Giữ cho được khu rừng ngập mặn ở Phan Thiết

Tại TP Phan Thiết có một quần thể rừng ngập mặn còn sót lại trong lòng thành phố nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung. Khu vực này vốn được quy hoạch là khu công viên, cây xanh, thể thao, nhưng sau đó lại được điều chỉnh thành khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và công viên. Nếu dự án này được triển khai thì khu rừng ngập mặn hiếm hoi, độc đáo của tỉnh Bình Thuận sẽ biến mất.
Khu rừng ngập mặn còn sót lại của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Khu rừng ngập mặn còn sót lại của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Chắn gió, chống xói lở

Quần thể rừng ngập mặn của TP Phan Thiết có diện tích khoảng hơn 32ha, được phân bố ở bờ Nam kênh thoát lũ, thuộc ranh giới giữa 3 phường Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài. Ông Nguyễn Văn Thái (ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết) kể: “Từ xưa, ở hai bên bờ sông Cầu Ké, các loại cây như mắm, bần, đước đã mọc um tùm. Cách đây khoảng hơn 15 năm, khi nghề nuôi tôm phát triển, người dân địa phương tự ý đào ao để nuôi tôm. Tuy nhiên, sau này nghề nuôi tôm thất bại, người dân bỏ nghề và cũng từ đó đến nay, cây cối và các loài sinh vật phát triển rất mạnh, tạo nên một khu rừng ngập mặn tuyệt đẹp”.

Cũng theo người dân địa phương, khu rừng ngập mặn nói trên đã phục hồi, sinh trưởng rất nhanh; nhiều loại cây cao 3-4m, có những cây 5-6m, tán rộng và dày. Hiện nay, nhiều loại chim, cò đã về trú ngụ tạo nên một không gian độc đáo giữa lòng thành phố du lịch nổi tiếng của cả nước. Ông Phạm Công Thái (ngụ phường Thanh Hải) cho biết: “Do có những con lạch nhỏ, tôm, cá nhiều nên thời gian gần đây, cò tập trung về khu rừng trú ngụ và kiếm ăn. Nhiều khi chúng bay về rất đông, có khi cả ngàn con, tạo nên một khung cảnh yên bình”. 

Không chỉ có hệ sinh thái phong phú, khu rừng ngập mặn của TP Phan Thiết còn có chức năng quan trọng như nạp và điều tiết nước ngầm, điều hòa sinh thái và khí hậu, sản xuất sinh khối, hạn chế lũ lụt, chắn gió, chống xói lở… Khu vực này còn là nơi trú ngụ của hàng chục loài tôm, cá, ốc và các loài nhuyễn thể. Trong đó, cò, tôm đất và nghêu xanh được xem là những loài đặc trưng của khu rừng.

Không nhất thiết phải đánh đổi

Theo UBND TP Phan Thiết, khu vực này vốn được quy hoạch là “Khu công viên, cây xanh, thể thao”. Tuy nhiên, sau đó được điều chỉnh thành khu dân cư, khu thương mại dịch vụ (khoảng 12ha) và công viên (khoảng 18ha). Trong đó, sẽ đấu giá diện tích 12ha để lấy tiền xây dựng công viên. Nhiều người dân khi biết thông tin này đã tỏ ra hụt hẫng. “Nếu dự án được triển khai thì TP Phan Thiết sẽ mất đi một khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi. Đây là mất mát lớn mà sau này có tiền cũng không thể tạo ra được”, ông Thái chia sẻ.

Mới đây, trong chuyến khảo sát và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu dân cư kết hợp công viên tại khu rừng ngập mặn trên. Việc đấu giá một phần khu đất này để làm khu dân cư sẽ khiến TP Phan Thiết mất đi một khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại. Giữ lại và bảo tồn khu rừng ngập mặn là sẽ giữ lại được tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể tái tạo. Sau này, khi có điều kiện, sẽ thực hiện chỉnh trang, đầu tư hệ thống đường đi xung quanh và dưới tán rừng, chỉnh trang hai bên bờ sông, tạo ra một khu sinh thái đẹp giữa lòng TP Phan Thiết, ngay bên tuyến đường chính đi ra Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Nhiều người dân địa phương cũng cho rằng, nếu được giữ lại, nơi đây hứa hẹn sẽ là một điểm đến độc đáo của du lịch Bình Thuận. Đồng thời, địa phương sẽ có thêm một khu công viên tự nhiên, du lịch sinh thái cộng đồng; góp phần giáo dục cho học sinh, sinh viên, người dân về ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên… Quần thể rừng ngập mặn còn là nơi phục vụ hoạt động nghiên cứu, tham quan, dã ngoại. Ở một số địa phương, rừng ngập mặn được bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị của nó, trở thành điểm tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học. 

“Tỉnh Bình Thuận còn khó khăn, cần nguồn lực để phát triển. Đổi đất đai lấy hạ tầng là một trong những việc phải làm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những khu đất khác để đưa ra đấu giá, làm khu dân cư, thương mại, dịch vụ, không nhất thiết phải lấy khu rừng ngập mặn quý giá này”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận  Dương Văn An nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục