Nhiều đoạn bờ bị sóng cuốn mất
Ông Phạm Xuân Khánh (ở phường Hải Thành, TP Đồng Hới) cho biết: “Chưa năm nào tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng như thế này. Sóng to vào lúc gió mùa Đông Bắc thì nhà ở ven biển phải đối mặt hiểm họa”.
Tại xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch), bức tường bê tông chắn sóng đã bị bão số 10 giật sập nhiều đoạn hàng trăm mét, biến thành đống xà bần. Ông Nguyễn Duy Huy, Chủ tịch UBND xã Hải Trạch, cho biết: “Đoạn kè làng biển Lý Hòa được Nhà nước đầu tư xây dựng để chống xâm thực sạt lở, đưa vào sử dụng từ năm 2015, nhưng bão số 10 đã làm sạt lở hoàn toàn đoạn kè xung yếu. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ vận động bà con cùng nhau củng cố lại những vị trí đã bị sóng đánh vỡ. Song đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài phải làm lại mới hy vọng chống chọi được với sóng lớn”.
Trên đoạn đường ven biển xã Nhân Trạch (Bố Trạch), từ mấy năm trước đã có một đoạn kè kiên cố phục vụ bến cá địa phương, sau bão số 10 con đường biến mất, bến cá biến mất. Ngư dân Hồ Đại cho biết: “Kè biển ở đây rất chắc chắn, chịu được nhiều mùa mưa bão, nhưng năm nay cũng bị sóng cuốn. Mấy bữa nay có gió mùa Đông Bắc về nữa nên con đường và bến cá bị đánh sập xuống lòng biển. Nay nhà dân chỉ cách biển mấy bước chân, ai cũng rất lo lắng”.
Người dân ở các thôn Xuân Hòa, Thanh Bình, Xuân Kiều (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) cho hay, mấy năm gần đây biển xâm thực rất mạnh khiến bờ cát đã mất đi hơn 50m chiều rộng, kéo dài hàng cây số. Ông Dương Minh Hợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Xuân, lo ngại: “Tình trạng xâm thực ven biển đang ngày càng rất báo động. Ngày trước từ hàng dương ra mép biển rộng đến hơn 300m, nay còn chưa đầy 100m, có đoạn chỉ còn 50m, cứ khoảng 3 năm mất đi 50m chiều rộng bờ biển”.
Ông Đậu Thanh Minh (ở thôn Thanh Bình) dẫn chúng tôi ra bờ biển làng Thanh Bình, nói: “Biển xâm thực ngày càng mạnh như thế này, đất làng mất nhiều thế này thì rồi rừng dương phòng hộ cũng khó giữ được, nếu tiếp tục bị biển ăn đất làng thì không biết dân phải di dời đi đâu”.
Hàng loạt xã bãi ngang từ phường Quảng Phúc, Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) đến Quảng Xuân, Quảng Hưng, Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) đều bị biển xâm thực đất làng, khiến hàng vạn dân đang lo lắng bất an.
Ông Lê Quang Trung, trưởng thôn Đông Cảng (xã Cảnh Dương), cho biết: “Nước biển ngày càng ăn sâu vào gần nhà dân. Bà con phải tự tay đập bỏ nhà cũ, phá hàng rào đem gạch đá đổ ra mép biển chắn sóng. Mức nước dâng cao, toàn bộ các dãy nhà của thôn Đông Cảng, Yên Hải, Trung Vũ với trên 500 nóc nhà có nguy cơ bị sóng cuốn xuống biển”.
Tại huyện Bố Trạch, các xã bãi ngang Nhân Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch… tình trạng biển xâm lấn cũng diễn ra tương tự. Ông Nguyễn Hiều (ở xã Đức Trạch) than: “Biển xâm thực ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết, mỗi năm nước biển nuốt một phần đất, rồi sẽ chẳng còn làng mà ở”.
Cần làm kè biển để cứu dân
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, cho hay: “Tình trạng sạt lở bờ biển và xói lở đê kè tại các vùng ven biển tỉnh Quảng Bình ngày càng trầm trọng, gây đảo lộn đời sống và sản xuất của người dân. Chính quyền và các ngành chức năng liên quan ở Quảng Bình đã khảo sát, tìm phương án khắc phục. Trước mắt, địa phương động viên, hỗ trợ người dân chủ động di dời trong những tình huống nguy cấp. Về lâu dài, Chính phủ cần có dự án cấp bách hỗ trợ xây tuyến đê biển xung yếu kéo dài từ Quảng Đông vào đến thành phố Đồng Hới, để đảm bảo hàng chục cây số bờ biển không bị mất đất dẫn đến mất làng.
Ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết: “Vào khoảng năm 1990, Bộ Nông nghiệp đã cử cán bộ chuyên môn vào xã Cảnh Dương khảo sát đê biển. Tuy nhiên, đề án lập ra gặp khó khăn về nguồn kinh phí, buộc phải dừng lại. Năm 2011, trước tình trạng biển xâm thực mạnh, người dân và chính quyền xã Cảnh Dương đã cùng góp kinh phí mời các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát, lập dự toán làm đê biển, nhưng với chi phí làm đê biển đến 80 tỷ đồng, sức dân làng có hạn nên không thể làm được gì, địa phương trình lên trên nhưng đến nay không có hồi âm”.
Ông Dương Minh Hợi (ở xã Quảng Xuân) đề xuất: “Chỉ còn cách làm kè biển hoặc đê biển dài hàng chục cây số mới có khả năng bảo toàn được bờ biển các xã ven biển từ huyện Quảng Trạch đến thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, một phần bờ biển thành phố Đồng Hới. Địa phương rất khó khăn về kinh phí, cần có sự vào cuộc của Chính phủ mới cứu được các xã bãi ngang đang bị biển xâm thực nặng nề. Việc cứu đất, cứu làng, cứu dân lúc này đang hết sức cấp bách”.