nảy sinh ý tưởng nuôi tảo xoắn khi bà được người bạn tặng một lọ thực phẩm chức năng của Nhật Bản, được bào chế từ tảo xoắn Spirulina. “Sử dụng thấy loại tảo này tốt, tìm hiểu thấy nó chứa nhiều hàm lượng chất khoáng, protein nên tôi bắt đầu tò mò. Nhưng, ý tưởng ấy chỉ dừng lại ở ý tưởng nếu tôi không gặp được GS-TS Dương Đức Tiến - một chuyên gia hàng đầu về ngành tảo và công nghệ sinh học của Việt Nam tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Đà Nẵng”. Từ cuộc gặp gỡ này, bà Thao được GS-TS Dương Đức Tiến hướng dẫn kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng.

Năm 2012, bà Thao vào Bình Thuận tham quan mô hình nuôi tảo xoắn của doanh nghiệp Vĩnh Hảo. Về quê, bà tìm đến xóm 6 xã Quỳnh Lương - một xóm ven biển, cách nhà 15km để thuê mặt bằng triển khai ý tưởng. Đầu tiên bà thuê người khoan giếng, khảo sát nguồn nước. Qua phân tích cho thấy chất lượng nước ở đây phù hợp với tảo xoắn. Sau đó, bà mời GS-TS Dương Đức về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và giới thiệu nơi lấy nguồn giống. Lứa tảo đầu tiên được nuôi trong phòng thí nghiệm đã thành công. Tuy nhiên, khi đưa tảo ra bể xi măng ngoài trời thì không phát triển được. Vậy là thất bại. Nhưng không nản lòng, bà và các kỹ sư cộng sự lại tiếp tục mò mẫm, thử nghiệm lại, cứ thế hơn 4 tháng trời.

Mở hướng làm giàu

Không phụ công bà Thao và mọi người, đến tháng 4-2013, sau nhiều thử nghiệm, giống tảo khó tính Spirulina đã phát triển được trong bể xi măng. Như vậy, tảo sau khi được nhân cấy trong phòng giống cấp 1 từ 3 - 5 ngày, sau đó cho ra phòng giống cấp 2. Tại đây tảo được chăm sóc thêm 5 - 7 ngày thì đem ra bể xi măng ngoài trời. Điều kiện sản xuất ngoài trời bắt buộc phải vô trùng các thiết bị vì nếu bị nhiễm khuẩn, tảo xoắn sẽ không phát triển.

Từ khi đưa ra bể xi măng nuôi 8 - 15 ngày, tảo có thể cho thu hoạch và được sấy khô để làm nguyên liệu bào chế thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Giữa năm 2013, mẻ sản phẩm tảo xoắn đầu tiên của bà Thao sản xuất đã có mặt trên thị trường.

Dù mới xuất hiện nhưng thương hiệu tảo xoắn Spirulina của bà Thao đã được nhiều người biết đến. Với giá bán như hiện nay (215.000 đồng/lọ 100 viên loại 0,5g/viên), sản phẩm tảo xoắn của bà Thao có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu. Đến nay, cơ sở của bà Thao cho sản lượng trung bình 2 tấn tảo xoắn khô thành phẩm mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, trong đó có 9 kỹ sư. Bà Thao cho rằng tảo xoắn tuy “khó tính” nhưng khi đã “hiểu” được nó thì việc nuôi không còn phức tạp.

Hiện bà Thao đang hướng dẫn nhiều gia đình nuôi trồng tảo xoắn theo hướng vùng nuôi tảo tập trung, nuôi giống và lưu giữ giống, mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân vùng ven biển, trước mắt là người dân Quỳnh Lưu quê bà.

Duy Cường

Tin cùng chuyên mục