Vừa qua, PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện ngoài lề hội thảo khoa học “Những thách thức mới đối với chăn nuôi và quyền lợi động vật” tại TP Quy Nhơn (Bình Định), với PGS.TS Trần Sáng Tạo (Đại học Nông Lâm Huế), người đã có nhiều tâm huyết, trăn trở về chính sách phúc lợi động vật ở Việt Nam.
*PHÓNG VIÊN: Ông có quan điểm và đánh giá gì về chính sách phúc lợi động vật mà các nước châu Âu gọi là “quyền lợi” của động vật?
*PGS.TSTRẦN SÁNG TẠO: Ở nước ngoài, đặc biệt châu Âu, người ta gọi đó là “quyền lợi” của động vật. Tuy nhiên, khi vận vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, giới chuyên môn chúng tôi thống nhất gọi là “phúc lợi” động vật. Bởi đây là một vấn đề hết sức mềm dẻo, ở mỗi quốc gia họ đối xử với động vật thể hiện phúc lợi tùy theo trình độ dân trí, nhân tính, đạo đức, điều kiện ở đất nước họ.
Vấn đề ở đây là làm sao cho con vật được nuôi trong điều kiện không đau khổ, không bị bỏ đói, không “stress”, được hưởng các phúc lợi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ,… Cụ thể, nó được đảm bảo 3 yếu tố về tinh thần, thể chất và yếu tố tự nhiên.
Những yêu cầu này ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa làm được, chúng ta vẫn còn tình trạng giết mổ bằng cách lấy búa đập vào đầu con vật, cắt tiết hoặc trói buộc, đối xử với chúng rất tàn bạo trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển.
*Vì sao Việt Nam phải xây dựng chính sách “phúc lợi” động vật, đặc biệt trong ngành chăn nuôi, thưa ông?
Đương nhiên, chúng ta phải xây dựng được chính sách về phúc lợi động vật, không thể bỏ qua được. Trước xu thế hội nhập WTO, EU nếu chúng ta vẫn giữ cách chăn nuôi truyền thống, manh mún và không đặt trên “bàn cân” về phúc lợi động vật trong chăn nuôi thì rất khó để phát triển, cạnh tranh.
Chúng ta dù muốn hay không thì cũng phải thực hiện phúc lợi ở động vật. Bởi, khi chúng ta hội nhập, thì trong chăn nuôi sản phẩm của chúng ta phải đảm bảo các yêu cầu về phúc lợi động vật để được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang thị trường EU và thế giới, ngay cả với Trung Quốc…
Trong định hướng tới đây, điều kiện mang tính sống còn của ngành chăn nuôi là phải thay đổi nhận thức chăn nuôi, mở rộng quy mô, tạo chuỗi liên kết theo mô hình kinh tế mới bền vững, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách cần sớm xây dựng, ban hành chính sách về phúc lợi động vật, ngay từ bây giờ nếu không thì sẽ quá muộn. Ở các nước châu Âu, sản phẩm từ chăn nuôi đều phải đảm bảo các yêu cầu và được chứng nhận của hiệp hội phúc lợi động vật, thì mới được xuất khẩu và được bán ra thị trường.
*Phúc lợi động vật mang đến lợi ích gì cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam thưa ông?
Sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, nếu chúng ta kết hợp việc xây dựng chính sách phúc lợi động vật với mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo chuỗi liên kết vững mạnh, hiện đại thì chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Tôi xin nhấn mạnh thêm, hiện sản phẩm trong ngành chăn nuôi của chúng ta đa số chỉ xuất khẩu qua các đường tiểu ngạch, ngay cả với thị trường Trung Quốc, vì chúng ta chưa đáp ứng được các yêu cầu về chính sách, chứng chỉ về nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là chứng chỉ về phúc lợi động vật.
Khi sản phẩm của chúng ta có đầy đủ các chính sách về phúc lợi động vật thì giá cả sẽ danh chính ngôn thuận xuất qua đường chính ngạch qua các thị trường lớn ở EU với giá cả cao và ổn định, ít rủi ro. Khi ấy, nó sẽ giải quyết cho chúng ta cả về vấn đề kinh tế, lợi ích quốc gia mà còn cả về yếu tố đạo đức giữa con người với động vật, vật nuôi của mình…
* Còn khó khăn gì để đưa “phúc lợi” động vật du nhập vào Việt Nam thưa ông?
Trên thực tế, ngành chăn nuôi của chúng ta hiện vẫn đang loay hoay trong “vòng kim cô”, không thể thoát ra được, manh mún, nhỏ lẻ. Vài năm trở lại đây, có rất nhiều dự án về phúc lợi động vật về Việt Nam, tuy nhiên mãi cho đến bây giờ nó vẫn chỉ nằm ở mức dự án, không tiến xa được.
Trong giáo dục, hiện vẫn chưa có chương trình, giáo trình nào về phúc lợi động vật, chưa xem trọng, nhân rộng môn học này. Hiện, chỉ có học Viện Nông nghiệp đưa một số nội dung của phúc lợi động động vào giảng dạy cho sinh viên, học viên nhưng chỉ bó hẹp cho riêng ngành thú y. Tuy nhiên, phúc lợi động vật thì cả xã hội này đều phải biết để vận dụng, không chỉ riêng thú y.
Ngay đến những người nghiên cứu cao cấp như chúng tôi cũng rất khó khăn, khi đất nước chưa xem trọng phúc lợi động vật. Những công trình nghiên cứu của các giảng viên cao cấp, Phó Giáo sư, Giáo sư vẫn đang gặp phải rào cản không chứng được chứng chỉ phúc lợi động vật. Bởi vì, Việt Nam bây giờ vẫn chưa có hiệp hội bảo vệ phúc lợi động vật, tìm đâu ra 1 tổ chức để xin con dấu chứng nhận vật thí nghiệm của chúng tôi đã đảm bảo yêu cầu phúc lợi.
Ở đây cần nhấn mạnh rằng, các nước tiên tiến trên thế giới đặc biệt là châu Âu họ rất coi trọng yêu cầu về phúc lợi động vật, muốn công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của mình được họ duyệt thì phải có chứng nhận về phúc lợi động vật.
Tại Đại học Nông Lâm Huế, vài năm trở lại đây, chúng tôi cũng đã đưa môn học về phúc lợi động vật vào giảng dạy, tuy nhiên nó không phải bắt buộc. Các học viên, sinh viên sẽ tác động vào ngành chính sách, để thay đổi nhận thức của xã hội, tạo ra được những hoạch định, chính sách cho phúc lợi động vật. Tuy nhiên, bây giờ thì vẫn đang dở dang, chưa đâu vào đâu hết. Khó khăn lớn nhất bây giờ là giữa cán bộ ngành thú y, chăn nuôi với người dân, doanh nghiệp đến các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
*Chúng ta cần phải làm gì, chuẩn bị những gì trong thời gian tới thưa ông?
Trước mắt chúng ta phải thành lập một hiệp hội bảo vệ phúc lợi động vật, để tháo gỡ các vướng mắc cho giới chuyên môn, từ đó đi đến áp dụng thí điểm trong toàn xã hội. Vấn đề này nó mang tầm Chính phủ, không thể giao lại cho các địa phương làm được. Bởi, các hội khoa học kỹ thuật ở tuyến địa phương thì không thể nào giám sát được quá trình phúc lợi động vật.
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của người làm thú y, đối với phúc lợi động vật, họ có vai trò rất quan trọng. Họ được làm việc nhiều, có nhiều thông tin là người mang kiến thức từ “phúc lợi” động vật qua cho xã hội, người dân và các nhà hoạch định chính sách. Từ đó, họ mang những suy nghĩ của người nông dân, người chăn nuôi gửi gắm đến các nhà hoạch định chính sách, họ chính là cầu nối giữa người chăn nuôi đến với các nhà hoạch định chính sách.
Chúng ta phải thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ thú y. Người làm thú y và người làm phúc lợi động vật, cần phải đảm bảo 3 yếu tố về đạo đức, gồm: Đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội, nó tạo thành “cây sống” cho phúc lợi động vật.
Phúc lợi động vật không chỉ nằm ở phạm vi của ngành thú y, chăn nuôi mà còn là vấn đề chung của xã hội. Xã hội am hiểu và nhận thức đúng đắn thì áp dụng, triển khai nó rất dễ dàng. Còn trong giáo dục, chúng ta phải đưa bộ môn này vào áp dụng trong giảng dạy bắt buộc cho các sinh viên đại học, học viên cao học bởi nó không chỉ mang yếu tố chuyên môn mà còn mang ý nghĩa về đạo đức, vai trò của con người với động vật với tự nhiên...
*Xin cảm ơn ông!