Hội thảo với nội dung xây dựng thương hiệu cá nhân, hỗ trợ cho đời sống vận động viên (VĐV) đỉnh cao vừa được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số VĐV Việt Nam đạt thành tích ở đẳng cấp thế giới ngày một nhiều hơn. Tầm ảnh hưởng của họ đối với thế hệ trẻ cũng như một vài khía cạnh trong đời sống cũng lớn hơn. Các câu chuyện về nỗ lực tập luyện của họ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Thế nhưng, các VĐV vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã từng đối diện với một hoàn cảnh khó xử sau kỳ tích HCV Olympic 2016, khi mà những thông tin về tiền thưởng được loan báo lên đến vài tỷ đồng, trong khi thực tế anh chỉ nhận vài trăm triệu kèm ít hợp đồng quảng cáo ngắn hạn. Nhà vô địch Olympic hiện vẫn đang thi đấu, vẫn có thành tích nhưng thu nhập chủ yếu đến từ lương của nghành quân đội. Hoặc câu chuyện về nhà vô địch châu Á môn thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh sau khi giải nghệ lại xuất hiện trong một phim quảng cáo về… cà phê. Hay như tay vợt Nguyễn Tiến Minh, từng vươn đến hạng 7 thế giới, nhưng ước mơ thành lập một học viện cầu lông mang tên mình vẫn còn dang dở…
Những điển hình nói trên cho thấy cách ứng xử với những thành tích đặc biệt của ngành thể thao dường như chỉ dừng lại ở mức… thưởng bằng tiền ngân sách. Tức là chúng ta vẫn đánh giá theo tầm nhìn hạn hẹp, khu biệt trong lĩnh vực của mình, gần như không có sự kết nối với đời sống xã hội. Phải đến khi đội tuyển U.23 Việt Nam tạo được kỳ tích tại giải châu Á, vấn đề xây dựng thương hiệu cá nhân cho VĐV thể thao mới được “đánh thức”. Tất nhiên, cũng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp ngoài xã hội chứ không phải tự bản thân của người làm thể thao.
Trong khi đó, thương hiệu cá nhân trong thể thao đỉnh cao đôi khi vượt cả giá trị cho một tập thể. Một cầu thủ bóng đá có thương hiệu cá nhân tốt còn đem lại giá trị cho đội bóng mà anh ta khoác áo. Không chỉ có thu nhập từ quảng cáo, tài trợ, một VĐV được nhiều người biết đến còn được quyền đàm phán mức lương và tiền thưởng bởi chính những giá trị mà họ đem lại cho đơn vị sở hữu mình. Đa phần những thu nhập nói trên đều đến từ thời gian thi đấu đỉnh cao của VĐV, vốn khá ngắn ngủi.
Rất tiếc, điều tưởng hiển nhiên ấy chính là thiệt thòi lớn nhất của VĐV Việt Nam. Nếu có VĐV nào kiếm được thu nhập ngoài lương, thưởng thì chủ yếu là do họ tự vận động hoặc do chính các thương hiệu, sản phẩm tự tìm đến. Số người làm được việc này cũng rất ít. Do đặc thù của thể thao Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp, VĐV chỉ biết tập và thi đấu, không ai hỗ trợ họ trong việc phát triển hình ảnh cá nhân. Như trường hợp của “kình ngư” Ánh Viên, chỉ biết tập và tập ở bên Mỹ, thời gian dành cho cá nhân còn chưa có.
Ban đầu, trách nhiệm này được cho là thuộc về các liên đoàn thể thao, nơi có mối quan hệ xã hội tốt hơn. Thế nhưng khi chính các tổ chức xã hội nghề nghiệp này cũng đang bế tắc định hướng phát triển, bộ máy lãnh đạo chịu sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, thì các VĐV lại càng “bơ vơ”.
Đành rằng, việc phát triển một thương hiệu cá nhân chủ yếu đem lại lợi ích cho VĐV, nhưng xét trên toàn cục, chính nền thể thao mới là nơi nhận được lợi ích nhiều nhất. Một VĐV có thương hiệu tốt, tầm ảnh hưởng lớn thì bản thân họ càng phải nỗ lực giữ gìn hình ảnh trong tập luyện, thi đấu, thậm chí tự bỏ tiền túi để đầu tư (ví dụ như đăng ký tham gia các giải quốc tế). Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ vừa tiết kiệm trong việc đầu tư cho chính VĐV đó, vừa không tốn chi phí cho công tác quảng bá các môn thể thao, thu hút thêm nhiều người tham gia tập luyện. Đấy là chưa nói đến những yếu tố tích cực về mặt lối sống, đạo đức trong xã hội.
YẾN PHƯƠNG