“Đặt máy xuống để thật sự bên con”

Con người muốn kết nối và internet giúp chúng ta thỏa mãn điều đó. Nhưng sự tác động của internet đang khiến chúng ta dần thay đổi cách đọc, cách tư duy, cách sống. Nhiều người thậm chí không muốn rời mắt khỏi chiếc điện thoại ngay cả lúc tạm dừng xe trên đường...
“Đặt máy xuống để thật sự bên con”

Con người muốn kết nối và internet giúp chúng ta thỏa mãn điều đó. Nhưng sự tác động của internet đang khiến chúng ta dần thay đổi cách đọc, cách tư duy, cách sống. Nhiều người thậm chí không muốn rời mắt khỏi chiếc điện thoại ngay cả lúc tạm dừng xe trên đường...

Internet “xé vụn” thời gian của bạn

Vài hôm qua, nhiều người chia sẻ liên tục qua News Feed của Facebook một clip ngắn về tình cha con với đầy ắp hình ảnh yêu thương trên nền bài hát Bố là tất cả. Thông điệp của clip: “Đặt máy xuống để thật sự bên con”. Lời nhắc nhở khiến bất cứ phụ huynh nào cũng bất giác nhìn lại mình, rằng mình đã thật sự dành thời gian cho con hay chưa? Rằng hãy bước ra khỏi thế giới ảo để trở về nuôi dưỡng hạnh phúc trong đời thực! Và thật trớ trêu, thông điệp ấy gắn với hình ảnh chiếc điện thoại - một công cụ mật thiết với internet, thứ thế giới ảo khiến con người dần xa rời nhau hơn.

Đừng gặp nhau rồi chỉ chăm chăm vào chiếc smartphone của mình. Ảnh: T.BA

“Trớ trêu” là tình cảnh mà công nghệ thỉnh thoảng gây ra cho đời sống con người. Chẳng phải vậy sao? Bạn lấy thời gian chơi đùa cùng con cái để vào Facebook đăng status hoặc hình ảnh bạn đang chơi đùa cùng chúng, nhằm thể hiện bạn đang dành thời gian cho chúng, chưa kể chốc chốc bạn lại mở điện thoại đếm số lượt like (thích), trả lời các comment (bình luận). Qua một trang báo mạng, bạn đọc một bài giới thiệu sách hay và vì thế tìm mua cuốn sách đó, nhưng bạn đem về chỉ đọc được vài ba trang thì đặt sách xuống vì chiếc điện thoại của bạn liên tục thông báo có tin nhắn tới, có mail mới, có thông báo từ mạng xã hội… Internet đang chi phối chúng ta, “xé vụn” thời gian và khiến chúng ta mất tập trung hơn bao giờ hết.

Internet phiền phức như vậy, chúng ta nên phớt lờ internet, bài trừ internet? Không, vì như thế thật cực đoan vì chúng ta vẫn cần đọc báo mạng, thanh toán hóa đơn điện tử, đặt mua hàng online, giải quyết công việc qua mail, kết nối với người thân, bạn bè ở xa, thông qua internet...

Thế giới từ lâu đã hình thành 2 phe với những tranh luận mạnh mẽ liên quan công nghệ. Nhà xã hội học Thorstein Veblen từ hàng mấy thập kỷ trước đã cho rằng “công nghệ mang tính định đoạt”, nó là thế lực độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Ngày nay rất nhiều người ủng hộ quan điểm này của Thorstein Veblen. Phe còn lại, chẳng hạn nhà phê bình về phương tiện truyền thông James Carey, cho rằng “công nghệ chỉ là công nghệ - phương tiện liên lạc và truyền tải qua không gian”.

Trong khi hai phe đều đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình, thì một cách khách quan chúng ta vẫn thấy rõ công nghệ nói chung và internet nói riêng đang ngày càng khuấy động dữ dội đời sống con người. Yahoo!, Amazon, eBay, YouTube, WikiPedia, Blog, Google, Facebook, Smartphone… ai bỏ chúng đi được chứ!

“Đứng yên trong thế giới đang quay”

Internet càng mở rộng thì các phương tiện truyền thông khác càng thu hẹp lại, các mảng giải trí, thông tin, tin tức khác bị giảm lợi nhuận nặng nề. Băng video, CD, DVD, dịch vụ bưu chính… đều bị internet đánh bạt. Trong đó, công nghiệp báo in phải chịu sự đối đầu với những thách thức tài chính nghiêm trọng khi độc giả và các công ty quảng cáo ngày càng chuộng internet.

Năm 2009, tờ Christian Science Monitor, một trong những nhật báo lâu đời của Mỹ, thông báo ngừng xuất bản sau 100 năm tồn tại, trang web trở thành kênh cung cấp thông tin chính. Không lâu sau, nhiều tờ báo tên tuổi ở khắp nơi bị phá sản…

Qua internet, những trang tin điện tử lá cải hoành hành. Việc lướt mạng đã khiến ta thay đổi cách đọc, thay vì đọc sâu và dài thì ta dần thích đọc lướt và ngắn. Trong khi đó, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, con người chỉ suy nghĩ sâu sắc khi đọc sâu, việc đọc báo mạng hiện nay khiến chúng ta đói thông tin theo một cách khác: hấp tấp, dễ nản lòng, cạn cợt và sao nhãng hơn. Đó là lý do vì sao có những trào lưu “Bà Tưng”, “Lệ Rơi”, “đắng lòng”, “Kenny Sang” xuất hiện ồ ạt trên các trang báo lá cải. Và cách ta “ứng xử” với những luồng thông tin xấu trên internet ra sao?

Chúng ta lên một diễn đàn nào đó, Facebook chẳng hạn, viết một status chửi rủa thật hay về việc báo lá cải đăng toàn chuyện tào lao và không quên dán kèm đường link, như để minh chứng. Chúng ta không biết cách lờ nó đi. Bạn muốn đọc loại thông tin gì nhiều thì trên internet sẽ xuất hiện loại thông tin ấy nhiều. Hay nói cách khác, chúng ta không biết cách click chuột một cách có trách nhiệm hơn!

Cuối cùng, chúng ta nên xử sự ra sao với internet? Không việc gì phải sử dụng sổ tay ghi chép số điện thoại khi chúng ta đã có danh bạ trên “đám mây” hay mở tấm bản đồ giấy to kềnh khi điện thoại có cài Google Map; không thể chối bỏ sự hiện hữu ngày càng lan rộng của internet trong đời sống.

Nhưng, chúng ta vẫn có thể tìm một cuốn sách cực hay, đủ khiến ta rời xa Facebook trong một vài ngày; hoặc dành hai tiếng đồng hồ cà phê trò chuyện offline đúng nghĩa với bạn bè mà không phải chốc chốc dán mắt vào một màn hình có kết nối wifi hoặc 3G. Chúng ta hoàn toàn có thể làm như tác giả T.S. Eliot nói, tìm “điểm đứng yên trong thế giới đang quay”.

LÂM AN

Tin cùng chuyên mục