Nâng bước em đến trường

Trong 8 năm học qua, chương trình học bổng của Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP, trực thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM) đã giúp các em học sinh là con thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật, có nguy cơ bỏ học cao… thêm điều kiện tiếp tục đến trường. Tính đến nay, chương trình đã cấp 8.899 suất học bổng cùng dụng cụ học tập cho các em với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng.
Nâng bước em đến trường

Trong 8 năm học qua, chương trình học bổng của Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP, trực thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM) đã giúp các em học sinh là con thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật, có nguy cơ bỏ học cao… thêm điều kiện tiếp tục đến trường. Tính đến nay, chương trình đã cấp 8.899 suất học bổng cùng dụng cụ học tập cho các em với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng.

Niềm vui của mẹ con em Nguyễn Thị Ngọc Duyên trong ngày nhận học bổng và quà của Quỹ CEP

Hạnh phúc của trẻ nghèo

Gần 3 năm trước, khi chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (mẹ em Nguyễn Thị Ngọc Duyên, giờ là học sinh lớp 7 tại quận 6) vừa xuất viện về nhà sau hơn 2 tháng điều trị bệnh, nghe con nói lí nhí “Mẹ ơi, con chưa đóng tiền học phí 2 tháng rồi”, chị Phượng đau nhói lòng. Nén mệt, chị qua nhà hàng xóm hỏi mượn ít tiền. May mắn khi ấy chị đã gặp một cán bộ tín dụng của Quỹ CEP và được gợi ý cho vay tiền để gia đình chị vượt qua cơn khốn khó. Nhờ số tiền vay được, chị Phượng chăm chỉ làm ăn để lo cho cả gia đình và nhất là các con chị không phải bị nghỉ học.

Thương mẹ và hiểu hoàn cảnh không có cha bên cạnh, Ngọc Duyên luôn cố gắng phấn đấu học thật tốt. Dù góc học tập cũng là nơi chật hẹp ba mẹ con dùng để ngủ, nhưng Ngọc Duyên lại thấy mình may mắn vì còn có chỗ để ngồi học. Và dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng 7 năm liền em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong căn nhà chật hẹp cùng 7 nhân khẩu ấy, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn lên đôi vai gầy của chị Phượng. 4 giờ sáng người mẹ ấy đã dậy để đi phụ cho một quán cơm, 7 giờ chị về đi chợ lấy rau củ để đi bán đến chiều. Trên đường về nhà, chị tranh thủ đi lượm ve chai. Chiều về đến nhà chị lao vào lo cơm nước để sau đó còn lột củ hành, xếp giấy tiền, bao thư… để kiếm thêm thu nhập. Khi chị Phượng bắt đầu đi ngủ đã gần 1 giờ sáng. Kể về những vất vả ấy của mình, trên môi chị Phượng vẫn nở nụ cười: “Nghèo hay cực khổ tôi không sợ, chỉ cần các con được đi học con chữ là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Nhận trên tay suất học bổng của Quỹ CEP cùng chiếc cặp đi học, Ngọc Duyên cứ mân mê. Khi mẹ cho tiền đi học, Ngọc Duyên đều để dành và lâu lâu lại lấy ra để phụ mẹ. “Được nhận học bổng lần này con sẽ đưa mẹ để lo học phí cho chị em con. Ngoài ra con muốn mua tặng mẹ bộ quần áo và cái kẹp tóc, vì quần áo mẹ đã cũ hết rồi”, Ngọc Duyên tâm sự.

Ươm mầm ước mơ

Túng thiếu, không đủ chi phí trang trải mỗi khi phải đóng học phí cũng là hoàn cảnh của anh em Nguyễn Hoàn Vi (học sinh lớp 7, quận 8). Và những suất học bổng của Quỹ CEP đã đến kịp lúc để giúp đỡ Vi cũng như mẹ em không phải vất vả lúc khó khăn nhất. Ba bỏ đi khi em 10 tháng tuổi, mẹ và anh em Vi phải sống nhờ nhà người dì. Mẹ làm may gia công tại nhà nên hàng ngày Vi đều nhìn thấy sự cực khổ phải thức khuya dậy sớm của mẹ. Để giúp mẹ, mỗi khi chuẩn bị xong bài tập, Vi và anh thường phụ mẹ làm việc nhà, cắt chỉ, giao đồ cho khách. Dù không đi học thêm nhưng cả hai anh em Vi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi từ học lớp 1. Vi ước mơ sau này được làm cô giáo để mang kiến thức đến với những học sinh khó khăn như mình.

Còn rất nhiều những ước mơ của các em học sinh nghèo vẫn đang hàng ngày được Quỹ CEP ươm mầm. Vượt lên tất cả, các em cùng gia đình vẫn kiên trì theo đuổi con chữ, nuôi khát vọng đến trường và cố gắng học tập để có thành tích cao nhất. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó giám đốc Quỹ CEP, bảo rằng vì lẽ đó mà hàng năm, Quỹ CEP đều dành kinh phí trao học bổng, hỗ trợ để con các thành viên thêm động lực đến trường.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục