Thay vì đấu thầu để tìm được nhà đầu tư có năng lực và có phương án đầu tư khả thi hơn, Bộ GTVT lại chọn hình thức chỉ định thầu. Bộ GTVT vin vào lý do phải chỉ định thầu do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án song lại không đưa ra được quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách. Kết quả, một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án.
Hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sẵn có hoặc nếu xây thêm đường mới cũng tìm cách bổ sung thêm việc cải tạo một vài đoạn tuyến của đường cũ. Việc này, là cái cớ cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường cũ song song với tuyến đường BOT theo kiểu “bủa vây”, không cho người dân có quyền lựa chọn.
Trong quá trình xây dựng, đa phần dự án đều không tham vấn, lấy ý kiến người dân, tổ chức dẫn đến tình trạng phản đối kéo dài; sau khi người dân bức xúc khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn giảm phí….
Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thấy Bộ GTVT chính thức lên tiếng về những sai sót này. Thậm chí, Bộ GTVT vẫn cố ngụy biện cho những sai sót của mình. Đơn cử, ở trạm thu phí giao thông Cai Lậy (Tiền Giang), bộ cho rằng đặt trạm trên quốc lộ 1 là hợp lý vì chủ đầu tư có tiến hành cải tạo, nâng cấp một số đoạn tuyến. Bất chấp người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ thông qua giá xăng, dầu…
Và quan trọng hơn nữa, tất cả những sai sót, bất cập nghiêm trọng nêu trên, không phải mới được chỉ ra trong thời gian này. Trước đó, khi xảy ra mâu thuẫn ở nhiều trạm thu phí khu vực miền Bắc, miền Trung giữa nhà đầu tư và người dân, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những điều chưa hợp lý. Thế nhưng, hầu hết đều không được Bộ GTVT phản hồi. Các dự án BOT vẫn tiếp tục được… chỉ định thầu. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục đặt trạm thu phí theo kiểu “bủa vây”. Việc thu phí cơ bản vẫn dùng hình thức thủ công, vừa làm chậm quá trình lưu thông của các phương tiện, vừa dễ gây thất thoát…
Gần đây, trả lời một số cơ quan báo chí, Bộ GTVT khẳng định sẽ xem xét xử lý một số cán bộ để xảy ra những sai sót nêu trên. Đây là quyết tâm đáng ghi nhận, song chưa đủ. Với tư cách là cơ quan chuyên môn cao nhất nước về lĩnh vực GTVT, ngoài việc tiếp thu và sửa ngay những sai sót trong thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT còn phải có trách nhiệm hoàn thiện quy trình đầu tư các dự án này. Bởi lẽ, trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho đất nước là hết sức cần thiết. Người dân đề nghị Bộ GTVT cầu thị và có trách nhiệm hơn trong việc đưa ra các chính sách thu hút đầu tư cho đất nước.