Gìn giữ môi trường biển

Biển là cái nôi của sự sống và sẽ mãi mãi là yếu tố sống còn đối với nhân loại. Môi trường biển trong sạch là di sản quý giá mà chúng ta phải gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Trong khi công tác đền bù cho bà con ngư dân các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển do hoạt động xả thải trái phép của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vẫn chưa hoàn tất, dư luận không khỏi lo lắng vì thông tin Ban quản lý nhiệt điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng của Quảng Bình đề nghị được đổ 3,5 triệu m³ chất thải trên bờ và vùng biển thuộc địa phương này. Quảng Bình là một trong 4 tỉnh ven biển đã phải chịu những thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong vụ việc Formosa.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tháng 11-2016, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m³ chất thải xuống biển Bình Thuận, sát với khu bảo tồn biển Hòn Cau. Lý do mà công ty này đưa ra là đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền phải có diện tích lớn, đồng thời có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường (?); không đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội. Dù không có chuyên môn sâu, người dân cũng có thể đặt câu hỏi, vì sao sợ đổ chất thải trên đất liền gây ô nhiễm, doanh nghiệp lại đề nghị được “nhấn chìm” xuống biển? Phải chăng chỉ là để khuất mắt trông coi, bất chấp những hậu họa khôn lường? Ngay tại thời điểm đó, lời đề nghị có thể gọi là khiếm nhã này đã khởi lên một loạt những tranh luận thẳng thắn về tác động của các nhà máy nhiệt điện than tới sức khỏe môi trường nói riêng, cũng như hoạt động xả thải vào lòng biển, nói chung.

Theo TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tác động dưới nước ít được quan tâm, vì rất khó nhận biết. Tuy nhiên, chỉ một chi tiết nhỏ là nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện khi thải ra môi trường biển cũng đã làm tăng nhiệt độ nước biển, ảnh hưởng đến đời sống của các loài sinh vật biển trong khu vực, chưa nói đến việc đánh chìm hàng triệu mét khối đất đá và chưa tính toán hết các trường hợp xảy ra sự cố. Nhiều chuyên gia quốc tế đã khuyến nghị, là quốc gia đang phát triển với nhu cầu năng lượng rất lớn, việc xây dựng các nhà máy điện là cần thiết, nhưng phải cân nhắc các chi phí môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Richard Bale, Tổng lãnh sự Canada tại TPHCM khuyến cáo.

Quay trở lại với 3,5 triệu m³ chất thải tại Quảng Bình. Được hỏi về trường hợp này, ông Đỗ Thanh Bái, một chuyên gia hàng đầu về độc học môi trường nhận định, về nguyên tắc, khi cân nhắc quyết định có “nhận chìm” chất thải xuống biển hay không cần phải làm rõ đó là loại chất thải nào, tác động như thế nào đến hệ thủy sinh và thủy văn của khu vực. “Nếu đó là bùn trầm tích xuất phát từ hoạt động nạo vét một khu vực biển này đổ sang khu vực biển khác thì có thể xem xét; còn nếu là chất thải rắn do hoạt động xây dựng ở trên bờ thì nhìn chung tôi cho là rất không nên”, ông Bái bày tỏ quan điểm. Theo chuyên gia này, cần có báo cáo riêng đánh giá tác động của việc “nhận chìm” chất thải, cũng như cần có hội đồng khoa học để xem xét nghiêm túc, toàn diện khả năng này. “Mà 3,5 triệu m³ là một con số không hề nhỏ”, chuyên gia này nhấn mạnh.  

Câu chuyện các nhà máy nhiệt điện “xin đổ chất thải ra biển” sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Ước tính, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than; phần lớn được xây dựng ở khu vực ven biển, kéo theo một số lượng tương ứng các cảng biển cần được xây dựng để vận chuyển than phục vụ vận hành nhà máy. Đó là chưa kể lượng xỉ than lớn sẽ phát sinh mà cho đến nay chưa có giải pháp tận dụng, tái chế có hiệu quả. Tình trạng này đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, đời sống và sinh kế của người dân trong khu vực. Thiệt hại mà hành vi xả thải vào lòng biển có thể gây ra là vô cùng to lớn. Cho đến nay, ở vụ việc Formosa, các tỉnh đã phê duyệt đền bù giá trị thiệt hại với tổng số tiền 4.528,52 tỷ đồng. Mà đây mới chỉ là những thiệt hại cân đong đo đếm được.

Biển là cái nôi của sự sống và sẽ mãi mãi là yếu tố sống còn đối với nhân loại. Môi trường biển trong sạch là di sản quý giá mà chúng ta phải gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Tin cùng chuyên mục