Những vụ M&A tỷ USD và cuộc tranh giành thị phần

Năm 2016 là năm diễn ra nhiều vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lớn, trị giá từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã bán được thương hiệu với giá trị gấp trăm lần giá trị tài sản thực tế. Một cuộc tranh giành thị phần đã diễn ra rầm rộ giữa các đại gia “ngoại”, dự báo hệ thống bán lẻ trong nước sẽ đối diện với nhiều khó khăn trước sự xâm nhập và cạnh tranh khốc liệt này…
Những vụ M&A tỷ USD và cuộc tranh giành thị phần

Năm 2016 là năm diễn ra nhiều vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lớn, trị giá từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã bán được thương hiệu với giá trị gấp trăm lần giá trị tài sản thực tế. Một cuộc tranh giành thị phần đã diễn ra rầm rộ giữa các đại gia “ngoại”, dự báo hệ thống bán lẻ trong nước sẽ đối diện với nhiều khó khăn trước sự xâm nhập và cạnh tranh khốc liệt này…

Phi vụ mua bán tỷ đô của các đại gia Thái Lan

Trước hết phải kể đến vụ Công ty Central Group mua thương hiệu Big C Việt Nam (thuộc Tập đoàn Casino - Pháp) với giá 1,1 tỷ USD. Big C là một chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam với 43 cửa hàng và 30 khu trung tâm mua sắm trên cả nước. Doanh thu trước thuế của thương hiệu Big C đạt hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2015. Việc mua bán này mở đầu cho cuộc đổ bộ của các đại gia nước ngoài tấn công vào thị trường Việt Nam. Vì khi cạnh tranh mua Big C còn có nhiều tên tuổi đình đám khác như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) cùng tham gia, nhưng đã bị Central Group đánh bại. Sau khi Central Group mua được Big C, hàng hóa Thái Lan bắt đầu tràn vào thị trường Việt Nam  mạnh mẽ.

Central Group mua lại thương hiệu Big C Việt Nam với giá 1,1 tỷ USD. Ảnh: THÀNH TRÍ

Cũng một đại gia khác của Thái Lan đó là TCC Holdings mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam (sau đó đổi thành MM Mega Market) với giá 710 triệu USD. Metro Việt Nam có 19 siêu thị đặt ở các cửa ngõ của các tỉnh, thành trong cả nước, hoạt động kinh doanh khá mạnh với doanh thu hơn 507 triệu EUR vào năm 2014-2015. Metro được xem là đối thủ chính trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam. Điều đó cho thấy các đại gia Thái Lan đang nhắm vào các chuỗi bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Nếu để cạnh tranh, thao túng thị trường bán lẻ ở Việt Nam thì chỉ cần 2 thương hiệu Big C và MM Mega Market hợp tác bắt tay cũng có thể tạo thành sức mạnh nguy hiểm. Chắc chắn những chuỗi siêu thị khác của Việt Nam như Co.op, Satra sẽ khó khăn trong hoạt động cạnh tranh này. Vì khi hợp nhất, họ sẽ thành chuỗi phân phối mạnh để xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản và hải sản giữa 2 nước Việt Nam - Thái Lan. Ngoài ra, Tập đoàn TCC Holdings còn có hàng loạt hoạt động đầu tư ở Việt Nam, như sở hữu 65% cổ phần của Phú Thái Group - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng; sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk...

Nhiều đại gia lớn đã vào Việt Nam

Công ty Chứng khoán Hàn Quốc Mirae Asset cùng Công ty Đầu tư AON BGN của Anh đã cùng bắt tay mua lại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (tòa nhà Keangnam Landmark 72, giữ kỷ lục tòa nhà chọc trời ở Việt Nam với độ cao 350m) với giá 350 triệu USD. Mirae Asset là công ty quốc tế, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tại Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ, Anh, Việt Nam… Ở Việt Nam, Mirae Asset đã nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Wealth Management với vốn hiện nay 700 tỷ đồng. Năm 2015, công ty đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán là 38 tỷ đồng.

Hoạt động sang nhượng, đầu tư lớn khác phải kể đến là vụ 2 công ty thuộc Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave đã mua hơn 78 triệu cổ phiếu tương đương với 5,4% cổ phần của hãng sữa Vinamilk với giá trị gần 11.300 tỷ đồng (tương đương với 500 triệu USD). Như vậy, 2 công ty trên đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại Vinamilk lên trên 16%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk, sau SCIC (39,33%). Được biết, Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave này lại thuộc quyền sở hữu của tỷ phú người Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi. Ông là người đứng đầu TCC Holdings, đơn vị mua Metro Việt Nam kể trên.

Theo nhận định của các chuyên gia, với đà mua bán, sáp nhập này, thời gian tới sẽ dự báo sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Đặc biệt, khi những năm tới thuế suất hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm, hàng hóa giữa các nước lưu thông qua lại lẫn nhau không chịu áp lực về thuế cũng chính là mối đe dọa đối với thị trường sản xuất trong nước, trước sự xâm chiếm của các đại gia nước ngoài.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục