Hộ kinh doanh vay với tư cách cá nhân: Lãi suất cao hơn?

Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về các đối tượng không phải là pháp nhân (hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác) không đủ tư cách chủ thể để vay vốn tại các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 15-3.

Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về các đối tượng không phải là pháp nhân (hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác) không đủ tư cách chủ thể để vay vốn tại các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 15-3.

Theo đó, họ chỉ có thể vay vốn với tư cách là doanh nghiệp hoặc cá nhân. Mặc dù trên thực tế, lãi suất cho vay được các ngân hàng căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, cũng như mức độ rủi ro chứ không căn cứ theo cá nhân hay hộ gia đình, bởi lẽ,hộ kinh doanh lâu nay vẫn là đối tượng được các ngân hàng rất quan tâm. Tuy nhiên, một số ngân hàng cho rằng, từ ngày 15-3 (ngày Thông tư 39/2016 có hiệu lực), khi người đứng tên vay và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân thì đương nhiên họ sẽ phải chịu điều chỉnh lãi suất theo cá nhân thông thường.

Tiểu thương kinh doanh tại chợ Hòa Bình, quận 5, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tại buổi tập huấn thông tư này vào tuần trước tại TPHCM, trả lời thắc mắc của các ngân hàng thương mại liên quan đến việc một số đối tượng là hộ kinh doanh, hộ gia định, tổ hợp tác lâu nay được hỗ trợ vay từ các chính sách ưu tiên của Nhà nước thì sau ngày 15-3 có được tiếp tục ưu tiên hay không? Đại diện NHNN cho biết, Bộ luật Dân sự đã ban hành từ năm 2015 (có quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân nên Thông tư 39 bổ sung quy định này cho phù hợp - PV), mặc dù gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quyền lợi của người vay với tư cách cá nhân sẽ không còn được hưởng ưu đãi như khi vay với tư cách là hộ kinh doanh nhưng vì các văn bản luật liên quan đến Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn luật này không có bất kỳ sự điều chỉnh nào nên vẫn phải thực hiện theo quy định. Thực tế các ngân hàng đều có những chính sách lãi suất dành cho đối tượng này, thường thấp hơn từ 0,5% - 1%/năm so với cho cá nhân vay kinh doanh, nhằm khuyến khích hộ gia đình kinh doanh. Và từ ngày 15-3, có thể họ sẽ không còn được hưởng các ưu đãi về lãi suất nữa.

Bày tỏ về các quy định mới tại Thông tư 39, lãnh đạo Ngân hàng OCB cho rằng, thông tư này chỉ quy định cụ thể hơn về đối tượng vay vốn, đó là người đứng tên vay vốn của hộ kinh doanh là chủ hộ, chứ không nói là cá nhân kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng. Chính vì thế, các tiểu thương, hộ kinh doanh có thể an tâm về các chính sách cho vay của ngân hàng hầu như không thay đổi. Trong khi đó, nhiều ý kiến lại cho rằng, khi người đứng tên vay và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân thì đương nhiên họ sẽ phải chịu điều chỉnh lãi suất theo cá nhân thông thường vì lãi suất cho vay cá nhân thường cao hơn lãi suất cho vay kinh doanh. Trong khi hiện nay có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể được hưởng chính sách riêng để khuyến khích đối tượng này phát triển.

Hiện đang có những cách hiểu khác nhau về quy định cho vay hộ kinh doanh theo Thông tư 39/2016, trong đó điều quan tâm nhất là lãi suất cho vay khi khách hàng chuyển từ hộ kinh doanh, hộ tiểu thương sang cá nhân tại các ngân hàng như thế nào? Việc này cũng được lãnh đạo NHNN trả lời: Thông tư 39 đã nêu rõ, lãi suất tùy thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và cá nhân vay. Với quy định này, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cho là rất phù hợp với quy luật cung - cầu và thể hiện đúng bản chất của tín dụng là một sản phẩm của nền kinh tế hàng hóa, tức người mua và người bán tự thỏa thuận giá cả để thuận mua vừa bán. Theo họ, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất vì trong bối cảnh cạnh tranh khá lớn của các ngân hàng để cho vay thì khách hàng luôn có rất nhiều lựa chọn. Ngân hàng nào lãi suất mềm, phù hợp thì họ sẽ tìm đến ngân hàng đó vay nên các ngân hàng phải tự cân đối để đưa ra mức lãi suất phù hợp trên thị trường. Nếu ngân hàng cho vay với lãi suất cao chẳng khác nào tự đào thải mình ra khỏi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường ngân hàng. Liên quan đến những trường hợp hộ gia đình, hộ tiểu thương đã ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng trước ngày 15-3 nhưng vẫn còn hạn mức tín dụng giải ngân sau thời điểm này, NHNN hướng dẫn: Các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã ký. Chỉ khi nào bổ sung hợp đồng đã có hiệu lực đó thì trong nội dung sửa đổi bắt buộc phải phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2016.

Tại buổi tập huấn, đại diện NHNN cho rằng, các ngân hàng phải tuân thủ theo quy định tại Bộ luật Dân sự cũng như Thông tư 39/2016. Tuy nhiên, vị này cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện, nếu các ngân hàng gặp vướng mắc có thể phản ánh với NHNN để cơ quan này tập hợp và phản ánh đến các cơ quan liên quan bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn ª

Vi Quân

Tin cùng chuyên mục