Gốc rễ của bạo lực

Bóng đá Việt Nam lại vừa tự làm xấu mặt mình khi hình ảnh đánh người của cầu thủ Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC) trong trận đấu với CLB Ceres của Philippines trong khuôn khổ AFC Cup được truyền hình trực tiếp đến nhiều nước trên thế giới.

Đây không phải là lần đầu mà các hình ảnh đầy bạo lực của bóng đá Việt được thế giới biết đến.

Nguyên nhân dẫn đến hành động đáng trách của Hoàng Vũ Samson đang được điều tra, tuy nhiên kể cả khi các cầu thủ của Philippines có những lời lẽ phân biệt chủng tộc, thì nó chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể cảm thông cho những hành vi bạo lực. Trước khi tung những cú đấm đầy thù hằn vào thẳng mặt đối phương như một võ sĩ quyền Anh, Hoàng Vũ Samson đã húc đầu vào mặt một cầu thủ khác. Những hành động liên tiếp như vậy không đơn thuần chỉ là bộc phát tức giận nếu chúng ta biết đến “hồ sơ bạo lực” của cầu thủ gốc Nigeria này. Về “khả năng” chơi xấu, Samson là nhân vật chính của pha giẫm chân rợn người vào mặt trung vệ Huy Hoàng (SLNA) hồi năm 2012, hay cú vào bóng thô bạo đối với cầu thủ trẻ Ngọc Quang (HA.GL) mới đây. Về “khả năng” đánh nhau, tiền đạo này là tác giả của màn loạn đả trên sân Hải Phòng tại V-League 2014. Từ khi đến Việt Nam chơi bóng cách đây 10 năm, dù chỉ trải qua 8 mùa giải thi đấu nhưng các án treo giò dành cho Samson cộng lại cũng đã gần đủ một mùa bóng (20 trận) chưa kể bị cấm thi đấu 6 tháng do đánh trọng tài lúc mới sang Việt Nam.

Điều đáng nói là hồi năm 2011, Samson từng được CLB nổi tiếng của Tây Ban Nha là Atletico chiêu mộ. Dù việc chuyển nhượng không thành, nhưng có thể nói đây là một cầu thủ tài năng qua việc anh đang là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất của lịch sử V-Lague với 2 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới. Vấn đề là cái tài của Samson cũng đi đôi với những tật xấu ngày một nhiều hơn và đỉnh điểm là hình ảnh xấu tại AFC Cup vừa qua. HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa đã từng kết luận: “Các cầu thủ ngoại khi đến Việt Nam đều rất ngoan, nhưng họ càng ở lâu thì càng sinh hư, không thể kiểm soát được. Đừng vội trách họ mà hãy xem lại môi trường của bóng đá Việt Nam”. Không chỉ có Samson, bóng đá Việt cũng từng chứng kiến nhiều ngoại binh “càng đá càng hư” như Tymothy, Papa Omar, Gaston Merlo…

Không chỉ là vấn đề bạo lực, các vấn đề về trọng tài hiện nay cũng được xem là có nguồn gốc từ môi trường không tốt của V-League. Không phải mọi sự cố trọng tài vừa qua đều đến từ cái sai chuyên môn của người cầm còi, thế nhưng cách phản ứng của các cầu thủ cũng như lãnh đạo đội bóng thì đều như nhau. Trọng tài trở thành lý do gần như duy nhất để các CLB đổ lỗi cho những thất bại của mình nên không có vòng đấu nào lại không có phản ứng với trọng tài, dù ai cũng biết trọng tài cũng chỉ là con người và các sai sót về lỗi nhận định luôn tồn tại dù ở đẳng cấp nào đi nữa.

Nhưng cho đến nay, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam chủ yếu xử lý theo kiểu trừng phạt các hành vi bạo lực hay sai sót trọng tài mà ít khi nhìn thẳng vào sự thật: Môi trường bóng đá Việt Nam đang hư hỏng nghiêm trọng và thật khó có những trọng tài giỏi nếu như những sai sót của họ luôn bị phản ứng dữ dội, bị soi mói nặng nề qua từng vòng đấu. Dù bản lĩnh đến mấy, trong một môi trường như vậy, trọng tài cũng khó giữ vững được tâm lý của mình khi cầm còi. Cũng sẽ khó có những cầu thủ giỏi nếu như thay vì trình diễn tài nghệ trên sân, họ phải mất nhiều thời gian để tìm cách né tránh các pha bóng thô bạo, dần dà rồi cũng sẽ nghĩ đến cách trả đũa - tài năng vì thế cũng thui chột dần.

Và với một môi trường bạo lực cũng như nhiều ngờ vực như vậy thì khi ra thi đấu ở nước ngoài, các cầu thủ cũng như CLB Việt Nam trước sau cũng sẽ dở thói quen của mình ra, mang tiếng xấu cho cả nền bóng đá.  

Tin cùng chuyên mục