Khổ vì hàng nhái, hàng giả

Vấn nạn hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ các loại đã và đang “làm mưa làm gió” ở thị trường Việt Nam. Điều này được chính các cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, công an, hải quan…) xác nhận. Nhưng biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà các mặt hàng này gây ra cho người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chân chính thì hầu như chưa có.

Gần đây, lực lượng liên ngành các địa phương liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều điểm bán hàng, thậm chí tại các trung tâm thương mại cũng chứa hàng gian. Thực sự điều này cũng không có gì lạ, bởi lợi nhuận chênh lệch lớn giữa những mặt hàng thương hiệu thật (đặc biệt là hàng thời trang các loại) và hàng giả mạo. Chế tài xử phạt những mặt hàng nhái, hàng giả đều đã có, nhưng ranh giới mong manh trong xử lý khiến cơ quan chuyên trách lúng túng. Theo một cán bộ Quản lý thị trường TPHCM thì xử phạt hàng giả dễ hơn rất nhiều so với hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ. Nếu không nắm luật, cán bộ kiểm tra phải hầu tòa, thậm chí “bóc lịch” như chơi. Do vậy, ngoài việc khó xử lý, nhiều cơ quan chuyên trách khi nghe tới xử lý hàng nhái lại có tâm lý ngán ngại, đề phòng, thậm chí lảng tránh… Điều này vô tình đẩy cái khó sang các DN làm ăn chân chính.

Nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nhưng bán tràn lan trên thị trường

Vụ một thương hiệu bột mì tên tuổi bị làm nhái sản phẩm Hương Xưa thành Hương Quê, bột mì trái táo bị nhái thành bột mì trái lê với mẫu mã, nhãn mác, dấu hiệu nhận diện na ná nhau khiến chính nhà sản xuất cũng bị nhầm lẫn là một ví dụ điển hình. Đến thời điểm này, dù DN bị hại đã trưng ra kết luận giám định của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng hàng loạt chứng cứ khác để khẳng định sản phẩm DN bị làm nhái; thậm chí chính DN bị kiện cũng thừa nhận sai phạm nhưng vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết. DN bị hại vẫn phải làm nhiều thủ tục khác nhau, gửi đơn khiếu kiện khắp nơi, chờ cơ quan chức năng xử lý… trong khi mỗi ngày trôi qua, thiệt hại của DN rất lớn. Ngược lại, DN bị kiện cứ đủng đỉnh, hứa hẹn sẽ thu hồi sản phẩm nhái, nhưng chẳng đơn vị nào đứng ra giám sát lời hứa của quá trình thu hồi này. Như vậy, DN chân chính rơi vào cảnh may nhờ rủi chịu, chưa được bảo vệ đến cùng trong “cuộc chiến” chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay.

Thực tế cho thấy, đang có khá nhiều DN uy tín của Việt Nam bị các đối thủ kém năng lực cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh thu, sức bền phát triển. Một DN nổi tiếng về ngành nhựa tại TPHCM từng tâm sự rằng, mỗi khi công ty có sản phẩm mới đưa ra thị trường thì liền sau đó xuất hiện một sản phẩm tương tự có mẫu mã y chang nhưng giá rẻ hơn hẳn. Chính điều này đã khiến DN phải chuyển hướng, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Australia… thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Tương tự, một DN khác chuyên về hàng may mặc, thời trang xuất khẩu cũng “méo mặt” vì bị hàng loạt điểm bán nhái, giả mạo tên tuổi tại nhiều trục đường lớn của TPHCM. Trường hợp người tiêu dùng có kinh nghiệm mua hàng thì không sao; ngược lại, những người không rành rẽ về hàng hóa, sản phẩm sẽ rất dễ mua trúng hàng dỏm, trong khi hàng thật chịu tiếng oan.

Không thể phủ nhận việc nỗ lực của các cơ quan chuyên trách trong việc hỗ trợ DN đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy vậy, nhiều đợt kiểm tra, giám sát hàng nhái, hàng giả vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn mang nặng tính hình thức, nửa vời, nên sau khi kiểm tra, xử phạt xong thì sai phạm vẫn như cũ. Nên chăng, cần có ngay một “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm chung về kiểm tra, xử lý các mặt hàng nhái, giả mạo, kém chất lượng. Không thể để cho nhiều ngành, nhiều bộ cùng chịu trách nhiệm như hiện nay, vì dễ rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, đùn đẩy trách nhiệm, khiến DN sản xuất chân chính, người tiêu dùng chịu thiệt.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục