Hậu quả từ buông lỏng nội dung trên mạng

Không thể kiểm soát?

Lời xin lỗi, cam kết và cả những hành động từ ban điều hành tập đoàn công nghệ Google vẫn chưa thể vực dậy niềm tin từ các khách hàng “ruột” trong lĩnh vực quảng cáo trên YouTube. Làn sóng tẩy chay của hàng loạt doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới vẫn diễn ra. Họ thất vọng khi phát hiện các quảng cáo xuất hiện trên những video có nội dung độc hại, gây thù hận.

Tập đoàn công nghệ Google vẫn chưa thể vực dậy niềm tin từ các khách hàng



Không thể kiểm soát?

Làn sóng tẩy chay bắt đầu từ Anh, sau bài báo trên tờ Times of London cho rằng quảng cáo của những công ty Anh được hiển thị cùng các video có nội dung tiêu cực, như phân biệt chủng tộc, tuyên truyền khủng bố hoặc chủ nghĩa bài Do Thái.

Sự phản đối gay gắt của giới doanh nghiệp Anh đã khiến các chính trị gia nhập cuộc. Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd phê phán mạnh mẽ các công ty Internet vì đã hời hợt trong việc chống lại các nội dung cực đoan. Bà Rudd cho rằng, hoàn toàn không thể chấp nhận được việc những kẻ cực đoan sử dụng các hệ thống truyền tin để tránh bị kiểm soát. Google buộc phải xem xét lại các chính sách quảng cáo của mình sau khi Chính phủ Anh gia nhập nhóm các tổ chức bao gồm Guardian, BBC và Transport for London rút quảng cáo khỏi Google và YouTube. Google cũng đã được triệu tập đến văn phòng nội các.​ Một nhóm các nghị sĩ có tầm ảnh hưởng thuộc Bộ Nội vụ đã gửi thông báo đến Google, buộc tội họ kiếm lợi từ sự thù ghét do không xử lý được những phát ngôn thù địch trên các nền tảng của mình một cách thành công.​ Tại Anh, đã xuất hiện những lời kêu gọi Google hoàn tiền cho chính phủ, các nhà quảng cáo khác và giải thích chuyện này đã xảy ra như thế nào, phải làm gì để ngăn chúng tái diễn.​

Sau vụ việc, nhiều nước trên thế giới đã có những động thái tăng cường quản lý hoạt động của truyền thông xã hội. Heiko Maas, Bộ trưởng Tư pháp và Bảo vệ người dùng Đức, mới đây cho biết, sẽ đề xuất một luật với nội dung sẽ phạt các công ty truyền thông mạng xã hội số tiền lên tới 50 triệu EUR (53 triệu USD), nếu không phản ứng đủ nhanh với các phản ánh về nội dung bất hợp pháp hoặc khêu gợi thù hận. Luật này sẽ yêu cầu các công ty phát triển nền tảng mạng xã hội phải có cách tạo thuận lợi cho người dùng để phản ánh các nội dung xấu và các công ty sẽ có 24 giờ để đưa ra giải pháp giải quyết các nội dung mang tính vi phạm rõ ràng hoặc một tuần đối với các trường hợp mơ hồ hơn. Nhận định về làn sóng tẩy chay Google, không ít dư luận cho rằng, Google đang phải trả giá vì đã tỏ ra dễ dãi trong việc kiểm soát các nội dung độc hại. Trong lời xin lỗi trước công chúng, Chủ tịch khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Google,  Matt Brittin thừa nhận, Google đã đầu tư rất lớn và luôn có hàng ngàn người làm việc để đảm bảo các quảng cáo được thực hiện tốt. Nhưng Google không thể kiểm soát hết các video có thông điệp có vấn đề.  Ông Volker Berghahn, một nhà sử học về lịch sử Đức và châu Âu hiện đại tại Đại học Columbia cho rằng,  luôn có tự do ngôn luận, tuy nhiên, mọi thứ phải được hạn chế bên trong luật pháp.

Thiệt hại lớn

Chính giới nhiều nước đã lên tiếng, rồi cả các khách hàng lâu năm cũng phản ứng dữ dội khiến uy tín trong lĩnh vực quảng cáo của Google bị sụt giảm. Thống kê cho thấy, trong danh sách khoảng 250 công ty chấm dứt hợp tác với Google, thì Tesco, Toyota và Volkswagen là những thương hiệu lớn mới nhất cùng với BBC, L’Oréal, HSBC, Royal Bank của Scotland, Lloyds, Audi, Channel 4 ITV, Aviva, Heinz, McDonald’s. Các nhà phân tích của Nomura Instinet dự đoán, việc các thương hiệu cao cấp ngừng quảng cáo trên YouTube có thể đe dọa đến chiến lược kinh doanh dài hạn của Google trong tương lai. Trong tuần trước, cổ phiếu của Google giảm hơn 6%, khi các báo cáo về những nội dung quảng cáo của các thương hiệu lớn đang chạy bên cạnh các đoạn video có nội dung cực đoan trên YouTube. Điều đó có nghĩa là công ty mẹ của Google là Alphabet đã mất khoảng 39 tỷ USD vốn hóa thị trường. Theo những người chỉ trích, YouTube phân chia doanh thu quảng cáo với người dùng, có nghĩa là các công ty có nguy cơ trực tiếp tài trợ cho người tạo ra những nội dung kích động hận thù, gây nghiện ma túy hoặc khủng bố. Nói cách khác, nhiều công ty lo sợ rằng, một phần số tiền quảng cáo của họ sẽ trở thành quỹ cho các tổ chức khủng bố nguy hiểm tạo ra các video tuyển dụng hay cho những người cực đoan tuyên truyền về phân biệt chủng tộc, cũng như làm nhiều điều sai trái khác.

Theo các số liệu báo cáo gần nhất, lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh quảng cáo trên YouTube chiếm đến 7,5% tổng doanh thu của công ty, ước đạt 10,2 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, 5 trong số 20 nhà quảng cáo hàng đầu nước Mỹ gồm Verizon, AT&T, Johnson & Johnson, Pepsi… theo sau là hàng chục công ty quảng cáo khác trên khắp thế giới đã ngừng hợp đồng hợp tác với Google. Động thái này đã khiến cho chiến lược thu hút quảng cáo từ truyền hình của YouTube “đổ sông đổ bể” và có khả năng làm thất thoát của công ty khoản doanh thu khổng lồ lên đến hàng trăm triệu USD.

Google đang cố lấy lại lòng tin của các nhà quảng cáo, đặc biệt là của những thương hiệu đã từ bỏ quảng cáo trên YouTube. Google hứa hẹn sẽ đại cải tổ lại các chính sách, thuê thêm nhân viên, đặc biệt sẽ mở rộng loại nội dung bị cấm đăng trên YouTube. Năm ngoái, công ty cũng cho biết đã loại bỏ hơn 100.000 trang web từ dự trữ quảng cáo của mình và chặn các quảng cáo từ hơn 300 triệu video YouTube. Những chỉ trích hiện nay cho rằng, YouTube hiện nay đang ở vị trí không có khả năng cấu trúc lại nền tảng của họ và do dự với các phương pháp kiểm duyệt nặng tay hơn. Sự lúng túng của YouTube để đối phó với cuộc di tản của các khách hàng khiến Google và YouTube đã tính tới việc thuê người để giám sát và chặn thủ công quảng cáo bị đặt sai vị trí nhưng cách làm này vẫn chưa thể hoạt động được ở quy mô hiện tại của YouTube.


PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục