PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng ban tổ chức hội thảo, cho biết: “Đối với Việt Nam, sự giao lưu với thế giới đầu tiên chính là giao lưu với phương Đông. Sự giao lưu thúc đẩy những đổi mới nhận thức về thế giới để từ đó Việt Nam bước ra khỏi khu vực chật hẹp của mình, vươn ra năm châu. “Việt Nam - Giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông” là một chủ đề lớn, hứa hẹn nhiều phát hiện thú vị”.
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, hội thảo hướng tới nghiên cứu 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, các vấn đề tổng quát trong giao lưu văn hóa Việt Nam - phương Đông, được thể hiện qua nguồn thư tịch giao lưu văn hóa thời tiền cận đại với các quốc gia Đông Á, sự tiếp biến các tôn giáo Ấn Độ ở Việt Nam, vấn đề bá quyền văn hóa và quan niệm về Hoa - Di trong thơ bang giao Việt - Trung… Thứ hai, Phật giáo Việt Nam trong giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông. Ở nhóm vấn đề này, hội thảo sẽ thảo luận về hành trạng các nhà sư gốc Ấn trong việc truyền bá đạo Phật ở Việt Nam thời kỳ đầu, vai trò của Phật giáo nguyên thủy với tiếp biến văn hóa Nam Á, Đông Nam Á… Thứ ba, hội thảo nghiên cứu sâu về thơ văn bang giao đi sứ, thơ văn du ký trong văn học cổ điển Việt Nam, thơ tiếp sứ Trung Hoa thời Lý - Trần, Lê - Trịnh và nhà Nguyễn.
Hội thảo đã nghe nhiều báo cáo có giá trị của các nhà nghiên cứu nổi tiếng: GS Trần Ích Nguyên - ĐH Thành Công (Đài Loan), GS Imai Akio - ĐH Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản), TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm… Toàn văn 77 báo cáo tại hội thảo được in thành sách Việt Nam - Giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông dày hơn 1.000 trang, do NXB Đại học Quốc gia TPHCM phát hành.