“Kim cương máu” và nỗi lo nội chiến

Trong khi căng thẳng chính trị ở Bờ Biển Ngà đang dâng cao thì “kim cương máu” được nhắc đến như thứ vũ khí để yểm trợ cho các phe phái trong cuộc nội chiến.
“Kim cương máu” và nỗi lo nội chiến

Trong khi căng thẳng chính trị ở Bờ Biển Ngà đang dâng cao thì “kim cương máu” được nhắc đến như thứ vũ khí để yểm trợ cho các phe phái trong cuộc nội chiến.

Bờ Biển Ngà trước nguy cơ nội chiến

Một thời được mệnh danh “Thiên đường của sự ổn định tại Tây Phi”, Bờ Biển Ngà còn được biết đến vì có nguồn tài nguyên kim cương thô lớn nhất thế giới, và kim cương cũng đã châm ngòi cho những bất ổn chính trị tại đây. Theo AFP, vào những năm gần đây, những viên kim cương trị giá hàng ngàn, thậm chí hàng triệu đô la đã bị bán ra khỏi Bờ Biển Ngà. Các tổ chức giám sát quốc tế cho biết, họ đang nỗ lực can thiệp nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi từ kim cương để tài trợ cho những cuộc xung đột đẫm máu, gây căng thẳng trong nội bộ đất nước.

Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo đã từ chối rời khỏi chức vụ, mặc dù bị áp lực mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. LHQ và các nước châu Phi, nhiều nước phương Tây đã thừa nhận đối thủ của Gbagbo là ông Alassane Ouattara đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng trước. Thế giới đang lo ngại Bờ Biển Ngà sẽ bị đẩy trở lại giai đoạn nội chiến của gần 10 năm trước.

Về sâu xa, tranh giành quyền lực ở Bờ Biển Ngà nói riêng và ở những quốc gia châu Phi có nhiều khoáng sản quý hiếm nói chung là để chi phối nguồn lợi dồi dào này. Nói cách khác, các nhóm phiến quân, chính phủ và những công ty khai thác khoáng sản đã cùng chung sức thổi bùng lên những cuộc xung đột để thỏa mãn tham vọng giành quyền kiểm soát khoáng vật lớn hơn.

Nhiều tổ chức giám sát tư nhân cho biết, những viên kim cương xuất đi từ Bờ Biển Ngà được phù phép bằng những “tờ giấy khai sinh” giả mạo và người tiêu dùng không tài nào biết được món quà kim cương quý giá mà mình chọn để làm quà tặng bạn bè trong những dịp đặc biệt đến từ đâu.

Người dân châu Phi khổ sở vì tham vọng “kim cương máu” của các nhóm phiến quân.

Người dân châu Phi khổ sở vì tham vọng “kim cương máu” của các nhóm phiến quân.

Vật đổi chác từ phiến quân

Trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng hoạt động mua bán kim cương nhằm phục vụ cho những cuộc tranh giành quyền lực dẫn đến nội chiến, tàn sát đẫm máu ở nhiều quốc gia châu Phi, một số chuyên gia đã đề xuất áp dụng Kimberley Process (mô hình Kimberley). Kimberley Process ra đời năm 2003, một hiệp định của LHQ được ký kết giữa 75 quốc gia nhập và xuất khẩu kim cương, những nhà kinh doanh kim cương và các tổ chức phi chính phủ.

Mục đích của hiệp định là chứng nhận chất lượng kim cương bán ra thị trường tiêu dùng có nguồn gốc sạch sẽ, không xuất phát từ những vùng xung đột và vấy máu từ châu Phi. Trước đó, vào tháng 9-2002, các nhóm phiến quân tại khu vực Seguela và Tortiya đã khai thác lợi nhuận đáng kể từ kim cương để trang bị vũ khí chạy đua cho cuộc nội chiến nhằm lật đổ Tổng thống Laurent Gbagbo lúc bấy giờ, gây chia rẽ nội bộ Bờ Biển Ngà.

Năm ngoái, một nhóm chuyên gia của LHQ đã công bố báo cáo rằng, mặc dù đã có lệnh cấm vận xuất khẩu từ năm 2005 nhưng việc mua bán vẫn tràn lan. Các thương lái ban đầu mua kim cương thô và sau đó bán lại cho những người đến từ Mỹ, châu Âu, Israel, Lebanon và Ấn Độ. Kim cương tiếp tục chuyển đến những xưởng chế tạo, được đánh bóng, cắt, pha lẫn với đá quý và bán tại các hiệu kim hoàn cao cấp. Các nhà phân tích ngành kinh doanh kim cương cho biết, ước tính sản lượng kim cương toàn cầu hàng năm khoảng 8,46 tỷ USD và doanh số bán lẻ là 58,7 tỷ USD.

Gần đây, dư luận quốc tế xôn xao việc siêu mẫu quốc tế Naomi Campbell có liên quan đến món quà kim cương quý được cựu Tổng Liberia Charles Taylor, người đã gây ra cuộc nội chiến tại Sierra Leone, tặng. Đây là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở châu Phi phải ra trước Tòa án Quốc tế. Có ít nhất 11 cáo trạng chống lại ông ta và bản án có thể chung thân. Taylor bị buộc tội đã cung cấp vũ khí cho phe phiến loạn Mặt trận Cách mạng thống nhất tại Sierra Leone để đổi lấy kim cương thô.

Vào cuối thập niên 1990, Tổ chức giám sát tài nguyên thiên niên Global Witness đã vạch trần những cuộc xung đột đẫm máu vì kim cương tại những quốc gia như Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia và Bờ Biển Ngà. Những cuộc nội chiến khiến số tử vong lên tới 4 triệu người.

Ở Sierra Leone năm 1991, thủ lĩnh Mặt trận Cách mạng Thống nhất (RUF) Foday Sankoh lúc bấy giờ đã gây nội chiến để chiếm đoạt các mỏ kim cương. Cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ, kết thúc vào năm 2002 và được ghi nhận là một trong những thảm kịch của lịch sử nhân loại. Trẻ con bị bắt cóc, cho hút ma túy và biến thành sát thủ. Còn phụ nữ bị hãm hiếp, bắt làm nô lệ. Người dân phải khai thác mỏ dưới họng súng, bị đánh đập tàn nhẫn và có thể bị xử bắn bất cứ lúc nào. Đó là cuộc chiến tranh vì lòng tham. Trong suốt cuộc chiến này, Liberia giúp cho RUF chuyển tải kim cương sang các thị trường quốc tế và đổi súng đạn trở về. Tại thời điểm này, lượng “kim cương máu” xuất ra chiếm đến 4% sản lượng kim cương trên toàn thế giới.

Một báo cáo từ Global Witness còn khẳng định ở Zimbabwe, các nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt của nước này đang khai thác các mỏ kim cương của đất nước bằng bạo lực. Cuối năm 2008, quân đội Zimbabwe chiếm quyền kiểm soát mỏ, đuổi hàng chục ngàn người khai thác lậu ra khỏi đây. Khoảng 200 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Tình hình căng thẳng hơn khi sang đầu năm 2009, quân chính phủ đã đánh đập dân làng, cưỡng hiếp phụ nữ và buộc họ phải khai thác kim cương, khiến dư luận rất công phẫn. Đó là chưa kể những cáo buộc về nạn đánh đập người lao động và sử dụng lao động trẻ em. Cũng theo Global Witness, tập đoàn kinh doanh kim cương nổi tiếng De Beers Consolidated Mines, Ltd đã từng mua một lượng lớn kim cương bất hợp pháp và cung cấp tài chính cho tổ chức kháng chiến tàn bạo Unita ở Angola, chính tổ chức này đã tham gia vào cuộc nội chiến đẫm máu.

Nguồn sống của châu Phi

Ngày nay, người dân châu Phi muốn thế giới quên đi hình ảnh những viên “kim cương máu” không mấy thiện cảm. Họ muốn thế giới nhìn vào những viên kim cương như món quà được thượng đế ban tặng vì đây chính là nguồn sống của một châu lục bị cản trở bởi quá nhiều điều kiện khó khăn. Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Namibia Erkki Nghimtina từng nói: “Cứ mỗi viên kim cương còn tồn, chúng ta mất đi một cơ hội. Đó là cơ hội cho con em đến trường, cơ hội xây bệnh viện, phòng khám và tiếp tục cuộc chiến chống HIV/AIDS”. Trong đợt chào bán diễn ra hồi tháng 8, Chính phủ Zimbabwe đã bán được 900.000 carat kim cương, với tổng trị giá 72 triệu USD. Đây là đợt xuất khẩu kim cương đầu tiên của nước này kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực từ tháng 11-2009 do xung đột giữa chính quyền và lực lượng quân đội tại khu vực Marange. Nơi đây được biết đến như mỏ kim cương với tổng giá trị khai thác hàng năm lên đến 1,7 tỷ USD và cũng là nơi khởi nguồn của rất nhiều cuộc xung đột tại Zimbabwe.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục