Đại diện chủ đầu tư xây dựng công trình là Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Trong đó, từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Lớn Thành phố sẽ có 781m tàu chạy ngầm dưới lòng đất để không làm ảnh hưởng không gian đô thị; các điểm ga còn lại tàu chạy nổi trên mặt đất.
Công trình bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 12-2017, đến nay đã hoàn thành hơn 65% tiến độ công trình. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ chính thức đưa vào hoạt động với 4 tuyến đường sắt.
Lần đầu tiên tham quan công trình xây dựng tàu điện ngầm, học sinh rất hào hứng tham gia tiết học trải nghiệm
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Trương Quý Lâm, Tổ trưởng chuyên môn Vật lý, Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết, tiết học này nhằm giúp học sinh áp dụng các kiến thức đã học trên lớp như áp lực, áp suất, mặt phẳng nghiêng của môn Vật lý hay độ lún, nền đất, mật độ phân bổ dân cư của môn Địa lý để giải quyết ở mức độ cao các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Toàn bộ học sinh tham gia dự án được chia thành 3 nhóm, lần lượt tìm hiểu các vần đề như: hoạt động của robot TBM (robot máy khoan nặng hơn 300 tấn có nhiệm vụ đào hầm không gây nổ), định hướng phát triển quy hoạch các tuyến đường sắt tại TPHCM, các vấn đế về kỹ thuật, kết cấu xây dựng đường hầm.
Sau hai tuần lễ được phân công tìm hiểu kiến thức trên mạng internet và thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tại buổi học trải nghiệm, học sinh có cơ hội "nhìn tận mắt, nghe tận tai" phần giới thiệu, giải đáp câu hỏi từ các chuyên gia kỹ thuật đến từ ban quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Học sinh khối 8, Trường THCS Trần Văn Ơn tham quan công trình xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Việt Nam
Nguyễn Hữu Gia Hưng, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết, bản thân em từng được đi tàu điện ngầm ở Singapore và Thái Lan nên khi biết Việt Nam cũng đầu tư xây dựng loại hình vận chuyển hành khách công cộng này, em đã quan tâm tìm hiểu.
Với kiến thức của một cậu học sinh lớp 8, Gia Hưng đặt ra hàng loạt câu hỏi như làm sao để nâng cao tốc độ di chuyển của tàu điện trong đường hầm, bố trí hệ thống hút khí độc trong hầm thế nào để không ảnh hưởng sức khỏe của công nhân lao động và khách đến tham quan, việc sửa chữa một số hư hỏng nhỏ sẽ được tiến hành như thế nào khi toàn bộ lộ trình chuyến chỉ có 2 điểm cho tàu quay đầu...
Ở góc độ khác, Đinh Lê Minh Trí, học sinh lớp 8A1 liên hệ hình ảnh các tuyến tàu điện ở Nhật Bản có bố trí ghế tự gập vào giờ cao điểm để tăng số lượng hành khách được vận chuyển. Từ đó, Minh Trí bày tỏ mong muốn tàu điện ngầm ở Việt Nam sẽ sớm nhận được sự ủng hộ của người dân, góp phần làm giảm mật độ lưu thông của các phương tiện di chuyển cá nhân vào giờ cao điểm.
Các em được các chuyên gia kỹ thuật thuộc ban quản lý giải đáp tận tình các thắc mắc
Đặc biệt sau buổi học trải nghiệm, sẽ có 20 học sinh tiếp tục được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với học sinh hai nước Singapore và Malaysia về kỹ thuật xây dựng và ý thức sử dụng loại hình vận chuyển này của người dân.
Sau chuyến tham quan, học tập, các em sẽ về lại trường thực hiện các bài thuyết trình để truyền đạt những hiểu biết, kinh nghiệm và chia sẻ của bản thân đến toàn bộ học sinh trong trường. Đây được xem là một trong những nỗ lực rất lớn của tập thể sư phạm Trường THCS Trần Văn Ơn nhằm giúp học sinh làm quen dần với hình thức học tập theo phương pháp trải nghiệm, qua đó giúp học sinh tăng thêm hứng thú học tập, biết áp dụng kiến thức đã học trong sách vở vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống thực tiễn.