Hãy tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ

32 năm trước, ôm quyết tâm đến nước Mỹ vì lòng đam mê môn Vật lý cháy bỏng; 32 năm sau, ông lại mang tâm huyết ấy quay trở về Việt Nam để truyền thụ những tinh hoa tiếp thu được cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Hãy tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ

32 năm trước, ôm quyết tâm đến nước Mỹ vì lòng đam mê môn Vật lý cháy bỏng; 32 năm sau, ông lại mang tâm huyết ấy quay trở về Việt Nam để truyền thụ những tinh hoa tiếp thu được cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Ông là TS Nguyễn Trọng Hiền - hiện là giám sát viên nhóm Thiết bị thiên văn, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban Vật lý thiên văn, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực Trung tâm hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Tại “Gặp gỡ Việt Nam” vừa diễn ra ở Quy Nhơn, ông đã đem đến cho các nhà khoa học những thông tin quý giá về báo cáo chuyên đề “Bức xạ nền vũ trụ”.
Ra đi...

Chất giọng đặc sệt Đà Nẵng, khá cởi mở và chân tình, ông cho biết nguyên quán của ông ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Tôi hỏi ông sao lại chọn Mỹ để lập thân và lập nghiệp, ông bảo là do khát khao được nghiên cứu chuyên sâu môn Vật lý. “Tôi là sản phẩm chính thống của mái trường xã hội chủ nghĩa. Các kiến thức tôi được học ở cấp 2 - 3 ở tại Đà Nẵng đều rất bổ ích. Khi đó, tôi thèm có một nhà khoa học Vật lý để được trò chuyện nhưng không có. Bởi thời điểm đó, đất nước ta còn nghèo, việc mở cửa với bên ngoài chưa được như bây giờ nên cơ hội được học hành, nghiên cứu và tiến xa hơn nữa rất khó khăn. Ngày đi học, tôi đọc rất nhiều sách liên quan đến Vật lý, thiên văn học, nhất là nhà vật lý Einstein và những công trình của ông. Những giáo sư như Hoàng Tụy, Tôn Thất Tùng… cũng là thần tượng của tôi ngày ấy. Vậy nhưng hạn chế của các nhà khoa học lúc đó vẫn là không có thiết bị để nghiên cứu, thực hành. Quyết định sang Mỹ theo sự bảo lãnh của người anh khi đang học dở dang cấp 3 là vì vậy” - TS Hiền chia sẻ.

TS Nguyễn Trọng Hiền (trái) trao đổi với đồng nghiệp bên lề Gặp gỡ Việt Nam 9 vừa diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định).

TS Nguyễn Trọng Hiền (trái) trao đổi với đồng nghiệp bên lề Gặp gỡ Việt Nam 9 vừa diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định).

Chân ướt chân ráo đến TP Los Angeles (bang California) với vốn tiếng Anh đủ để đi học, ông Hiền nộp đơn vào khoa Vật lý Trường Đại học Berkeley (University of California at Berkeley, trường công lớn nhất bang này và của nước Mỹ) và được nhận vào học. Tốt nghiệp, ông tiếp tục theo học lên bậc tiến sĩ tại ĐH Princeton với chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tại ĐH này. Ngay sau đó, ông Hiền qua Chicago và trở thành nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật lý thiên văn của ĐH Chicago và làm giảng viên đặc biệt tại ĐH Camegie Mellon.

Năm 1993, Nguyễn Trọng Hiền ra trường, bắt đầu xuống Nam cực, nghiên cứu bức xạ nền của vũ trụ vì đây là môi trường lý tưởng nhất.

Được 1 năm rưỡi thì chuyển sang làm việc tại Phòng thí nghiệm phản lực (Jet Propulsion Laboratory-JPL) thuộc NASA ở TP Pasadena nhỏ bé ngay sát Los Angeles, với cương vị khoa học gia nghiên cứu chuyên sâu (research scientist) của Phân ban Vật lý thiên văn. Anh còn là thành viên của nhóm chuyên ban Vũ trụ học.

Khi được hỏi về cơ duyên với ông khi về NASA, TS Nguyễn Trọng Hiền khiến người nghe bất ngờ: “Tôi không thích làm ở NASA. Hồi còn đi học, tôi nói rõ với bạn bè như vậy. Vậy nhưng, ngày đó tôi có bạn gái ở tiểu bang California, cô ấy khuyên về NASA làm việc, nếu không sẽ… đường ai nấy đi”, Nguyễn Trọng Hiền nói rồi cười vang. Vậy là nghe lời… vợ. 6 năm qua làm việc ở NASA lại là khoảng thời gian vui nhất trong quãng đời nghiên cứu vừa qua, ông cũng không ngờ làm được nhiều việc như thế. Hiện công trình ông đang phụ trách nghiên cứu sẽ là thiết bị đi đầu trong ngành thiên văn - vũ trụ học thế giới.

        Mang kiến thức trở về đất nước

Ngoài công việc chính ở NASA, TS Hiền đang cộng tác với Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam, các phòng nghiên cứu, đặc biệt là Phòng thiên văn khoa Vật lý (ĐH Sư phạm Hà Nội)… Ông cũng đang xúc tiến cùng các nhà khoa học trong nước thành lập một cơ sở đào tạo cho các em học sinh.

Ông bắt đầu tham gia giảng dạy cho các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam từ năm 2010, thông qua GS Phạm Quang Hưng, trong một chương trình của nhà nước bồi dưỡng cho các nhà khoa học trẻ về vật lý và vũ trụ. Nói về lòng yêu khoa học của sinh viên và các nhà khoa học trẻ Việt Nam, TS Hiền cho rằng họ sinh hoạt rất bài bản trong các hội thiên văn từ Hà Nội, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, TPHCM… Điều đặc biệt là họ không học khoa học mà học những ngành khác như ngân hàng, ngoại thương, y tế… nhưng lại có lòng yêu và say mê khoa học thiên văn lạ lùng.

Theo TS Nguyễn Trọng Hiền, Chính phủ Việt Nam đã giao cho Hội Vật lý Việt Nam soạn thảo Chiến lược phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020 và đang tiếp thu các kết quả nghiên cứu chiến lược đó để xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020, chiếm tới 2% ngân sách nhà nước. Đó là kinh phí rất lớn nhưng mấu chốt vẫn là quản lý khoa học để làm sao các nhà khoa học được thụ hưởng cơ hội từ những nguồn kinh phí ấy để học tập, nghiên cứu và chắc chắn họ sẽ đạt được những thành công trong khoa học, nghiên cứu sáng tạo.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục