Nhiều luật mới về tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2017

Kể từ đầu năm 2017 lĩnh vực tài chính sẽ có 3 luật mới chính thức có hiệu lực, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí - lệ phí và Luật Kế toán. Đây là những đạo luật quan trọng, tạo những bước đổi mới lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

(SGGP).- Kể từ đầu năm 2017 lĩnh vực tài chính sẽ có 3 luật mới chính thức có hiệu lực, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí - lệ phí và Luật Kế toán. Đây là những đạo luật quan trọng, tạo những bước đổi mới lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Trong đó, có một số đổi mới quan trọng như: Luật Ngân sách nhà nước quy định về việc sử dụng ngân sách, đã ghi rõ “Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách”; Luật Phí - lệ phí mới không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, tuy nhiên, một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá; Luật Kế toán 2015 bổ sung khái niệm giá trị hợp lý, là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị (Luật Kế toán 2003 chỉ quy định về nguyên tắc giá gốc nên việc bổ sung khái niệm này là một thay đổi lớn về nguyên tắc kế toán).

Luật Kế toán 2015 cũng bổ sung quy định về báo cáo tài chính Nhà nước. Đây là nội dung mới trong hệ thống kế toán nền kinh tế, cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, chi phí, kết quả hoạt động; các khoản phải thu, thặng dư, thâm hụt và lưu chuyển tiền tệ của quốc gia, từng địa phương, đơn vị. Báo cáo tài chính Nhà nước tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt tình hình biến động vốn, tài sản của đất nước, góp phần quản lý hiệu quả nguồn lực và công khai, minh bạch thông tin về tài chính Nhà nước.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục