Hỗ trợ vốn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng tham gia tích cực vào việc triển khai 7 chương trình đột phá của TP.
Có ngân hàng giảm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp cho dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, quy mô thế này. Ảnh: THÀNH TRÍ
Có ngân hàng giảm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp cho dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, quy mô thế này. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tại “Hội nghị trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM” mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng tham gia tích cực vào việc triển khai 7 chương trình đột phá của TP. Theo đó, lãnh đạo TP kỳ vọng các tổ chức tín dụng đồng hành, xây dựng và phát triển kinh tế TP thông qua việc thúc đẩy nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

10.000 tỷ đồng cho công nghiệp hỗ trợ

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, trong quý 1-2017, hệ thống ngân hàng tại TPHCM thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN và UBND TPHCM. Trong đó, thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn TP. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2-2017, dư nợ cho vay 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn bằng VND đạt gần 148.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đối với các DN KCX-KCN gần 116.000 tỷ đồng với hơn 3.200 khách vay vốn, tăng 2,9% so với cuối năm 2916. Riêng chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN), có 16 ngân hàng thương mại tại TP đã ký kết gói tín dụng 226.117 tỷ đồng và 10 triệu USD trong năm 2017. Tính đến cuối tháng 2-2017, doanh số giải ngân của các đơn vị này đạt gần 53.000 tỷ đồng với gần 3.500 khách hàng được vay. Trong quý 1-2017, NHNN chi nhánh TPHCM đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình này theo hướng đi vào chiều sâu. Tổ chức nội dung kết nối cấp TP theo chuyên đề, lĩnh vực và đồng hành cùng cấp quận huyện tại các buổi kết nối do địa phương tổ chức.

Đối với chương trình cho vay Bình ổn thị trường, đến cuối quý 1-2017, chương trình năm 2016 và Tết Đinh Dậu năm 2017 đã kết thúc. Theo đó, 10 ngân hàng thương mại tham gia cho vay đăng ký 12.900 tỷ đồng, bao gồm 3 gói tín dụng: vay vốn lưu động ngắn hạn; DN chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vay ngắn hạn; vay trung hạn và dài hạn để đầu tư chuồng trại, cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối. Hiện chương trình cho vay Bình ổn thị trường năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018 đã bắt đầu. Tính đến cuối tháng 2-2017, doanh số cho vay từ đầu chương trình đạt 1.757 tỷ đồng (hạn mức của các khoản vay này là 1.328 tỷ đồng), dư nợ cho vay đạt gần 570 tỷ đồng với 13 DN vay vốn.

Ngoài những chương trình trên, hưởng ứng Quyết định 15/2017 của UBND TPHCM về việc hỗ trợ DN đầu tư công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM và Ngân hàng VietinBank vừa ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc triển khai gói tín dụng dành cho DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP với quy mô 10.000 tỷ đồng. Chương trình nhằm khuyến khích DN đổi mới trang thiết bị, gia tăng năng lực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Thông qua chương trình này, chủ đầu tư dự án thuộc danh mục các dự án lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ được hỗ trợ lãi suất ban hành kèm theo Quyết định số 15/2017 sẽ được áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi tại VietinBank; đồng thời được ngân sách TP bù lãi suất tối đa 100% mức lãi suất đã thanh toán cho VietinBank và tối đa 200 tỷ đồng/dự án. Đối với các dự án có yêu cầu mức hỗ trợ lãi suất trên 200 tỷ đồng hoặc thời hạn lãi suất trên 7 năm, UBND TP sẽ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể. Lãnh đạo VietinBank cho biết, gói 10.000 tỷ đồng này sẽ được điều chỉnh nếu nhu cầu của DN tăng cao.

Mở rộng tín dụng không thế chấp

Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM tính đến cuối tháng 3-2017 ước đạt 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2016 và tăng 19,15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh, chiếm 75%-78%, song tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây. Theo đại diện của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tại TPHCM, hiện vẫn còn một số vướng mắc gây nghẽn dòng chảy tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, theo quy định của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay của NHNN, DN tư nhân chỉ được vay vốn dưới hình thức cá nhân; trong khi đó, DN này hiện vẫn đang là chủ thể trong các giao dịch dân sự. Như vậy, việc triển khai cho vay cá nhân là chủ DN để phục vụ nhu cầu vốn của DN tư nhân sẽ có nhiều bất cập. Ngoài ra, Thông tư 36/2014 của NHNN quy định về tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi tối đa không quá 80% nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản cho các NHTM, nhưng trong thực tế quy định này làm gia tăng chi phí huy động vốn, các NHTM cổ phần gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.

Ngoài ra, câu chuyện về việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản thế chấp hiện vẫn rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện Chính phủ có chủ trương khuyến khích tinh thần khởi nghiệp nên kêu gọi các NHTM cho vay khởi nghiệp để tạo dựng đội ngũ doanh nhân mới trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc NHTM CP Sài Gòn (SCB), cho rằng hoạt động tín dụng ngân hàng là loại hình kinh doanh có điều kiện, trong khi đó các hoạt động khởi nghiệp hầu hết không có tài sản thế chấp. “Những ý tưởng sáng tạo của khởi nghiệp rất “kỹ thuật” nên không thể mang ra làm tài sản đảm bảo nợ vay.

Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng sản phẩm có vòng đời ngắn nên khi sản xuất, đưa ra thị trường thì nhu cầu thị trường đã hết nên ngân hàng rất ngại cho vay đối với những dự án khởi nghiệp”, ông Văn bày tỏ. Ông Văn cũng nêu thực tế, những ý tưởng sáng tạo ở một số quốc gia phát triển thường được các Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ vốn để nâng đỡ sản phẩm khi ra đời chứ ít khi có sự tham gia của vốn ngân hàng. “Chính quyền TPHCM có thể tạo lập một quỹ khởi nghiệp, sau đó kêu gọi các NHTM tham gia góp vốn, từ đó có nguồn vốn để cho vay đối với các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, các NHTM cũng có thể dành một nguồn lực nhất định để tham gia vào quỹ khởi nghiệp, tùy theo mục tiêu chiến lược kinh doanh của mỗi NHTM”, ông Văn kiến nghị.

Để các ngân hàng có thể mở rộng tín dụng cho các DN có ý tưởng kinh doanh nhưng không có tài sản thế chấp, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank, cũng đề xuất UBND TPHCM xây dựng một chương trình riêng cho 2 lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã từng thực hiện và theo sát chương trình Kết nối NH-DN. Từ đó, các tổ chức tín dụng mới có thể dồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tạo ra các bước đột phá trong các chương trình đột phá đã được TPHCM vạch ra trong giai đoạn 2016-2020.

Tin cùng chuyên mục