Rộng mở trước thế giới Internet

Internet ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1997, từ đó đến nay, Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet tăng nhanh nhất hàng năm.
Rộng mở trước thế giới Internet

Internet ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1997, từ đó đến nay, Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet tăng nhanh nhất hàng năm.

Phát triển không ngừng

Mạng Internet toàn cầu phát triển mạnh mẽ với tốc độ cao, các dịch vụ trực tuyến trên Internet ngày càng phát triển, đặc biệt là chính phủ điện tử, thương mại điện tử, mạng xã hội... 5 tỷ người dùng Internet trong tổng số hơn 7,6 tỷ người và hơn 50 tỷ thiết bị kết nối… đó là những dự báo sự phát triển Internet thế giới của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đến năm 2020.

Trong những năm đầu của hoạt động, tên miền quốc tế có khoảng thời gian tăng trưởng nhanh, số lượng chủ thể Việt Nam đăng ký sử dụng tên miền quốc tế cao hơn so với lượng đăng ký sử dụng tên miền “.vn”. Nhưng kể từ năm 2010, số lượng đăng ký sử dụng tên miền “.vn” vượt lên với sự cách biệt ngày càng rõ rệt. Tên miền “.vn” vẫn giữ vị trí đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng và vị trí thứ 7 trong tốp 10 các quốc gia châu Á về số lượng tên miền quốc gia.

Không chỉ vậy, tên miền “.vn” tiếp tục có tỷ lệ tăng trưởng đăng ký sử dụng cao hơn tên miền quốc tế với khoảng cách ngày càng cách biệt. Tính đến hết tháng 9-2014, Việt Nam có 217.235 tên miền quốc tế.

Internet phát triển, học sinh vùng sâu vùng xa tại Trường THCS Hòa Lộc (xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có thêm cơ hội tiếp cận kiến thức.

Tại sự kiện Internet Day 2014 với chủ đề “Kỷ nguyên online” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức vừa qua cho thấy: Việt Nam hiện có hơn 92 triệu dân, trong đó số người sử dụng Internet hơn 36 triệu người, tỷ lệ sử dụng Internet trên di động so với tổng dân số là 34%. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng Internet khá cao lên đến 9%/năm, xếp hạng 15 trên thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng đó, các ngành nghề liên quan như dịch vụ gia tăng, thương mại điện tử, nội dung số, ứng dụng online, đặc biệt là trên nền tảng mobile đang không ngừng phát triển trong năm 2014.

Theo ông Thái Hữu Lý, Trưởng phòng Kinh tế - Thống kê VNNIC, trong những năm vừa qua, sự tăng trưởng ngoạn mục của Internet Việt Nam là kết quả tổng hòa của sự phát triển trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đó có tài nguyên Internet (tên miền, địa chỉ IP, số hiệu mạng), vốn là các thông số cơ bản phục vụ cho hoạt động Internet.

Thúc đẩy các giá trị

Sự bùng nổ Internet dự báo thế giới tiếp tục sôi động với sự hội tụ của 4 hướng phát triển Social (xã hội), Mobility (di động), Analytics (phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây). Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển Internet Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hướng tới “Kỷ nguyên online”…

Các hoạt động trên nền Internet diễn ra khá rầm rộ trong thời gian qua, như thương mại điện tử, giáo dục… và thực tế, những giá trị mới đã được đặt ra gắn liền với xã hội như Payment (thanh toán) chẳng hạn. Tuy nhiên, mặc dù thẻ ngân hàng hiện tại đã có gần 30 triệu người sử dụng nhưng có đến 95% vẫn chỉ để rút tiền mặt từ máy ATM.

Tỷ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam thực sự thấp (dưới 0,1% tổng số tiền thanh toán), nhưng với sự phổ cập của mobile phone và xu hướng hiện nay trong nước cũng như trên thế giới, nhiều người lại cho rằng không quá khó để tưởng tượng 10 năm sau người Việt Nam có thể sử dụng mobile để thanh toán cho tất cả những nhu cầu thanh toán online và offline…

Hay rất nhiều người nói về E-government (chính phủ điện tử), đặc biệt là các cơ quan chính phủ. Có thể nhận thấy hệ thống chính quyền điện tử ở Đà Nẵng được xây dựng trong suốt 6 năm qua và vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2014 sẽ là thay đổi cơ bản về quy trình và cách thức làm việc của dịch vụ công…

Chính vì thế kỷ nguyên Internet tiếp tục củng cố nền kinh tế Internet. Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho rằng, năm 2004, doanh thu nội dung, dịch vụ Internet chỉ là 70 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2009, con số đã là 2.600 tỷ đồng và năm 2013, mức doanh thu của dịch vụ, nội dung Internet lên tới 20.400 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Minh đưa ra dự báo, đến năm 2018, doanh thu về nội dung, dịch vụ Internet sẽ vươn tới 100.000 tỷ đồng, bằng 6,6 lần doanh thu tại thời điểm hiện nay. Trong đó, thương mại điện tử chiếm vị trí cao nhất với 60.000 tỷ đồng; nội dung di động 20.000 tỷ đồng…

Cũng cần thấy rằng, năm 2004 có khoảng 6 triệu người Việt Nam sử dụng Internet (khoảng 7% dân số Việt Nam). Thời điểm này, truy nhập băng thông rộng (ADSL) mới được giới thiệu khoảng hơn 1 năm (từ tháng 6-2003). Việc sử dụng Internet được xem như một trào lưu mới, dành cho người trẻ hay dân công nghệ, đến nỗi thậm chí trong khá nhiều đơn xin việc vào thời điểm đó, khả năng sử dụng Internet và trình duyệt được ghi vào như là một “kỹ năng làm việc”.

Song đến nay đối với rất nhiều người, Internet trở thành một nhu cầu cơ bản, không thể thiếu và cuộc sống của đa số người trẻ hay người thành thị sẽ đảo lộn, thậm chí đình trệ nếu Internet đột ngột bị gián đoạn. Internet từ một công nghệ mới đã thực sự phổ cập tại Việt Nam, biến một khái niệm khá xa lạ, mang tính chất “kỹ thuật cao” trở thành bình thường.

Cho nên đứng trước cánh cửa rộng mở của Internet, các chuyên gia khác cho rằng, sự phát triển của Internet tiếp tục là cơ hội mở, tiềm năng lớn và nguồn thu hấp dẫn nhất từ trước đến nay.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục