Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
8 sở không có cán bộ lãnh đạo nữ
Báo cáo về kết quả hoạt động, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, trong năm 2018, các cấp hội đã đổi mới nội dung phương thức hoạt động, mở rộng tập hợp phụ nữ các giới và có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ hội viên phụ nữ. Hội phát triển mới hơn 70.000 hội viên, nâng số hội viên lên gần 1,5 triệu người; trao 617 phương tiện sinh kế (với tổng giá trị 2,7ỷ đồng) tới phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 141 và sửa 55 mái ấm tình thương; hỗ trợ 476 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Điểm nổi bật là các cấp hội đã chú trọng giám sát độc lập và giám sát từng vụ việc, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em. Riêng cấp TP hỗ trợ 33 trẻ em bị xâm hại, 32 phụ nữ bị bạo hành.
Tuy vậy, hội cũng gặp nhiều hạn chế trong hoạt động. Đến nay, vẫn còn 32 cơ sở hội (trong tổng số 319 cơ sở hội) có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50%. Kỹ năng giám sát, phản biện xã hội của một số cán bộ hội cơ sở còn hạn chế, lúng túng trong việc chọn nội dung giám sát, tổ chức giám sát độc lập.
Trong công tác cán bộ nữ, theo thống kê, trong số 1.022 cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo do Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý, chỉ có 212 cán bộ nữ (tỷ lệ 21%; chỉ tiêu của TPHCM đến năm 2020 đạt từ 30% trở lên).
Hiện nay, có 8 sở: Sở LĐTB-XH TPHCM, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở NN&PTNN, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải TPHCM không có cán bộ lãnh đạo nữ. |
Dự báo khả năng đến năm 2020 khó có thể đạt được chỉ tiêu, Ban Thường vụ Hội LHPN TPHCM đề xuất Thành ủy TPHCM cần có kế hoạch rà soát, tuyển chọn cán bộ nữ bổ sung quy hoạch, gắn với đào tạo bố trí luân chuyển cán bộ và cần đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia ban lãnh đạo các sở.
“Hội kiến nghị tăng tỉ lệ nữ cán bộ, công chức là đúng. Nhưng, trong vai trò Hội phụ nữ, thì hội góp sức gì cho việc đào tạo nữ cán bộ, lãnh đạo”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đặt vấn đề. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhận xét, đúng là hiện nay nhiều cơ quan chưa có nữ lãnh đạo, ở cơ sở thì tỷ lệ nữ lãnh đạo cao hơn ở cấp quận, huyện và TP. Xác định nguồn giới thiệu nữ cán bộ lãnh đạo vẫn là các hội, đoàn thể, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị, thông qua hoạt động hội phụ nữ, hội phát hiện, đào tạo các nhân tố tích cực, ưu tú và giới thiệu cho cơ quan Đảng, nhà nước để xem xét cụ thể, chọn lựa.
30 năm, phụ nữ vẫn giúp nhau làm kinh tế bằng nhóm tiết kiệm
Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, trong hoạt động hội, hội có thể chấp nhận không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chạy theo thành tích, quan trọng là hoạt động phải thực chất, mang lại lợi ích cho hội viên qua các vấn đề cụ thể, thiết thực. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn chứng trong việc phụ nữ giúp nhau làm kinh tế: "30 năm nay hoạt động này vẫn chưa có nhiều đổi mới, vẫn theo cách cũ: chị em tham gia nhóm tiết kiệm, vay rồi trả lãi, chủ yếu phục vụ quy mô nhỏ, mang tính chất hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn". Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung yêu cầu hội đổi mới cách làm, cần định hướng vào một số lĩnh vực, hỗ trợ để phụ nữ khởi nghiệp, tạo lập các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi.
Trước tình trạng bạo hành trẻ em từng xảy ra ở quận Thủ Đức, quận 12, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung yêu cầu hội phụ nữ phối hợp với Hội Cựu Giáo chức TPHCM trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ. Đồng thời, giám sát điều kiện hoạt động ở các cơ sở này. Về vấn đề này, khi kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý thêm, hội phụ nữ nên phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM vận động các cơ sở giáo dục ngoài công lập yêu thương, không hành hạ trẻ. Trong giám sát, thống kê tất cả ở các cơ sở này, trình độ chuyên môn của người mở cơ sở, người chăm sóc trẻ đã qua đào tạo chưa, cơ sở vật chất, đồ ăn thức uống cho trẻ ra sao. “Nhiều cha mẹ là công nhân, làm việc suốt ngày, không có điều kiện giám sát các cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ. Nếu hội phụ nữ làm được điều này, thì không biết bao nhiêu bà mẹ, trẻ em cảm ơn hội. Đó cũng là góp phần xây dựng và khẳng định các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn TPHCM là cơ sở yêu thương trẻ, không bạo lực trẻ em”, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý.
Khơi dậy sức sáng tạo của 2,5 triệu phụ nữ
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, tổng thể các phong trào của Hội LHPN TPHCM đạt được nhiều kết quả và hội đang đứng trước thời cơ quan trọng để hoạt động hội chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa. Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích, hiện nay, TPHCM đang phát huy sức sáng tạo của người dân TPHCM; TP đã công bố Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019. Thế mạnh của TPHCM chính là sáng tạo, vì vậy, hội phụ nữ trong tổ chức hoạt động cũng cần nhấn mạnh vào tính sáng tạo, khơi dậy sức sáng tạo của 2,5 triệu phụ nữ trên địa bàn TP.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hội cần định hình các hoạt động sáng tạo của phụ nữ, xây dựng các mô hình sáng tạo, giới thiệu những gương mặt phụ nữ sáng tạo trước hết ở ngay cấp quản lý, cán bộ lãnh đạo từ cấp cơ sở tới cấp quận, huyện và TP; gắn sáng tạo với trọng tâm cải cách hành chính – một trong hai chủ đề trọng tâm (cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54) mà TPHCM đã chọn cho năm 2019. Làm sao để mỗi nữ công chức, mỗi nữ lãnh đạo là một tấm gương sáng tạo cải cách hành chính. Trong thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, hội phụ nữ cần xác định phụ nữ công chức đóng góp gì khi thực hiện Nghị quyết.
Về các phong trào hội, Bí thư Thành ủy TPHCM đặt câu hỏi: Phong trào chủ lực của Hội LHPN TPHCM là gì và gợi mở, hội chỉ nên chọn không quá 5 phong trào trung tâm, làm thật tới nơi tới chốn và mang lại hiệu quả, chứ không nên mở quá nhiều phong trào mà có khi đến tên phong trào cũng không nhớ hết. |
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cùng với phong trào phụ nữ sáng tạo, phụ nữ làm kinh tế, phụ nữ chống bạo lực gia đình thì một phong trào phụ nữ luôn cần chú trọng là xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Đây là phong trào đặc thù chỉ có ở phụ nữ và càng cần được chú trọng trong bối cảnh hiện nay – trung bình mỗi phụ nữ ở TPHCM chỉ sinh 1,3 con, tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng gợi ý Hội LHPN TPHCM cần quan tâm giám sát tình trạng nhà ở, điều kiện sống của các gia đình trẻ ở TPHCM. Cứ mỗi 5 năm, TPHCM có thêm 1 triệu dân, vậy người dân ở đâu? Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, Hội LHPN TPHCM trả lời được câu hỏi “các cặp vợ chồng trẻ ở đâu, như thế nào” thì sẽ ra được bức tranh họ có muốn có con hay không và tỷ lệ sinh ở TPHCM vì sao chưa cao. Từ sự giám sát đó, Hội LHPN TPHCM có thể yêu cầu cơ quan chức năng trả lời cụ thể về vấn đề nhà ở cho các hộ gia đình trẻ.
Trong việc góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền vững mạnh, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu Hội LHPN TPHCM cần có chuyên đề đột phá về giám sát, phản biện. TPHCM đang thực hiện cuộc vận động người dân TP không xả rác, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Hội LHPN TPHCM cũng cần có phong trào, công trình đóng góp cho việc này, kết hợp giám sát tình trạng xả rác bừa bãi, kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương xử lý. Hiện nay, nhiều nữ công nhân vệ sinh lớn tuổi, có mong muốn chuyển nghề, hội cần quan tâm giới thiệu việc làm cho những lao động này, có thể thí điểm hình thành chương trình bồi dưỡng, cấp chứng chỉ công việc giúp việc nhà cho chị em, đáp ứng nhu cầu tuyển người giúp việc rất lớn ở TPHCM.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trả lại tiền vì không có nhà tạm lánh Năm 2018, nhiệm vụ “trợ giúp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và mua bán người trên địa bàn TPHCM” được giao cho Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương (thuộc Hội LHPN TPHCM) và được cấp kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, song Hội LHPN TPHCM xin được… ngưng không thực hiện. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích lý giải, TP có quyết định bổ sung nhiệm vụ trên cho Trung tâm Ánh Dương, nhưng chỉ bổ sung nhiệm vụ này mà không có nội dung hỗ trợ trụ sở mới cho Trung tâm Ánh Dương. Vì vậy, mặc dù có tiền 1,3 tỷ đồng, trung tâm lại không giải ngân được do không có địa điểm với diện tích phù hợp để có nơi cho phụ nữ tạm lánh khi rơi vào cảnh bị bạo lực, bị buôn bán. “Hội LHPN TPHCM đề nghị trả lại tiền, không thực hiện nhiệm vụ nữa”, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho hay. Liên quan đến đề nghị trả lại tiền vì chưa có nhà tạm lánh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hội cần xem lại mô hình nhà tạm lánh có cần không? Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý, trước mắt vì chưa có địa điểm xây dựng nhà tạm lánh thì hội có thể trả lại tiền, nhưng vẫn cần bàn bạc kỹ về mô hình nhà tạm lánh. Bởi, bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội, chắc chắn với một TP hơn 10 triệu đân, sẽ có một tỷ lệ nhỏ gia đình và phụ nữ gặp khó khăn, cần nơi tạm lánh. |