Khi người trẻ sợ giải thưởng

Đại diện Hội Nhà văn TPHCM ngay trong những ngày đầu năm 2018 đã gửi lời xin lỗi chân thành đến 2 tác giả là nhà thơ La Mai Thi Gia và nhà thơ Lê Tuân. Đây là 2 tác giả có tác phẩm đạt tặng thưởng của hội năm 2017 vừa được công bố. 
Thế nhưng, thay vì vui mừng khi tác phẩm của mình nhận được đánh giá tích cực của giới chuyên môn, 2 tác giả này lại bị cuốn vào một chuỗi các thị phi không đáng có. Theo thừa nhận của Hội Nhà văn TPHCM, một thiếu sót trong công tác bình chọn tác phẩm đã xảy ra khi 2 tác phẩm trên bị loại bởi hội đồng sơ khảo nhưng lại được hội đồng chung khảo đưa trở vào và bỏ phiếu bình chọn. Đây cũng là một điều bình thường trong hoạt động bình chọn văn học, bởi đánh giá văn chương vốn là một phạm trù trừu tượng, cá nhân nhưng điểm bất thường là lẽ ra hội đồng chung khảo sẽ phải thống nhất lại với hội đồng sơ khảo để có tiếng nói chung thì họ lại “quên mất”. 
Vì vậy Hội đồng sơ khảo cảm thấy mình bị xem nhẹ và với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, họ đã phản ứng mạnh mẽ. Điều đáng nói là những chuyện lùm xùm trên bản chất là trục trặc trong hoạt động chuyên môn của hội, chẳng liên quan gì đến 2 tác giả được bình chọn, thế nhưng họ vẫn bị cuốn vào vòng xoáy thị phi với đủ mọi cáo buộc như “chạy giải”, “háo danh”… dù rằng chẳng ai có bất cứ bằng chứng nào về chuyện đó. Mọi việc rồi cũng tạm ổn nhưng như lời xin lỗi của vị chủ tịch hội gửi đến 2 tác giả, xin lỗi vì đã để họ phải căng thẳng, mệt mỏi, chịu điều tiếng vì lỗi không phải của họ gây ra.
Đây không phải là lần đầu các giải thưởng văn học trong nước lùm xùm mà điều đáng nói là các lùm xùm đó đến từ bản thân nội dung tác phẩm thì ít mà đến từ những chuyện ngoài lề văn chương lại nhiều. Người đạt giải từ chối nhận giải do bất mãn ban giám khảo, người không đạt giải thì tố cáo có gian lận… Đỉnh điểm là có trường hợp chính người đứng đầu hội, cũng là một tác giả, đã từ chối nhận giải của chính hội của mình với lý do “ngại”. Trong khi đó, điều đáng để bàn bạc, thảo luận, quan tâm là giá trị nội dung các tác phẩm đạt giải lại chẳng mấy ai nhắc đến. Một “ông trùm” làng sách tại TPHCM mới đây trong một hội nghị ngành sách đã hỏi thẳng những người tham dự, cũng là các chuyên gia xuất bản rằng ai có thể liệt kê tên các tác phẩm đạt giải văn học trong vòng vài năm trở lại đây? Kết quả là người thì ngồi im cười trừ, kẻ lại cặm cụi lấy điện thoại ra tra Google! Chính những người trong nghề xuất bản còn như thế, có thể nghĩ đến bạn đọc bình thường sẽ còn mờ mịt đến mức nào.
Sau những lùm xùm, thị phi đó, lắng lại, người ta mới chợt nhận ra, các giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm qua thiếu hẳn hạng mục “văn trẻ”. Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM, tiết lộ một trong những lý do chính dẫn đến việc giải thưởng, tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2017 thiếu hạng mục văn trẻ là bởi “người trẻ sợ giải thưởng”. Cứ nghe thấy mình có tên trong danh sách đề cử là các cây bút trẻ vội vàng xin rút, xin thôi, có người còn năn nỉ để đừng đưa tên vào danh sách. Ai cũng biết giải thưởng văn học là một nhịp cầu quan trọng để bạn đọc biết đến tác giả, tác phẩm, điều mà các cây bút trẻ rất thiếu, vậy tại sao họ lại sợ giải thưởng đến như vậy?
Trung bình mỗi năm, ngành xuất bản trong nước thực hiện khoảng hơn 25.000 tên sách với gần 300 triệu bản in. Giữa biển sách đó, các tác giả mới, tác giả trẻ rất khó để bạn đọc chú ý đến mình, nhất là với những tác giả không giỏi giao tiếp xã hội hay làm tốt truyền thông. Giải thưởng văn học vì thế luôn được xem là một công cụ hiệu quả để bạn đọc biết đến họ, đó cũng điều thường xuyên xảy ra với các giải văn học thế giới. Một cây bút vô danh bỗng trở nên nổi tiếng sau một giải thưởng và sau đó bạn đọc bắt đầu tìm đến họ. Trong nước, điều này cũng không hiếm lạ như giải Văn học tuổi 20 đã giới thiệu những cái tên vốn xa lạ như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Hồng Hạnh, Dương Thụy, Phan Việt… 
Một nhà văn nổi tiếng cho rằng giải thưởng không phải mục tiêu theo đuổi của người sáng tác nhưng nó là điểm nhấn để bạn đọc nhìn vào, quan tâm đến sách từ đó kích thích nhu cầu đọc. Thế nhưng, được giải thưởng chẳng giúp gì được cho việc đưa sách đến với bạn đọc, lại có nguy cơ cao bị cuốn vào các tranh chấp, thị phi trong giới sáng tác. Những thị phi mà đến cả những cây bút lâu năm, trường đời, nghiệp văn từng trải cũng phải mệt mỏi thì thử hỏi làm sao các cây bút trẻ không e dè, ngán ngại với các giải thưởng. Biết đến bao giờ, các giải thưởng văn học trong nước mới thực sự quay trở lại với sứ mệnh ban đầu khi đóng vai trò khẳng định tài năng, khuyến khích sáng tác và định hướng cho bạn đọc để đi đến phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả đất nước?

Tin cùng chuyên mục