Kiến nghị HFIC tiếp tục là “cánh tay nối dài” của TPHCM

Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) được tổ chức theo mô hình công ty mẹ và công ty con, có vốn điều lệ chiếm 28%, vốn huy động đạt hơn 55%, dư nợ cho vay giai đoạn 2010-2016 hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp (DN) đặc thù, có thế mạnh về huy động vốn đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế -  xã hội nên UBND TPHCM vừa đề nghị Chính phủ cho phép HFIC tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và chấp thuận chuyển giao toàn bộ DN có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP cho HFIC.

Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) được tổ chức theo mô hình công ty mẹ và công ty con, có vốn điều lệ chiếm 28%, vốn huy động đạt hơn 55%, dư nợ cho vay giai đoạn 2010-2016 hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp (DN) đặc thù, có thế mạnh về huy động vốn đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế -  xã hội nên UBND TPHCM vừa đề nghị Chính phủ cho phép HFIC tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và chấp thuận chuyển giao toàn bộ DN có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP cho HFIC.

HFIC đồng hành, tham gia dự án 12.500 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: THÀNH TRÍ

Trao quyền chủ động, tăng năng lực

Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, HFIC là một trong hai DN được Bộ Chính trị cho phép thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Nếu như Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoạt động chủ yếu là quản lý kinh doanh vốn và thu hồi vốn tại các DN được chuyển giao, bên cạnh chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; thì HFIC lại khẳng định là “cánh tay nối dài” của ngân sách TP, là đơn vị hoạt động hiệu quả trong hệ thống các quỹ đầu tư phát triển địa phương của nước ta.

“Chính vì vậy, TP đề nghị Chính phủ cho phép HFIC tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và chấp thuận việc chuyển giao toàn bộ DN có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP cho HFIC. Mục đích nhằm quy tụ, tập trung nguồn lực để HFIC nâng cao năng lực huy động và có thêm tiềm lực thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm mà các thành phần kinh tế khác không làm được; cũng như tài trợ cho các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển xã hội, tạo động lực tăng nguồn thu ngân sách TP trong giai đoạn tới”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị.

Nỗ lực của HFIC được thể hiện thông qua những gì mà đơn vị này triển khai suốt thời gian qua. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2010-2016, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng trên địa bàn TPHCM với tổng mức đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, cấp nước… Tổng doanh thu toàn hệ thống HFIC giai đoạn 2010-2016 đạt 38.131 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách toàn hệ thống đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 104% mỗi năm. Trong đó, hàng loạt dự án tiêu biểu mà HFIC đã thực hiện như: dự án đầu tư 1.318 xe buýt (giai đoạn 2003-2013) có tổng giá trị cho vay 1.064 tỷ đồng do HFIC đồng tài trợ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án đầu tư xây dựng mạng cấp nước phía Đông có tổng giá trị cho vay 414 tỷ đồng, do HFIC đồng tài trợ với BIDV, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Á Châu (ACB); dự án đầu tư xây dựng Cảng Tân Cảng Hiệp Phước với tổng giá trị cho vay 1.047 tỷ đồng, do HFIC đồng tài trợ với Ngân hàng Quân đội (MB)…

Bên cạnh đó, trong năm 2015-2016, HFIC cũng đồng hành, tham gia vào các dự án trọng điểm của TP, bao gồm: tham gia 2.000 tỷ đồng trong chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm; tham gia tài trợ 1.000 tỷ đồng trong chương trình cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TPHCM; tài trợ các dự án đầu tư xây dựng tuyến ống cấp 2 mạng lưới cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đến thời điểm này là 574 tỷ đồng…

Cần cơ chế riêng cho TP

Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC, trong thời gian tới HFIC sẽ tiếp tục phát huy là một định chế tài chính Nhà nước đại diện chủ sở hữu vốn, cổ đông Nhà nước chuyên nghiệp quản lý và vận hành hiệu quả phần vốn Nhà nước tại DN; quy tụ và tập trung các nguồn lực cho nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng; là công cụ quản lý, huy động và đầu tư vốn có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP, cũng như góp phần tạo động lực tăng nguồn thu ngân sách. Trước tiên, “HFIC tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm, gồm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại các DN được UBND TP chuyển giao; đồng thời huy động vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị cũng như các lĩnh vực trọng điểm của TP. Từ những định hướng này, HFIC xác định phương châm hoạt động là huy động nguồn lực, kiến tạo hạ tầng, nỗ lực chung tay cùng các DN xây dựng TP”, ông Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.

Để HFIC tiếp tục là “cánh tay nối dài” của TP, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, gợi ý trong thời điểm hiện tại cần tạo nguồn vốn mồi dài hạn cho HFIC. Lợi nhuận mà HFIC đem về mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, đã góp phần thực hiện tốt công tác đầu tư và bảo tồn vốn, đóng vai trò như một ngân hàng phát triển cơ sở tại địa phương. “Mong rằng có nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện cho HFIC trong thời gian tới”, bà Phan Thị Thu Hiền kiến nghị. Tuy nhiên, vài chuyên gia cũng góp ý HFIC về một số yếu tố cần làm rõ hơn: đối với một đơn vị đặc thù quản lý vốn Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc hướng đến quản trị tiên tiến nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo sự phù hợp tình hình thực tế của TP. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, phân tích HFIC cần làm rõ yếu tố trực tiếp cổ phần hóa chính DN của mình để tránh xung đột lợi ích. Thêm nữa, ông Dũng cũng đặt vấn đề xác định rõ nguồn thu, kế hoạch sử dụng nguồn vốn…

Bàn về phương hướng hoạt động trong thời gian tới của HFIC, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho rằng: “HFIC cần tập trung cho những ngành kinh doanh đột phá. Nhà nước chỉ làm những gì mà thành phần kinh tế tư nhân không làm”. Ông Đông cũng đưa ra nhận định, TPHCM không thể nằm chung trong “một chiếc áo chật chội” về cơ chế, chính sách giống như các tỉnh, thành khác của nước ta, mà nên có gì đó riêng cho TP, ví dụ như cơ chế riêng về huy động vốn. Ở góc độ của Bộ KH-ĐT, ông Đông cho biết hoàn toàn ủng hộ cơ chế đặc thù đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục