Học Bác khắc phục căn bệnh giáo điều

Phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những đặc điểm riêng có trong cách nghĩ và hành động của Người. Trong đó, mọi suy nghĩ, hành động của Người luôn dựa trên thực tiễn sinh động của cuộc sống.
 Cán bộ hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân ở UBND quận 7. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân ở UBND quận 7. Ảnh: VIỆT DŨNG

 Học tập phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn trong đấu tranh chống bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Lấy cái tốt, cái tích cực đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là phong cách tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo, thiết thực gắn với thực tiễn đất nước và thời đại. Xét về bản chất triết học thì đó là phong cách tư duy biện chứng duy vật. Chính bản chất này đã làm cho phong cách tư duy của người vừa có tính thời đại vừa có tính dân tộc, vừa có giá trị khoa học phổ biến bền vững vừa có tính độc đáo rất riêng.

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay không chỉ là học tập những tư tưởng lý luận, mà quan trọng hơn là học tập cả phong cách của Người, đặc biệt là phong cách tư duy. Hiểu được phong cách tư duy của Người, không chỉ góp phần làm rõ hơn tầm vóc vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp hiểu rõ vì sao tư tưởng ấy đã trở thành sức mạnh vô địch, chinh phục trái tim, khối óc của triệu triệu con người mà còn góp phần khắc phục các căn bệnh giáo điều, duy ý chí... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nói riêng.

Đặc trưng của phong cách tư duy của Bác là sự thống nhất giữa tình cảm cách mạng trong sáng và lý trí khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cố gắng tìm ra yếu tố tích cực của sự vật, đối tượng tư duy, lấy cái tốt, cái tích cực đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Trong tư duy, Bác Hồ luôn hướng tới độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư duy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn và hướng về thực tiễn. Đặc biệt, tư duy của Bác luôn được diễn đạt giản dị, trong sáng, rõ ràng.

Ở cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa là người đề ra chủ trương, đường lối, tổ chức và động viên quần chúng để thực hiện chúng; đồng thời, vừa là người quản lý là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định. Như vậy, người cán bộ ở cơ sở luôn có hai chức năng lãnh đạo và quản lý. Tất nhiên, tính chất, mức độ, phạm vi lãnh đạo, quản lý của mỗi cán bộ cụ thể là tùy thuộc vào chức vụ, trách nhiệm mà người đó đảm nhiệm.

Sau hơn 10 năm triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, thiết thực và gắn với thực tiễn đã dần thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Thể hiện cụ thể ở việc đại bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý đều có năng lực lãnh đạo, quản lý; bước đầu có tư duy năng động nhạy bén, thiết thực, phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường; đã kết hợp được tư duy lý luận với thực tiễn kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Đáng chú ý, các căn bệnh giáo điều, kinh nghiệm, chủ quan... đã từng bước được hạn chế và khắc phục.

Tạo chuyển biến từ cơ sở

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong điều kiện trong nước và trên thế giới có những biến động lớn và dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì sự chuyển mình đó còn chưa ngang tầm. Qua thực tiễn cho thấy, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở vẫn còn có những biểu hiện của lối tư duy khuôn sáo, sao chép máy móc những công thức lý luận sẵn có, không dựa trên cơ sở thực tiễn đổi mới; lối tư duy, suy nghĩ nóng vội, chủ quan; phong cách tư duy áng chừng, đại khái, yếu về lô-gíc, thiếu tính hệ thống vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để. Đặc biệt, thỉnh thoảng vẫn còn có những biểu hiện của sự tách rời giữa tình cảm, đạo đức cách mạng và lý trí khoa học trong phong cách tư duy của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Do vậy, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp cơ bản như: phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tự học tập, rèn luyện, xây dựng phong cách tư duy một cách kiên trì, bền bỉ, tự giác, có định hướng đúng đắn theo phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đặc biệt chú ý rèn luyện, trau dồi phương pháp tư duy biện chứng duy vật của Người. Phải thấm nhuần phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, thiết thực gắn với thực tiễn và chủ động vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp vào thực tiễn cuộc sống và công tác ở địa phương.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là lực lượng quan trọng, tham gia lãnh đạo, quản lý việc thực hiện đường lối, chính sách đồng thời tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện đường lối chính sách ấy trong thực tiễn. Chất lượng đội ngũ này quyết định trực tiếp đến thành công của sự nghiệp đổi mới. Để từng bước xây dựng được phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, thiết thực gắn với thực tiễn theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, đòi hỏi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, trong đó giải pháp từ phía đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở giữ vai trò quyết định nhất. Thực hiện được điều này, chắc chắn rằng việc tiếp tục đẩy mạnh và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ đạt được nhiều thành tựu tích cực.

Tin cùng chuyên mục