Khác biệt tạo nên tính lịch sử

Hơn 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 8-11). Nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ tổng thống hay tâm lý cử tri đang thực sự bồn chồn muốn thay đổi, không muốn đảng Dân chủ kéo dài lãnh đạo thêm 4 năm nữa? Cả hai lý do khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay giữa ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành cuộc đọ sức mang tính lịch sử.
Khác biệt tạo nên tính lịch sử

Cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng

Hơn 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 8-11). Nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ tổng thống hay tâm lý cử tri đang thực sự bồn chồn muốn thay đổi, không muốn đảng Dân chủ kéo dài lãnh đạo thêm 4 năm nữa? Cả hai lý do khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay giữa ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành cuộc đọ sức mang tính lịch sử.

Mỹ tuy là quốc gia đặt vấn đề bình quyền, bình đẳng nam nữ trong các chính sách từ một thế kỷ qua, nhưng chưa một phụ nữ nào được bầu làm người lãnh đạo quốc gia. Quốc hội Mỹ một thời có nữ giữ chức Chủ tịch Hạ viện - người đứng thứ nhì về quyền kế vị tổng thống, chỉ sau phó tổng thống, đó là Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi, giữ chức vụ này từ năm 2007 đến 2011.

Chính thức bắt đầu cuộc đua song mã vào Nhà Trắng giữa Hillary Clinton và Donald Trump

Ưu tiên nữ quyền hay cần thay đổi?

Hiện nay, số nữ thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Quốc hội Mỹ vẫn ở mức tương đối thấp là 20%. Thượng viện với 20 phụ nữ trong tổng số 100 thượng nghị sĩ và tại Hạ viện có 104/435 hạ nghị sĩ. Trong số các nữ nghị sĩ, đảng Dân chủ chiếm đa số với 14/20 ở Thượng viện và gần 3/4 ở Hạ viện.

Trong chính trường Mỹ, đã 2 lần có cơ hội có nữ phó tổng thống nhưng không thành hiện thực. Năm 1984, cựu Phó Tổng thống Walter Mondale được đảng Dân chủ đề cử và đã chọn nữ Hạ nghị sĩ Geraldine Ferraro làm ứng viên phó tổng thống. Nhưng cử tri Mỹ năm đó đã không chọn liên danh Mondale-Ferraro. Đến kỳ bầu cử năm 2008, ứng viên đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ John McCain chọn nữ Thống đốc Alaska là Sarah Palin đứng chung liên danh nhưng cũng không thành công.

Bà Clinton có nhiều kinh nghiệm chính trường vì từng là thượng nghị sĩ, từng là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nên am hiểu tình hình quốc tế, có kinh nghiệm làm việc với lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới. 8 năm trước, bà Clinton tranh cử cũng đã gần được chọn làm ứng viên chính thức chỉ thua ông Barack Obama tại kỳ Đại hội đảng Dân chủ.

Trái lại, ông Donald Trump là một hiện tượng gây nhiều ngạc nhiên trên chính trường Mỹ trong kỳ bầu cử năm nay. Tỷ phú Trump bỏ tiền túi ra tranh cử chứ không trông đợi nhiều vào sự đóng góp của những người ủng hộ, của những tổ chức tài chính hay những cơ sở vận động hành lang. Ông Trump chưa bao giờ tham gia chính trường mà chỉ có nhiều kinh nghiệm trên thương trường với những thành công nhờ đầu tư nhà đất, những chương trình quảng bá thương mại, những show truyền hình. Thương hiệu Trump có trên những tòa nhà cao tầng sang trọng ở New York, Las Vegas, Hawaii. Donald Trump đã vượt qua 17 ứng viên khác đầy kinh nghiệm chính trị của đảng Cộng hòa.

Tuy nội bộ Đảng Cộng hòa có nhiều bất đồng với ông Donald Trump vì những phát biểu thẳng thừng gây sốc, những lời lẽ thóa mạ gây đụng chạm hay làm mất lòng một số người, nhưng rõ ràng là đa số cử tri Cộng hòa đã tin tưởng và tín nhiệm ông.

Tuy ông Donald Trump thiếu kinh nghiệm chính trường, nhưng nhìn lại lịch sử Mỹ trong nửa thế kỷ qua, từ thời John F. Kennedy làm tổng thống, tâm lý cử tri Mỹ cũng không muốn thấy một tổng thống từ một đảng nắm quyền quá lâu. Trong hơn nửa thế kỷ qua, chỉ có đảng Cộng hòa nắm quyền 3 nhiệm kỳ liên tục từ 1981 đến 1993, với Tổng thống Ronald Reagan 2 nhiệm kỳ (1981-1989) rồi thêm một nhiệm kỳ nữa với Tổng thống George H.W. Bush (1990-1993). Còn lại, 2 đảng đã thay nhau làm chủ Nhà Trắng chỉ 8 năm hoặc ít hơn.

Chủ nhân mới của Nhà Trắng, dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump, cũng sẽ đi vào lịch sử khi nước Mỹ có phụ nữ đầu tiên hoặc tỷ phú đầu tiên trở thành tổng thống. 

2 tính cách khác biệt

Báo Christian Science Monitor cho rằng cách xuất hiện của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton rất khác biệt. Thể hiện tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Cleveland, ông Trump xuất hiện nhiều trong đại hội vì ông này là “bậc thầy” về tiếp cận nền tảng phương tiện truyền thông toàn cầu để gây sự chú ý của thế giới. Trái lại, bà Clinton gần như không xuất hiện tại Đại hội của đảng Dân chủ, ngay cả khi chính thức được đề cử, bà Clinton chỉ xuất hiện trong bài phát biểu qua băng ghi hình và sau đó là đến ôm hôn Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama sau bài phát biểu của ông kêu gọi cử tri bầu cho bà Clinton. Dĩ nhiên sau đó, thêm một lần bà Clinton bắt buộc phải xuất hiện là để đọc bài diễn văn chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ.

Thậm chí, ngay cả khi Đại hội đảng Dân chủ đang diễn ra, ông Trump cũng đã lên tiếng kêu gọi các hacker Nga tung ra những nội dung email của bà Clinton mà họ có được. Nhiều quan chức Mỹ tin rằng Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công email của các lãnh đạo đảng Dân chủ (vụ này khiến Chủ tịch Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ phải từ chức).

Theo báo chí Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 sẽ khiến các học giả và nhà chính trị sẽ phải mất nhiều thời gian nghiên cứu về đường hướng tranh cử khác biệt của 2 ứng viên. Theo ông Jeffrey Engel, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử tổng thống tại Đại học Southern Methodist ở Dallas, Texas: “Ông Trump vận động bầu cử theo cách không kiềm chế và đôi lúc vượt quá kiểm soát, trong khi phương pháp luận của bà Clinton có thể cao siêu khiến tạo khoảng cách giữa bà với cử tri, nhất là tầng lớp bình dân”.

Một trong những nguyên nhân ông Trump xuất hiện thoải mái trước giới truyền thông hơn bà Clinton là vì bà Clinton từng gặp thất bại trong cuộc đua nội bộ giành quyền tranh cử trong đảng Dân chủ nên bà tỏ ra thận trọng trước phương tiện truyền thông. Bà Clinton cũng thường vận dụng yếu tố lịch sử và bối cảnh khi được hỏi một vấn đề, còn ông Trump chọn cách trả lời thẳng thừng. Chẳng hạn, trả lời về vấn đề nhập cư, bà Clinton lùi lại lịch sử thời người châu Phi đến Mỹ, sau đó đưa ra ý kiến trung dung hơn là kiểu đòi cấm tiệt người nhập cư như ông Trump.

Trên thế giới, nhiều quốc gia từ lâu đã có nữ lãnh đạo như Thủ tướng Anh Magaret Thatcher và hiện là nữ Thủ tướng Theresa May. Đức có nữ Thủ tướng Angela Merkel và Hàn Quốc có nữ Tổng thống Park Geun-hye. Israel cũng từng có nữ Thủ tướng là bà Golda Meir (giai đoạn 1969-1974), Ấn Độ từng có Thủ tướng Indira Gandhi, Thái Lan từng có nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Philippines từng có nữ Tổng thống Corazon Aquino. Argentina và Nicaragua ở Nam Mỹ cũng đã từng có nữ tổng thống.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục