Chế tạo máy chế biến cát nhân tạo

"Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và chế tạo thiết bị ngành chế biến đá và cát nhân tạo xây dựng, trong những năm qua chúng tôi đã phối hợp với Sở KH-CN TPHCM để đưa công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này vào Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Chánh, đại diện Công ty CP Thương mại và Sản xuất Tân Đại Lợi cho biết như vậy.

"Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và chế tạo thiết bị ngành chế biến đá và cát nhân tạo xây dựng, trong những năm qua chúng tôi đã phối hợp với Sở KH-CN TPHCM để đưa công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này vào Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Chánh, đại diện Công ty CP Thương mại và Sản xuất Tân Đại Lợi cho biết như vậy.

Ông Chánh nhận định: Sản xuất cát nhân tạo từ đá xây dựng là một hướng đi rất đúng đắn nhằm hạn chế việc khai thác cát tự nhiên một cách bừa bãi, đang gây sạt lở vô cùng nghiêm trọng đối với các dòng sông. Cho nên, nếu giải quyết được khâu thiết bị nghiền đá thành cát là góp phần giải quyết nạn thiếu cát xây dựng trầm trọng hiện nay tại TPHCM, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ.

Được biết, vào dịp khởi công xây dựng thủy điện Sơn La, tháng 12-2005, công ty giới thiệu với thị trường Việt Nam thiết bị nghiền cát tiên tiến của Liên bang Nga. Thiết bị này dựa theo công nghệ quay trên gối đệm không khí đã được cấp trên 50 bằng sáng chế Quốc gia của Liên Xô trước kia và nay là Liên bang Nga. Hiện nay, thiết bị này đã được sử dụng ở các công trình thủy điện Sơn La, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và nhiều công trình khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Sau hơn 4 năm, với sự tài trợ của Sở KH-CN TPHCM, Công ty Tân Đại Lợi bước đầu đã có thể sản xuất được thiết bị này tại Việt Nam, trong đó chi tiết gối đệm không khí vẫn phải do công ty bên Nga cung cấp vì liên quan tới bản quyền sáng chế. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng sản xuất toàn bộ thiết bị này tại Việt Nam, sau khi chính thức nhận bản quyền sáng chế của chủ sở hữu vào tháng 8-2010” - ông Chánh nói. Song, để đưa thiết bị này vào thực tiễn sản xuất lại hết sức khó khăn nên rất cần có chính sách hỗ trợ bằng cách nghiêm cấm việc khai thác cát tự nhiên một cách bừa bãi.

Đây chính là vấn đề mà kết quả nhiều đề tài nghiên cứu khoa học khó triển khai trong thực tế. Chúng ta nói nhiều đến thị trường KH-CN, nhưng chưa có những chính sách hỗ trợ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Ở trường hợp trên, nhu cầu mua máy để sản xuất đá dăm và cát nhân tạo từ đá là có, nhưng cát tự nhiên khai thác ồ ạt (kể cả khai thác trộm) sẽ có giá thành rẻ thì sẽ không ai quan tâm đến việc nghiền đá thành cát. Từ thực tế sản xuất tại khu vực Bình Dương, khi sử dụng máy nghiền cát Titan D-160 để sản xuất ra 1m3 cát nhân tạo từ đá vẫn rẻ hơn cát tự nhiên dùng cho bê tông (ở đây không nói đến cát mịn dùng để xây tô).

Cát nhân tạo từ đá có nhiều ưu điểm hơn so với cát tự nhiên, do thành phần hạt đồng đều (khoa học đã chứng minh) nhưng các công trình hiện nay không quy định bắt buộc phải sử dụng, nên dù giá thành cát nhân tạo có rẻ người ta vẫn quen xài cát tự nhiên. Rõ ràng, từ câu chuyện chế tạo máy chế biến cát nhân tạo cho thấy, bản thân một mình doanh nghiệp không đủ sức để triển khai ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn. Đồng thời, chính sách khuyến khích doanh nghiệp khác sử dụng các kết quả này vào thực tế sản xuất kinh doanh, như là hỗ trợ cho đổi mới công nghệ. Có như vậy, thì mới mở rộng được thị trường cho thiết bị công nghệ mới sản xuất trong nước.

Vì vậy, để sản phẩm KH-CN đi vào đời sống, rất cần sự tháo gỡ, trợ giúp của các cấp thành phố nhằm tạo ra môi trường lành mạnh cho hoạt động KH-CN. Khi ấy hoạt động KH-CN mới trở thành sản phẩm hàng hóa và là thứ hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế tri thức, góp phần năng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết những vấn đề bức bách của xã hội.


KIM THANH

Tin cùng chuyên mục