Tăng cường kết nối
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM đã có cuộc làm việc với bà Karlene Davis, Tổng Lãnh sự New Zealand tại TPHCM. Nội dung xoay quanh công tác phối hợp tổ chức khóa tập huấn và thực hành thiết kế hệ sinh thái cho các nhà lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo tại thành phố. Từ đây đã mở ra cho 20 “lãnh đạo” chủ chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM được tham gia lớp tập huấn về những chương trình và phương pháp đổi mới sáng tạo mới nhất trên thế giới. Các “lãnh đạo” này bao gồm những người chịu trách nhiệm đánh giá và ra quyết định liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, những người triển khai chương trình khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, các chuyên gia học thuật, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh kiến thức mới nhất về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trên thế giới, khóa tập huấn giúp các đối tượng tham gia xác định những lĩnh vực trọng tâm, các vấn đề ưu tiên cần giải quyết, xây dựng các kế hoạch, giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Trước đó, tại buổi làm việc với ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, đại diện Sở KH-CN TPHCM cũng đã đề xuất nhiều chương trình hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo giữa 2 nước. Cụ thể, trong quý 4-2018, TPHCM sẽ phối hợp với Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel (IIA) tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, chính sách, mô hình thực tế về đổi mới sáng tạo tại Israel cho các cán bộ, công chức các sở, ban, ngành của thành phố. Cùng với đó, hai bên sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi startup, kết nối cung cầu công nghệ qua Sàn giao dịch Công nghệ trực tuyến của TPHCM; tổ chức các chương trình tham khảo, học tập kinh nghiệm của Israel trong chính sách thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường - viện.
Các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp khác trên địa bàn TPHCM cũng chủ động với các chương trình hợp tác quốc tế tương tự. Trong đó, nổi trội lên có Không gian đổi mới sáng tạo TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB). Trong thời gian qua, SIHUB phối hợp với Hiệp hội Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại hải ngoại (World-OKTA) và Trung tâm Công nghệ Liên hiệp Busan triển khai chương trình Chuyển giao công nghệ Việt - Hàn (B2B Matching). Chương trình giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với 5 doanh nghiệp và 5 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc trong hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu.
Xác định rõ nội dung hợp tác
Trong cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Sở KH-CN TPHCM, bà Karlene Davis nhấn mạnh: “Mục tiêu của chương trình tập huấn nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng hệ thống tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp của New Zealand với TPHCM. Chương trình được thiết kế riêng để phù hợp với đặc điểm của TPHCM”.
Liên quan đến chương trình, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết sở sẽ tiếp tục trao đổi thống nhất danh sách học viên cũng như kế hoạch triển khai, để chương trình có thể thực hiện sớm nhất trong khả năng, dự kiến vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Ngoài ra, ông Dũng cũng mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị của New Zealand sẽ tham gia vào các hoạt động tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (WHISE) trong những năm tới.
Còn với hoạt động hợp tác giữa TPHCM với Israel, đây cũng là một phần kết quả sau chuyến công tác đến nước này vừa qua của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Theo ông Doron Lebovich, Israel có nhiều kinh nghiệm, mô hình trong thương mại hóa, hình thành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu của các trường đại học, cũng như những chương trình hợp tác với các thành phố, quốc gia khác để hỗ trợ startup rất hiệu quả. Đại diện Sở KH-CN TPHCM bày tỏ mong muốn, thông qua hợp tác phía Israel sẽ chuyển giao, hỗ trợ doanh nghiệp Việt nắm được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, vi mạch và nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, TPHCM sẽ cùng các đơn vị của Israel phối hợp tạo điều kiện cho các startup, doanh nghiệp tham gia các hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, giới thiệu sản phẩm công nghệ tại các sự kiện lớn của 2 nước. Những hoạt động này không chỉ giúp các cán bộ, chuyên gia của thành phố học tập kinh nghiệm của Israel mà còn tạo mạng lưới kết nối, làm cơ sở cho những hợp tác trong tương lai.
Trong Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (gọi tắt là GII) vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 2 bậc so với năm 2017, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) thực hiện. |