Thời gian qua, lượng tro xỉ than thải ra do chưa được xử lý chặt chẽ, nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc. Làm thế nào để xử lý, tái sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là yêu cầu cấp bách.
Bất an với “núi” tro xỉ
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi quay trở lại bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), nơi cách đây hơn 2 năm đã từng xảy ra sự cố môi trường khiến người dân bức xúc. Bãi chứa tro xỉ than này khi mới đi vào hoạt động (cách đây khoảng 3 năm) chỉ cao từ 1-2m, thì nay khu vực này trông như một ngọn núi cao sừng sững.
Ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cho biết: “Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chính thức đi vào vận hành từ năm 2015. Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ khoảng 13.000 tấn than, sau khi đốt thải ra khoảng 4.000 tấn tro xỉ/ngày. Hiện nay, bãi chứa tro xỉ than với diện tích gần 40ha của công ty đã cao hơn 10m. Toàn bộ các công đoạn xử lý tro xỉ than của nhà máy đều được kiểm tra, xử lý an toàn, không gây ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên, gắn bó với mảnh đất Vĩnh Tân hàng chục năm nay, bà Trương Thị Thanh Hoa lo lắng: “Từ ngày bãi chứa tro xỉ than này đi vào hoạt động đã khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Trước đây, khi bãi chứa này chưa được xử lý chặt chẽ đã gây bụi cho toàn bộ các hộ dân sống gần công trình, có lúc chúng tôi phải đóng cửa để ăn cơm trong mùng mà vẫn không tránh được bụi. Nay tình trạng này đã giảm, nhưng tiếng ồn từ công trình phát ra cũng khiến người dân rất khó chịu”.
Trong khi bãi chứa tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang cao lên như một ngọn núi, hàng chục hộ dân xã Vĩnh Tân lại ngày đêm bất an, lo sợ trước việc dự án bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang gấp rút thi công, sắp đưa vào sử dụng.
Người dân 2 thôn Vĩnh Phúc và Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Tân) còn gặp phải tình trạng nhiều giếng nước bị nhiễm mặn, cây trồng chết không rõ nguyên nhân. Qua kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, kết quả phân tích hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân nơi đây đều vượt ngưỡng cho phép; hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro xỉ vượt từ 1,05 - 1,8 lần; hàm lượng tổng số muối tan ở một số nơi mặn và rất mặn.
Trước kết quả này, để đảm bảo nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân tại khu vực nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận khuyến cáo, người dân tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm gần bãi tro xỉ than.
Theo PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, không chỉ tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang bị quá tải, mà hầu hết các nhà máy nhiệt điện khác ở phía Nam cũng tương tự. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2030 sẽ lên tới 422 triệu tấn. Điều này tạo ra những thách thức về việc phải sử dụng diện tích đất khổng lồ làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế.
Lý tưởng để làm vật liệu xây dựng
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam phân tích thêm, trong tro xỉ than chứa các oxít kim loại phổ biến như: silic, nhôm, sắt, titan, magiê… Trong than Việt Nam chủ yếu chứa 3 oxít: silic, nhôm, titan. 3 oxít này chiếm đến 90% nên rất lý tưởng làm vật liệu xây dựng (VLXD), nhất là làm gạch không nung. “Đây chính là lời giải cho bài toán tro xỉ than nhiệt điện mà bao năm qua chúng ta dường như đã quên không đề cập đến”, ông Trương Duy Nghĩa nói.
Nhiều nhà khoa học chuyên ngành đều khẳng định, chất lượng cũng như giá thành của loại gạch từ tro xỉ than đều rất hiệu quả. Qua kiểm tra, phân tích, Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, tro xỉ than có kích thước rất nhỏ, dưới lực ép của máy chuyên dụng khoảng 300kg đều cho ra những viên gạch có kích thước rất chuẩn, bề mặt rất mịn, bền, chắc, phẳng.
Trong khi đó, hiện nay tro xỉ than đang được bán với mức giá rất rẻ, việc sản xuất gạch không nung lại không tốn nhiên liệu, năng suất cao, vốn đầu tư ít.
“Để đầu tư một nhà máy gạch không nung công suất 30 triệu viên/năm không quá 15 tỷ đồng, nhưng với nhà máy gạch nung công suất 10 triệu viên cần tới trên 50 tỷ đồng. Việt Nam một năm cần tới 40 tỷ viên gạch để xây dựng, mà nguồn tro xỉ nếu tính đến năm 2030 chỉ đáp ứng khoảng 12 tỷ viên. Trong khi các nước khác họ đua nhau nhập tro xỉ than về làm VLXD thì chúng ta lại đang xem nó như là một chất nguy hại”, ông Trương Duy Nghĩa cho biết.
Tuy nhiên, để giấc mơ biến chất phế thải thành vật liệu quý, không gây lãng phí nguồn tài nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang có ý định sản xuất VLXD từ tro xỉ than.
“Theo tôi, Chính phủ phải ra lệnh cấm gạch nung thì tro xỉ của các nhà máy điện sẽ được tận dụng hết như các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện hay các công ty, xí nghiệp có ý định sản xuất VLXD từ tro xỉ phải có trách nhiệm phân tích nguồn nguyên liệu này không độc hại, tạo niềm tin cho người sử dụng”.