Tại hội thảo, gần 20 tham luận đã nêu bật những hoạt động của hội từ quá khứ đến hiện tại: Những thành tựu to lớn, các tác phẩm âm nhạc đặc sắc gắn liền với từng giai đoạn phát triển của hội, âm nhạc mới với tiến trình hình thành và phát triển, vai trò của hội trong đời sống xã hội…
Chương trình nghệ thuật “Việt Nam nước non ngàn dặm” với những tác phẩm tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam
Nhiều thành tựu
Tính đến nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang hoạt động ở nhiệm kỳ thứ 9, ghi dấu ấn trong lịch sử hình thành và phát triển với những đóng góp của hàng loạt nhạc sĩ tên tuổi, tài hoa như: Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng, Hoàng Việt, Ca Lê Thuần, Hoàng Hiệp, Vĩnh Bảo, Phan Huỳnh Điểu… Hoạt động trong một tổ chức chính trị nghề nghiệp, các thế hệ nhạc sĩ đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các sáng tác đặc sắc, sống mãi với thời gian.
Ra đời từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, sau giải phóng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam ghi dấu ấn với hàng loạt sáng tác nổi bật về thanh niên đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, về biển đảo quê hương, về xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, ở nhiệm kỳ 2 - kéo dài 20 năm, được gọi là nhiệm kỳ máu và hoa, là khoảng thời gian phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, âm nhạc đồng hành cùng dân tộc. Âm nhạc trong giai đoạn này nổi bật như là thứ vũ khí sắc bén để các nhạc sĩ sử dụng làm phương tiện phục vụ công tác đấu tranh vì độc lập tự do dân tộc, dưỡng nuôi tinh thần đoàn kết quân dân, tình yêu quê hương đất nước, gieo niềm tin tưởng và thúc đẩy phát huy khí thế anh hùng cho bao lớp chiến sĩ trẻ.
Với thành tựu đạt được, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 1, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân; 21 nhạc sĩ tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 121 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước… Hội đã tổ chức nhiều hội thảo, liên hoan âm nhạc, các lớp tập huấn, trại sáng tác, về nguồn, giao lưu quốc tế, kết nối các vùng miền, thực hiện các công trình nghiên cứu về dân ca, dân nhạc, sách âm nhạc Việt Nam, chân dung nhạc sĩ… có giá trị thực tiễn trong đời sống xã hội.
Không ngừng nâng cao chất lượng
Nhạc sĩ Trương Quang Lục, một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm nay đã 84 tuổi và vẫn tràn đầy tâm huyết với những sáng tác dành cho thiếu nhi. Ông tâm sự: “Khi thành lập hội, tôi là người trẻ nhất... Nhìn lại quãng đường 60 năm của hội, để có hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm viết cho thiếu nhi, những người nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi đã luôn dặn lòng phải có trách nhiệm trong sáng tác để góp phần giáo dục trẻ em thông qua những tác phẩm âm nhạc có định hướng, chất lượng, phù hợp lứa tuổi”.
“Kỷ niệm 60 năm thành lập hội, sau hội thảo khoa học tại TPHCM, hội sẽ tiếp tục tổ chức tại Hà Nội. Bên cạnh đó, hội sẽ tổ chức một loạt các đêm nhạc tôn vinh hàng trăm tác phẩm âm nhạc truyền thống cách mạng, những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam tại Cần Thơ, TPHCM, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hà Nội…
Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều tác động của kinh tế thị trường, sự phát triển và bùng nổ nhiều nguồn thông tin và tiếp nhận những luồng văn học nghệ thuật khác nhau, thông qua phương tiện internet, mạng xã hội, nhưng Hội Nhạc sĩ Việt Nam vẫn kiên định, cố gắng duy trì và phát triển âm nhạc chuyên nghiệp, chất lượng, hài hòa và đồng bộ, ở các mảng ca khúc, khí nhạc, nhạc kịch, vũ kịch…
Đồng thời mở rộng giao lưu quốc tế, chú trọng việc tiếp cận đời sống xã hội, đi sâu vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, gương điển hình, tình yêu biển đảo, góp phần nâng cao dân trí vùng sâu vùng xa, chú ý giáo dục âm nhạc thế hệ trẻ, chú trọng lực lượng sáng tác trẻ, đề cao tính chuyên nghiệp...”, PGS - TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu.
Còn nhạc sĩ Võ Công Phước thì nói về dòng nhạc cách mạng: “Hoạt động âm nhạc trong lực lượng vũ trang khu vực Nam bộ từ kháng chiến đến nay luôn giữ một vị trí quan trọng. Những ca khúc cách mạng đem lại cho chiến sĩ tinh thần lạc quan yêu đời, xoa dịu bao vất vả sau các đợt chiến đấu, công tác và giúp nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, vơi bớt những buồn đau trước sự hy sinh của đồng chí, đồng đội… Đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó, nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng ra đời như: Cùng nhau đi hồng binh, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Tiến quân ca, Đoàn vệ quốc quân, Nam bộ kháng chiến, Tiểu đoàn 307, Lên ngàn… Và đến nay, âm nhạc vẫn luôn theo sát cuộc sống, chiến đấu, lao động, bảo vệ Tổ quốc. Hàng loạt ca khúc mới tiếp tục ra đời, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải trí của quân và dân giai đoạn đất nước đổi mới”.
Trong sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam, công tác đào tạo âm nhạc cũng được chú trọng, nâng cao chất lượng. Ở lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, quá trình đào tạo tuy gặp nhiều thăng trầm, khó khăn, thế nhưng TPHCM vẫn tạo được dấu ấn riêng với những sáng tác khí nhạc đặc sắc của các nhạc sĩ tên tuổi như: Ca Lê Thuần, Nguyễn Văn Nam, Quang Hải, Vĩnh Lai, Thế Bảo, Hoàng Cương…
Bên cạnh những thành quả to lớn ấy, cũng còn một thực trạng đáng buồn là hiện nay các nhạc sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá tác phẩm. Trong khi truyền hình tràn ngập game show, chương trình truyền hình giới thiệu ca khúc mới hiếm hoi, báo chí đăng văn thơ, ít đăng nhạc, nhạc sĩ không có kinh phí để chuyển những sáng tác trên giấy thành tác phẩm dưới dạng audio, kinh phí để thu âm, hòa âm, phối khí… Vì thế, nhiều sáng tác mới ra đời nhưng đành phải cất trong ngăn kéo. Trên thị trường âm nhạc, các bạn trẻ sáng tác ca khúc kém chất, nhưng vì có tiền quảng bá nên được tuyên truyền rầm rộ, ít nhiều gây ảnh hưởng đến thị hiếu thưởng thức của công chúng và chất lượng hoạt động lĩnh vực sáng tác âm nhạc.
Từ thực tế ấy, hội đã có thêm nhiều hoạt động góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc trong quảng đại quần chúng; chú trọng liên kết, phối hợp với công tác giảng dạy âm nhạc trong nhà trường; kết nối chặt chẽ hơn với hội viên; giúp hội viên cập nhật ý thức chính trị, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn…
Đã đến lúc cần phải có sự phối hợp đồng bộ trong xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam, từ các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các cơ quan giáo dục, đơn vị hoạt động quảng bá đến cơ quan quản lý âm nhạc…, có vậy mới có thể kiến tạo một nền âm nhạc tiến bộ và đậm đà bản sắc dân tộc.