Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, kết quả khảo sát ban đầu có 112/346 khu đất sử dụng không đúng như báo cáo, đem cho thuê lại hoặc bỏ trống nhưng vẫn kê khai là đất đang sử dụng vào mục đích hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Ngày 29-5, đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM đã có buổi giám sát tại Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM về tình hình quản lý sử dụng nhà đất công trên địa bàn TP.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trong tổng số gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn, TP đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà, đất; các đơn vị tiếp tục sử dụng là hơn 6.500 địa chỉ; đối với 197 mặt bằng phải thu hồi thì hiện còn 28 mặt bằng chưa được thu hồi.
Trong hơn 1.500 mặt bằng bán đấu giá, mới chuyển nhượng được 624 trường hợp, thu về ngân sách gần 7.800 tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn lực từ nhà, đất công (chưa tính các địa chỉ nhà, đất do Trung ương quản lý) rất lớn nhưng việc sắp xếp sử dụng để phát huy, khai thác hiệu quả còn chậm; đặc biệt nhiều trường hợp đã được xử lý, sắp xếp nhưng chưa đưa đất vào khai thác sử dụng đúng quy hoạch, mục đích và chức năng.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý đất cho biết, tháng 4-2018 sở đã thành lập tổ công tác khảo sát các khu đất tại 10 tổng công ty và công ty cần khảo sát, như Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV và Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Bò sữa, Công ty Cây trồng… Kết quả ban đầu, có 112/346 khu đất sử dụng không đúng như báo cáo, đem cho thuê lại hoặc bỏ trống nhưng vẫn kê khai là đất đang sử dụng vào mục đích hoạt động kinh doanh của đơn vị. 7 công ty còn lại đang được Trung tâm phát triển quỹ đất tiếp tục khảo sát, dự kiến giữa tháng 6 tới sẽ có kết quả.
Đối với việc thanh tra, hai năm 2016-2017, Thanh tra TP và Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra việc sử dụng đất của các công ty, tổng công ty nhà nước. Kết quả là phát hiện 99 mặt bằng sai phạm, đã xử phạt, kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách nhà nước hơn 11,4 tỷ đồng.
“Qua công tác thanh tra, kiểm tra Sở Tài nguyên - Môi trường nhận thấy để sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý được sử dụng chặt chẽ, hiệu quả cần thực hiện đúng theo Nghị định 167 mà Chính phủ đã ban hành thay thế quy định trước đây. Đối với các trường hợp để đất trống, không sử dụng hoặc sử dụng đất sai mục đích, cương quyết thu hồi và thực hiện bán đấu giá; chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, chủ đầu tư có năng lực, có nhu cầu và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, kiến nghị.
Tại buổi giám sát, đối với các chất vấn của đoàn đại biểu HĐND TP, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường xin hoãn trả lời, hẹn chậm nhất trong 10 ngày tới sẽ có báo cáo giải trình hoàn chỉnh về việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn TPHCM.
LƯƠNG THIỆN