Không rõ vì lý do nào đó, một cuốn sách có thể từng được chủ nhân nó yêu quý, đã bị thải bỏ, trở thành một thứ ve chai hoặc bán đi như một món hàng không còn mấy giá trị. Thi thoảng có nhà văn, nhà thơ phiền lòng rằng, đứa con tinh thần yêu quý của mình vốn được trân trọng tặng một người nào đó nhưng lần hồi đã lạc loài ra chốn nhân gian.
Chính tôi cũng có đôi lần “ngậm đắng nuốt cay” khi ngẫu nhiên thấy sách của mình tặng một người với bút đề trân trọng lại được mang tặng cho người khác hoặc bị bỏ rơi rớt đâu đó như một thứ giấy vụn. Lúc đó lòng cứ nghĩ, thà người ta cho mang món đồ gì không có vết tích riêng tặng thì mình không xót, đàng này khi những nét chữ còn ràng ràng ra đó.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng nên loại trừ vài trường hợp. Có một số người “có điều kiện” nên đã bỏ tiền làm sách, rồi cố mang tặng ai đó. Người được tặng cũng không nhớ tới cuốn sách, hoặc không muốn lưu lại, nên lần hồi cuốn sách đã ra đi. Hay cá nhân nào đó mang bộ sưu tập của mình tặng cho người khác, cho trường học, thư viện vì họ không có điều kiện lưu trữ.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng cân nhắc với những người thích sưu tập sách theo phong trào, họ cố gắng tìm những cuốn sách đình đám, best seller, sách của những tác giả tên tuổi, ấn bản quý hiếm… để trưng bày trong nhà, cốt có một tủ sách hoành tráng chứ không phải để đọc, để nghiên cứu. Với họ, sách có thể được trân quý, như một món hàng có giá trị, mà cũng có thể chẳng có chút tình cảm nào, bởi họ chẳng buồn đọc qua mục lục để xem sách viết về cái gì.
Khi nói về sự trân quý sách, ta có thể nhìn ở 2 khía cạnh: ham/yêu thích đọc sách và trân trọng những cuốn sách cụ thể. Trong điều kiện hiện nay, người ta không nhất thiết phải học từ sách, bởi có nhiều phương thức học tập khác có hiệu quả không kém, như học từ internet, từ các trang cộng đồng, từ mạng xã hội, từ trường lớp (khi mà việc học từ xa, học qua video chat… trở nên phổ biến).
Chúng ta cũng không nên vội cho rằng ai đó ít đọc sách, không ham đọc sách là ít kiến thức. Nhưng, trong một thái độ cụ thể đối với sách, ta ít nhiều có thể đánh giá về một con người. Sự xem thường sách là biểu hiện ít chịu “nạp” cái mới, ít đào sâu tìm hiểu nghiên cứu.
Mà không có “đầu vào” thì đầu ra sẽ dần kém chất lượng, khó gợi mở những ý tưởng, sáng kiến mới. Với sách được tặng, việc không quý sách có thể cũng được xem là không quý người tặng sách, một biểu hiện của sự lợt lạt tình cảm?