Sử dụng hợp lý tài nguyên nước

Nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mekong, với diện tích gần 4 triệu ha, gồm 37 sông (tổng chiều dài 1.076km); 137 kênh (tổng chiều dài 2.780km) và hàng ngàn con rạch lớn nhỏ, có diện tích mặt nước rất lớn và hệ thống nước ngầm phong phú, ĐBSCL được mệnh danh là vùng sông nước với sản vật dồi dào. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, lũ lụt và hạn hán, mặn xâm nhập đã hoành hành miền đất này.

Theo Viện Khảo sát và quy hoạch thủy lợi Nam bộ, với diện tích gần 4 triệu ha, mỗi năm, vùng ĐBSCL có gần 2,1 triệu ha thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, trong đó có 1,4 triệu ha bị mặn xâm nhập. Lưu lượng dòng chảy mùa lũ hàng năm khoảng 30.000 - 32.000m³/s, nhưng mùa kiệt có khi xuống dưới mức 2.000m³/s; 1,9 triệu ha ở vùng đầu nguồn thường xuyên ngập lũ; 1,4ha vùng ven biển bị mặn xâm nhập và 1,2 triệu ha đất phèn, nước chua. Trong đó, 2,1 triệu ha luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt; nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển và cháy rừng thường xuyên đe dọa cuộc sống người dân.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là lưu lượng dòng chảy mùa kiệt trên sông Mekong có khi xuống dưới mức 2.000m³/s; lượng nước bốc hơi khoảng 1.000 - 1.400mm và chế độ thủy triều giảm nhanh biên độ từ cửa sông (2,3 - 2,8m) và nội đồng (0,3 - 0,5m). Trong vài chục năm trở lại đây, ĐBSCL đã từng xảy ra những năm khô kiệt, mặn lên cao như các năm 1977, 1993 và 1998; 2005 được xem là năm hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Riêng năm 2010, dự báo nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL (chưa tính các nhu cầu khác) khoảng 25 tỷ m³, trong khi khả năng đáp ứng của sông Mekong từ 90%-95% hiện nay sẽ xuống còn khoảng 85%. Do vậy, việc quy hoạch thủy lợi cho toàn vùng phải đứng trên quan điểm tổng thể và toàn diện để xem xét bài toán đa mục tiêu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư giao thông, thủy lợi nhằm khắc phục những hạn chế trên. Song, càng ngày, với diễn biến phức tạp của thời tiết và sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch các công trình thủy lợi, sự tận dụng thiên nhiên quá mức đã đẩy việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước trở thành một thách thức gay gắt.

Trước tình hình đó, việc rà soát, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi ĐBSCL sắp tới, đảm bảo nguồn nước trong mùa khô và chứa nước mùa lũ, hạn chế thoát lũ, đồng thời quy hoạch sản xuất lúa, thủy sản phù hợp là vấn đề rất quan trọng. Rõ ràng, khai thác tài nguyên nước ở ĐBSCL đã trở thành vấn đề lớn và cực kỳ bức xúc.

Nếu lưu lượng dòng chảy ngọt giảm đi; nước biển dâng cao và mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong tương lai, ĐBSCL sẽ đánh mất vị trí vĩ đại nhất của mình về lương thực. Do vậy, các nhà khoa học, quản lý cần phối hợp với người dân để gợi ý cho các cơ quan có trách nhiệm quy hoạch và xây dựng các giải pháp sử dụng an toàn nguồn nước, nhằm đảm bảo một tương lai tốt lành cho các thế hệ mai sau.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục