Nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ánh sáng cuối đường hầm?

Nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ánh sáng cuối đường hầm?

Tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 2-2011 có tăng đôi chút do một số dấu hiệu kinh tế khá lạc quan của Mỹ. Theo thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 9-2, tỷ lệ ủng hộ ông Obama từ 50% trong tháng 1 lên 51% trong tháng 2.

Tỷ lệ ủng hộ ông Obama thấp nhất là mức 43% vào tháng 10-2010. Dấu hiệu khả quan của nền kinh tế Mỹ giúp ông Obama không mất điểm là tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tỷ lệ này trong tháng 1-2011 giảm còn 9% so với 9,4% trong tháng 12-2010. Nếu so với tháng 11-2010, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm đến 0,8%, mức giảm nhiều nhất từ năm 1958.

Nước Mỹ đang chờ có thêm nhiều thành công từ ông chủ Nhà Trắng Barack Obama.

Nước Mỹ đang chờ có thêm nhiều thành công từ ông chủ Nhà Trắng Barack Obama.

Theo cuộc thăm dò, tỷ lệ người Mỹ cảm thấy tự tin hơn về nền kinh tế tăng lên khi có 38% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng so với 36% trong tháng 1-2011. Mặc dù vẫn còn hơn nửa số người Mỹ cho là nước Mỹ đang sai hướng nhưng tỷ lệ đã giảm còn 57% so với 59% trong tháng 1.

Thế nhưng theo một cuộc thăm dò khác của viện Gallup trong tháng 2, số người Mỹ đồng ý với Tổng thống Obama về cách xử lý thâm hụt ngân sách đã giảm từ 32% trong tháng 1 xuống còn 27% trong tháng 2. Trên bình diện đối ngoại, tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ với Tổng thống Obama tăng cao nhất với 48% đồng ý với quan điểm của Mỹ về tình hình Ai Cập, 47% ủng hộ chính sách về Afghanistan.

Theo các nhà phân tích, những thành công đáng kể nhất của Tổng thống Obama trong 2 năm đầu tiên cầm quyền gồm: kích thích kinh tế, đưa hệ thống tài chính bước đầu ra khỏi nguy cơ sụp đổ, giải cứu 2 tập đoàn xe hơi (Ford và General Motors), thông qua luật cải tổ y tế, cải tổ các quy định tài chính cùng những thay đổi đáng kể về những chương trình cho vay dành cho sinh viên và các chương trình khác. Tuy vậy, vị thế chính trị của Tổng thống Obama và Quốc hội do đảng Dân chủ chiếm đa số liên tục giảm dẫn đến việc đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2010. Thất bại này được xem là nặng nề nhất từ năm 1938.

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ đã đánh giá cụ thể các công việc của Tổng thống Obama trong 2 năm đầu cầm quyền như sau:

- Afghanistan - Pakistan: Việc tăng quân của Mỹ chưa đảm bảo được an ninh cho Afghanistan trong khi đó đồng minh của Mỹ là Tổng thống Hamid Karzai gặp rất nhiều khó khăn từ việc bị buộc gian lận phiếu bầu tới các vụ bê bối tham nhũng… Mỹ vẫn đang rất khó khăn tại Afghanistan vì nếu rút hết quân coi như chấp nhận thất bại. Tương tự, tại Pakistan, chính phủ đồng minh của Mỹ đang gặp sự phản kháng mạnh mẽ của lực lượng đối lập. Nếu cứ tiếp tục duy trì hai lực lượng cầm quyền hiện nay ở Afghanistan và Pakistan, dễ dẫn tới tình trạng độc tài, chuyên chế, điều mà Mỹ luôn bác bỏ. Điểm cho vấn đề này là D (thang điểm A, B, C, D từ cao xuống thấp).

- Iran: Mặc dù chưa có chuyển biến gì mới trong vấn đề hạt nhân của Iran nhưng các nỗ lực của Mỹ trong việc tìm ra các biện pháp ngoại giao đáp trả chương trình hạt nhân của Iran có một số tiến triển. Điểm B.

- Israel-Palestine: Mặc dù tiến trình hòa đàm bị ngưng trệ nhưng chính phủ Obama vẫn cố gắng đeo bám. Nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ có bước đột phá trong những năm tiếp theo của ông Obama. Điểm: B.

- Các quốc gia bất ổn: Chính sách của Mỹ với hàng loạt nước Bắc Phi và Trung Đông đang gặp bất ổn như Tunisia, Ai Cập, Yemen, vùng Sừng châu Phi, Trung Á… sẽ là thử thách, có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới đánh giá chung cuộc của người dân Mỹ đối với Tổng thống Obama. Do đó, phạm trù này không được chấm điểm.

- Iraq: Tình hình bạo lực có giảm so với thời kỳ Tổng thống George W. Bush, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố mất ổn định có thể đảo lộn mọi thứ. Điểm B

- Trung Quốc: Thông qua chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, quan hệ Mỹ-Trung đã cải thiện nhiều theo hướng hợp tác nhiều hơn đối đầu mặc dù còn không ít khác biệt trên nhiều lĩnh vực. Điểm: B.

- Quan hệ với các nước khác trong nhóm BRIC: Với Nga đã đưa hiệp ước START mới vào hiệu lực cùng lúc đó là hợp tác tốt hơn trong vấn đề Iran. Quan hệ Mỹ-Brazil hơi căng thẳng hơn khi Brazil công khai ủng hộ mạnh mẽ chương trình hạt nhân dân sự của Iran. Riêng quan hệ Mỹ-Ấn Độ được xem tiến triển tốt nhất sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Ấn Độ tháng 11-2010. Sau chuyến thăm này Mỹ nhận được nhiều hợp đồng đầu tư vào Ấn Độ và Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ. Điểm: B.

- CHDCND Triều Tiên: Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cuối năm 2010 cho thấy Mỹ đã không lường trước được những bước đi của CHDCND Triều Tiên và cho thấy khu vực này có nguy cơ chiến tranh cao nhất. Điểm C.       

- Châu Âu: Tổng thống Obama nhận được điểm cao trong việc phục hồi quan hệ tốt đẹp với lục địa già vốn căng thẳng trong thời kỳ Tổng thống Bush. Quan hệ giữa Tổng thống Obama với các lãnh đạo châu Âu khá tốt. Họ hợp tác tốt trong các vấn đề khó khăn như điều hành việc phục hồi khủng hoảng kinh tế, chống khủng bố… Điểm: A-

- Nhật Bản: Trải qua cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác Mỹ với Nhật Bản tăng cường hơn. Mỹ cũng tìm được tiếng nói chung với Nhật Bản trong vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á. Điểm A-

- Đối nội: Nền kinh tế thế giới vẫn đang phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn còn bội chi ngân sách, thị trường nhà đất ảm đạm và thất nghiệp cao nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi trong 2 năm qua: suy thoái giảm, việc làm bắt đầu được cải thiện. Điểm: A.

Điều dễ hiểu là, theo nhà phân tích Mỹ William Galston, cuộc suy thoái kinh tế do khủng hoảng hệ thống tài chính vừa qua quá nặng nề so với các cuộc giảm phát kinh tế thông thường trước đây. Do đó, bất cứ ai trở thành ông chủ của Nhà Trắng đều buộc phải dốc toàn bộ sức lực và tiền của để sửa chữa và hiệu quả sẽ không thể có ngay, phải mất thời gian dài. Người dân Mỹ khó mà hiểu được ngọn nguồn của vấn đề. Trước mắt, họ cảm thấy tiếp tục không tin tưởng vào nền kinh tế, nhất là chi tiêu quá nhiều trên tiền thuế của họ đồng thời tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao.  Kết quả là họ quy kết mọi khó khăn kinh tế cho Tổng thống và Quốc hội. Theo thống kê, 2 năm đầu của tổng thống Mỹ thường không êm ả và chưa khắc họa được dấu ấn của ông chủ Nhà Trắng.

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục