Đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử: Nhiều trăn trở!

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam cần đào tạo và tuyển dụng hàng ngàn kỹ sư chuyên ngành năng lượng hạt nhân. Bên cạnh chương trình đào tạo cử nhân tại các viện, trường trong nước, một số sinh viên và cán bộ ngành hạt nhân cũng được tuyển chọn gửi đi tập huấn ở nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị này vẫn để lại nhiều nỗi lo.
Đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử: Nhiều trăn trở!

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam cần đào tạo và tuyển dụng hàng ngàn kỹ sư chuyên ngành năng lượng hạt nhân. Bên cạnh chương trình đào tạo cử nhân tại các viện, trường trong nước, một số sinh viên và cán bộ ngành hạt nhân cũng được tuyển chọn gửi đi tập huấn ở nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị này vẫn để lại nhiều nỗi lo.

Đoàn chuyên gia Việt Nam tập huấn tại Nhà máy Điện hạt nhân Pak (Hungary).

5.000 kỹ sư hạt nhân

Bộ KH-CN vừa công bố thực trạng và tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2020 trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam. Theo đó, dự tính theo lộ trình đến năm 2020, nước ta có khoảng 1.300 người có trình độ đại học trở lên làm việc trực tiếp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với 42 lĩnh vực chuyên môn, công việc khác nhau. Trong số này, khoảng 350 người (chiếm khoảng 25%) tốt nghiệp các chuyên ngành hạt nhân như kỹ thuật hạt nhân, vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, điện hạt nhân, hóa phóng xạ.

Cũng theo Bộ KH-CN, để đáp ứng nhiệm vụ theo quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, chúng ta cần 6.000 người có trình độ từ đại học trở lên làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (bao gồm cả điện hạt nhân). Do đó, để có được con số kể trên, ước tính cần tổ chức đào tạo và tuyển dụng mới khoảng 5.000 người (bao gồm cả nguồn nhân lực bù cho số cán bộ sẽ về hưu từ nay đến năm 2020). Đây là thách thức không nhỏ của chương trình đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.

Do Việt Nam hiện chưa đủ khả năng đào tạo các chuyên gia vận hành nhà máy nên cần đưa cán bộ đi tập huấn nước ngoài. Dù vậy, cho đến nay, Bộ KH-CN mới chỉ cử được khoảng 20 người đi đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc và Liên bang Nga; xây dựng mạng lưới các trường cam kết chia sẻ tài nguyên về chương trình, tài liệu, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…

Song song đó, từ năm 2012 đến nay, Bộ GD-ĐT hợp tác với Bộ Phát triển nguồn nhân lực Hungary cử 157 (trên tổng số 500) lượt cán bộ giảng viên của các trường đại học có chuyên môn hạt nhân đi bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.

Ngay cả các chương trình tập huấn cán bộ này, một số chuyên gia đầu ngành vẫn không khỏi lo lắng. Theo lý giải của TS Trần Kim Tuấn, Đại học Bách khoa Hà Nội, suốt thời gian dài, ngành hạt nhân không phát triển nên cán bộ, giảng viên ít có điều kiện đào tạo bồi dưỡng. Những người tồn tại bám ngành tự tìm cách học, nghiên cứu. Do đó, các khóa tập huấn trong thời gian ngắn từ 6 tuần đến 2 tháng như hiện nay cũng cần xây dựng cho hợp lý. Bởi trước đó, họ hầu như không biết gì về nhà máy điện hạt nhân.

Vừa đào tạo vừa khuyến khích

Cùng với các hoạt động liên kết đào tạo ở nước ngoài, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép 6 trường đại học và 1 trung tâm được đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân. Theo TS Võ Hồng Hải, Trưởng bộ môn Năng lượng hạt nhân, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TPHCM, trước đây ngành hạt nhân bị bó hẹp rất nhiều, cơ hội tìm công ăn việc làm khó nên suốt thời gian dài thiếu vắng sinh viên đăng ký học.

Đến khi có dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, ngành học bắt đầu có được sự chú ý của các thí sinh, nhưng do ngành học còn mới mẻ nên khả năng đào tạo tại các trường hiện cũng không nhiều. Bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2012, đến nay bộ môn có 15 sinh viên đang theo học, nhưng hầu hết các sinh viên đều băn khoăn về công việc sau khi ra trường. “Tất nhiên, khi các em ra trường chưa thể làm ở nhà máy điện ngay được. Bởi kinh nghiệm cho thấy, các cử nhân cần thêm 7 - 10 năm kinh nghiệm mới đủ khả năng vận hành nhà máy.

Tuy nhiên, mỗi năm có một khóa sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân ra trường, song chưa có cơ hội được làm việc đúng chuyên môn hoặc chưa có sự phân công, đón nhận của các cơ quan, tổ chức. Vì vậy, nguy cơ nhiều sinh viên sẽ chuyển nghề, gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực. Bởi thế, chúng tôi vẫn động viên và khuyến khích sinh viên học tập thật giỏi để tìm vị trí ở các đơn vị khác, không nhất thiết phải là dự án nhà máy điện hạt nhân”, TS Võ Hồng Hải băn khoăn.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, nhận định, hiện nhà nước đã có một số chính sách nhất định để thu hút nguồn nhân lực như cho phép hưởng 70% mức lương tối đa cơ quan nhà nước. Tập đoàn EVN phê duyệt chính sách ưu đãi lương cho cán bộ làm việc trực tiếp trong dự án Ninh Thuận… Tuy nhiên, ngay cả chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn chưa hoàn thiện và chưa đủ sức làm mồi nhử thu hút thêm nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Được biết, đến đầu năm 2016, hơn 100 sinh viên đầu tiên đang theo học kỹ sư điện hạt nhân tại Nga sẽ tốt nghiệp về nước. Đây là nguồn nhân lực đầu tiên được đào tạo bài bản, làm nền móng cho dự án nhà máy điện. Tuy nhiên, khi nhà máy điện chưa được xây dựng, còn Dự án Viện nghiên cứu hạt nhân quốc gia có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD chưa biết khi nào có, thì việc sắp xếp công việc cho nguồn nhân lực này thực sự là điều trăn trở lớn.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục