Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

Từ 13g30 ngày 3-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp và thông tin về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vốn được người dân quan tâm.
Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

Giao lưu trực tuyến

Từ 13g30 ngày 3-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp và thông tin về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vốn được người dân quan tâm. 

Đồng chí Nguyễn Thành Lợi - Phó tổng Biên tập Báo SGGP tặng hoa cho khách mời. Ảnh Cao Thăng

Đến tham gia buổi giao lưu có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, Sở Công Thương TPHCM, Chi cục Bảo vệ thực vật TP, Chi cục Thú y TP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), Vissan, chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Hóc Môn…

Khách mời tham gia trả lời câu hỏi từ bạn đọc Báo SGGP. Ảnh Cao Thăng

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

Đặng Văn Bảy - Củ Chi, TPHCM:

- TPHCM có chủ trương đến hết năm 2017 gia súc và gia cầm phải được giết mổ công nghiệp, thay vì tập trung nhưng vẫn còn bán thủ công như hiện nay. Mục đích của việc này là gì? Điều quan ngại của không ít người là tình trạng nhiều lò giết mổ tập trung, ở các địa phương khác gặp khó khăn khi tình trạng giết mổ lậu vẫn tồn tại?

Th.S Huỳnh Tấn Phát - Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM:

- Ngày 25-4-2016, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 2032/QĐ-UBND phê duyệt phương án quy hoạch cơ sở giết mổ (CSGM) trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng 2025 nhằm mục đích:

- Di dời các cơ sở giết mổ hiện hữu nằm trong khu vực dân cư, các CSGM này hoạt động với hình thức bán công nghiệp, việc tồn tại các CSGM này đã ảnh hưởng nhất định đến môi trường sống của cư dân trong khu vực.

- Xây dựng đưa vào hoạt động các CSGM công nghiệp đảm bảo việc xử lý môi trường và ATTP cho người tiêu dùng, có điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát về ATTP như GMP, HACCP, gắn hoạt động giết mổ và công nghiệp chế biến sản phẩm động vật làm tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi, về lâu dài sản phẩm thịt được giết mổ công nghiệp có thể hướng đến thị trường xuất khẩu.

Đối với TPHCM, cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương tương đối chặt chẽ trong việc kiểm soát giết mổ, đã thực hiện tốt việc tập trung giết mổ trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ xây dựng CSGM có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giết mổ, đã thực hiện cam kết về tiến độ triển khai nên đảm bảo tính khả thi khi thực hiện chủ trương của thành phố.

Nguyễn Mười - Quận 3, TPHCM:

- Vissan và De Heus Fresh Studio (Hà Lan) liên kết hình thành chuỗi cung ứng thịt heo an toàn khép kín. Ông cho biết việc này thực hiện như thế nào?

Ông Văn Đức Mười - Tổng GĐ Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN):

Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm? ảnh 4

VISSAN đã ký kết với De Hues Fresh Studio Hà Lan trong liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc, công việc này đang tiến triển tốt đẹp. Cụ thể De Hues sẽ cung cấp thức ăn chăn nuôi có kiểm soát và theo dõi dịch vụ thú y, theo đúng quy trình chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi. Quy trình này được thú y địa phương và thú y cơ sở kiểm soát và hỗ trợ, đến khi heo xuất chuồng, VISSAN  sẽ tiếp nhận mua lại theo giá thị trường (người chăn nuôi có lãi) đưa về giết mổ tại nhà máy công nghiệp VISSAN . Chương trình hợp tác sẽ từng bước phát triển mở rộng số lượng chăn nuôi để đảm bảo nguồn heo giết mổ được kiểm soát an toàn. 

Hoàng Văn Mỹ - Quận 4, TPHCM:

 Xin cho biết, hiện nay lượng rau quả do ngoại thành và vùng ven TPHCM sản xuất đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu tiêu dùng của người dân TP? Chi cục BVTV cho biết quy trình kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả ở các chợ đầu mối và kết quả trong thời gian qua như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa - Phòng Quản lý ATTP, Chi  cục BVTV TPHCM:

Lượng rau, củ, quả do ngoại thành TPHCM sản xuất đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.

Tại 3 chợ đầu mối nông sản của TPHCM, Chi cục cùng ban quản lý chợ thường xuyên tổ chức công tác quản lý ATTP như tuyên truyền, phố biến qui định về ATTP, hướng dẫn và kiểm tra việc tuân thủ điều kiện đảm bảo ATTP trong sơ chế - kinh doanh rau... Hàng tháng Chi cục BVTV ban hành các quyết định thanh tra chấp hành pháp luật về ATTP và không báo trước cho thương nhân việc thanh tra và lấy mẫu rau quả đang kinh doanh kiểm tra các chỉ tiêu ATTP.

Kết quả đến ngày 16-5-2016, Chi cục BVTV đã thanh tra 176 vựa và lấy 187 mẫu rau, quả trái cây kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Kết quả 167 /189 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc BVTV và chỉ có 5/169 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa. 

Trần Thiện Thanh -  65 tuổi -  Đường Tô Hiến Thành, Quận 10, TPHCM:

- Chúng tôi xin được hỏi lãnh đạo Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) về việc có thể sử dụng máy đo ATTP, rao bán tràn lan trên mạng, để kiểm tra rau củ, thịt… hàng ngày cho việc ăn uống của gia đình? Liệu loại máy này có đáng tin cậy, mức độ chính xác đến đâu?

Ông Hoàng Lâm – Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3):

Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm? ảnh 5

Vấn đề vệ sinh ATTP trở thành mối quan tâm của cả xã hội và mỗi gia đình. Vì vậy, việc xuất hiện máy đo ATTP rao bán tràn lan trên mạng, để kiểm tra rau củ, thịt… cũng là một xu hướng nhằm vào mối lo ngại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để một thiết bị đo có thể cho kết quả có độ tin cậy chấp nhận được, đòi hỏi nhiều điều kiện như: về chỉ tiêu cần xác định, ngưỡng phát hiện thích hợp, điều kiện duy trì khả năng đo lường, được kiểm tra hiệu chuẩn định kỳ, được đánh giá xem xét có cơ sở khoa học và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.

Tuy nhiên, có thể nói hầu hết các thiết bị được rao bán trên mạng đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các thông tin cung cấp kèm theo tính năng kỹ thuật đều thiếu cơ sở khoa học. Nhiều nhà cung cấp còn kèm theo kết quả thử nghiệm hay chứng nhận để thuyết phục người tiêu dùng. Tuy nhiên, các kết quả này phần lớn không có giá trị xác nhận khả năng phát hiện hay xử lý độc tố của thiết bị, do chỉ là kết quả thử nghiệm trên mẫu thiết bị trong điều kiện cụ thể chưa đầy đủ tính khoa học, khả năng phát hiện độc tố và độ tin cậy như được quảng cáo còn nhiều dấu hỏi và chưa được kiểm chứng. Cho đến nay, theo chúng tôi được biết thì chưa có loại thiết bị nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. Vì vậy, tốt hơn hết người tiêu dùng cần thận trọng trong việc quyết định mua các loại thiết bị này, để tránh tình trạng tốn kém.

Hoàng Văn Mỹ - Quận 4, TPHCM:

- Xin cho tôi được hỏi vấn nạn ATTP tại các chợ bán lẻ, nhất là chợ tự phát có được kiểm soát chặt chẽ không?

Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý ATTP, Chi cục BVTV TPHCM:

Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm? ảnh 6

Rau quả được tiêu thụ trên thị trường TPHCM (kể cả tại chợ bán lẻ, chợ tự phát) chủ yếu do ngoại thành/vùng ven TPHCM sản xuất (chiếm 20-30% nhu cầu) và từ 3 chợ đầu mối nông sản của TPHCM (chiếm 70-80% nhu cầu).

Đối với vùng rau của TP, ngành nông nghiệp TPHCM đã kiểm tra chất lượng đất, chất lượng nước, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn - kết hợp ký cam kết sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, định kỳ/đột xuất tổ chức thanh, kiểm tra việc mua bán thuốc BVTV , sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng và tổ chức thanh tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện đảm bảo ATTP, kết hợp lấy mẫu rau kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP.

Trái cây tại chợ bán lẻ

Lê Bá Huy - Quận 6, TPHCM:

- Lượng rau quả và thịt động vật của TPHCM chỉ mới cung ứng khoảng 30% tổng nhu cầu hàng ngày của người dân TP. Vậy lượng còn lại ngành nông nghiệp đã và sẽ làm gì để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn?

Ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng QLCL Nông lâm thủy sản Sở NNPTNT TPHCM:

- Nguồn hàng nông sản nhập về TPHCM gần như thông qua 3 chợ đầu mối. Tại 3 chợ đầu mối các chi cục thú y, chi cục BVTV, chi cục thủy sản phối hợp với ban quản lý chợ kiểm tra giám sát thường xuyên đối với rau củ quả có nguy cơ cao về dư lượng thuốc BVTV; kiểm tra nhanh hàng thủy sản, kiểm tra hành chính về thú y đối với nguồn thịt đã được nhập về từ các tỉnh do chi cục thú y các tỉnh cấp giấy kiểm dịch đồng thời lấy mẫu kiểm tra chất cấm, nhiễm vi sinh vật.

Các đơn vị chức năng của Sở NNPTNT đã ký kết liên tịch với các tỉnh thường xuyên kiểm tra nguồn hàng và truy xuất nguồn gốc khi phát hiện sản phẩm không an toàn để có biện pháp xử lý ngay từ gốc. Ngoài ra hiện nay Sở NNPTNT phối hợp Sở Y tế, Sở Công thương triển khai thí điểm quản lý nông sản theo chuỗi ATTP từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Phan Ngọc Diễm  - Chung cư Ấn Quang, Q.10, TPHCM:

- Gần đây lực lượng QLTT TPHCM liên tiếp phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến việc sang chiết hóa chất tràn lan, hàng quá hạn sử dụng… Chẳng hạn như vụ sang chiết hóa chất, hương liệu vừa bị bắt tại chợ Kim Biên (quận 5); hay vụ phát hiện hơn 100 tấn bột mì dành cho người quá hạn dùng bị thay nhãn mác. Rõ ràng, nếu số hàng này bị tuồn ra thị trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Các trường hợp vi phạm này, người kinh doanh và hàng hóa bị xử phạt ra sao ?

Ông Nguyễn Trung Bính - Chi Cục phó Chi Cục QLTT TPHCM:

Hoá chất là mặt hàng nhạy cảm đang được dư luận quan tâm nên Chi Cục QLTT tập trung triển khai kiểm tra các điểm kinh doanh hoá chất trên địa bàn TP, trong đó có kiểm tra tại khu vực chợ Kim Biên Q.5. Qua kiểm tra có nhiều trường hợp vi phạm hàng hoá không nhãn mác, không có hoá đơn chứng từ chủ yếu là hàng nhập lậu đã được sang chiết ra gói nhỏ, bình nhựa...

Đây là loại hàng hoá không có xuất xứ, hàng nhập lậu được xử lý phạt tiền và buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm theo quy định 185/2013/TTg-CP của Chính phủ. Cũng như vụ 100 tấn bột mì quá hạn sử dụng mà bạn đọc đề cập cũng bị xử phạt tiền và buộc tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.

  Vương V. An -  Quận 1, TPHCM:

- Sơ kết 5 năm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP HCM cho biết tỷ lệ mẫu vi phạm tồn dư kháng sinh ở sản phẩm động vật vẫn ở mức cao. Năm 2014, tỷ lệ này chiếm 17,76% và tăng lên 39,62% trong năm 2015. Có thể nói rõ hơn những con số này?

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM:

Nhằm kiểm soát đánh giá tình hình tồn dư kháng sinh trên sản phẩm động vật, hàng năm Chi cục Thú y có lấy mẫu thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường để kiểm tra. Kết quả khảo sát năm 2014 tỷ lệ tồn dư trong sản phẩm thịt là 17,67%, năm 2015 là 39.62%. Tỷ lệ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm động vật trong năm 2015 có tăng so với những năm trước do Chi cục Thú y tập trung khảo sát, đánh giá trên các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao (Kết quả này không phản ảnh mức độ tồn dư kháng sinh bình quân trên sản phẩm động vật lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn thành phố).

Nhóm sản phẩm có nguy cơ cao chủ yếu là thịt gà đẻ thải loại, gà thịt nuôi công nghiệp. Để chấn chỉnh tình hình này, Chi cục Thú y đã thực hiện các giải pháp: Đối với các trường hợp mẫu dương tính có nguồn gốc chăn nuôi tại các tỉnh, Chi cục Thú y có thông tin phản hồi cho Chi cục Thú y địa phương để có biện pháp chấn chỉnh. Chi cục Thú y cũng đã biên soạn các tài liệu hướng dẫn cho người chăn nuôi việc sử dụng kháng sinh và thời gian ngưng thuốc trước khi xuất bán sản phẩm, tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi về sử dụng kháng sinh có hiệu quả, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh kháng sinh ngoài danh mục, không được phép sử dung...  

Nguyễn Minh Trung  - Quận 1, TPHCM

- Xin cho biết, sau một tháng triển khai chiến dịch “Tháng hành động an toàn thực phẩm”, TPHCM đã có kết quả ra sao?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm:

Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm? ảnh 9

Mục tiêu tháng hành động năm 2016:

- Giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn nông sản thực phẩm về thành phố thông qua 3 chợ đầu mối và các trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ vào thành phố.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản.

- Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm.

Để giải quyết được các mục tiêu trên, Kế hoạch Tháng hành động năm 2016 bao gồm 2 nội dung chính:

- Công tác truyền thông: Thành phố đã tổ chức 269 buổi Lễ phát động. Trong đó ngày 20-4-2016 TPHCM đã tổ chức Lễ phát động tại siêu thị Coop Mart Củ Chi do Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì với hơn 300 người tham dự. Qua đó các quận/huyện, phường/xã/thị trấn đồng loạt tổ chức Lễ phát động với các thành phần tham dự bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp, Hội đoàn, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Phòng Kinh tế quận/huyện, các cơ quan báo, đài, các cơ sở nuôi trồng - sản xuất - sơ chế - chế biến – kinh doanh. Thành phố đã triển khai treo 1.322 băng rôn, 117 tranh - áp phích về 11 khẩu hiệu đảm bảo ATTP Tháng hành động tại các tuyến đường trung tâm thành phố trong thời gian diễn ra Tháng hành động, phát 72.304 tờ gấp các loại với nội dung “Thông điệp 10 không”, Cấp phát 1.217 đĩa CD với nội dung 11 khẩu hiệu tuyên truyền ATTP. Thực hiện 2 Hội thảo phòng chống ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn tập thể và thực hiện 2 phóng sự liên quan đến việc lựa chọn rau, thịt an toàn. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

-Công tác lấy mẫu và thanh tra: Lấy 1.382 mẫu giám sát (mẫu chủ yếu tập trung ở các nhóm thịt, rau củ quả, thực phẩm các loại) trong đó có 136 mẫu không đạt, tỷ lệ 9,84%. Số mẫu không đạt này sẽ tổ chức truy xuất nguồn gốc và thông báo về địa phương nơi nuôi trồng. - Thanh, kiểm tra 40.242 cơ sở và phương tiện vận chuyển, phát hiện vi phạm 3.478 cơ sở và phương tiện vận chuyển, xử lý phạt tiền 647 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng, tiêu hủy hoặc tịch thu tạm giữ sản phẩm của 89 cơ sở với hơn 61 tấn thực phẩm các loại như các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, sữa, đường, măng chua, phụ gia thực phẩm…

Trương Sáu - Bình Thạnh, TPHCM:

- Hiện nay nhiều bà nội trợ sử dụng thiết bị kiểm tra nhanh rau quả hay thực phẩm và coi đó là "bảo bối" để bảo vệ gia đình mình. Những sản phẩm này có đáng tin không?

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý ATTP,Chi cục BVTV TPHCM:

Thiết bị kiểm tra nhanh chỉ được lưu hành (sử dụng) khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT- BYT ngày 18/3/2014 của Bộ Y Tế.

Kết quả kiểm tra nhanh chỉ được dùng để định hướng cho các thử nghiệm tiếp theo trong phòng thử nghiệm, không sử dụng để đánh giá/kết luận sản phẩm có an toàn hay không.

Đồng thời, mỗi thiết bị kiểm tra nhanh chỉ kiểm được 1 chỉ tiêu (hoặc 1 nhóm chỉ tiêu), trong khi chỉ tiêu về ATTP có nhiều nhóm chỉ tiêu khác nhau (như thuốc BVTV , Nitrate, vi sinh vật, kim loại nặng...).

Hạnh An -Quận 4, TPHCM:

- Thực phẩm hàng ngày của người dân là cá, thịt, rau chiếm chủ yếu. Tuy nhiên, hiện ra chợ không có cách nào phân biệt đâu là sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Cơ quan chức năng liệu có cách nào hỗ trợ cho người dân lựa chọn thực phẩm?

Ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng QLCL nông lâm sản và thuỷ sản:

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình, người tiêu dùng cần chọn mua sản phẩm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sạp trong chợ truyền thống có địa chỉ cụ thể có sự kiểm soát của Ban quản lý và cơ quan chuyên môn, không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ tự phát, chợ lòng lề đường. 

Chọn mua rau củ quả tại siêu thị. Ảnh Cao Thăng

Minh Hạnh - Quận 2, TPHCM:

- Do lo sợ rau quả không an toàn ở các chợ, nhiều người tự trồng rau quả trên sân thượng. Quan điểm của Chi cục BVTV về hiện tượng này và có khuyến cáo gì? Xin cho biết việc mua bán rau quả cho là an toàn, qua mạng có đảm bảo không và có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý ATTP, Chi cục BVTV TPHCM:

 Việc trồng rau, quả trên sân thượng vừa để giải trí, tận dụng thời gian nhàn rỗi,  tạo cảnh quan môi trường, vừa có nguồn rau xanh phục vụ cho bữa ăn hàng ngày là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên để cho rau xanh đạt chất lượng, ATTP, cần lưu ý:

- Giá thể phải sạch, không có tồn dư kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép.

- Nước tưới phải là nước sạch, nếu sử dụng nước giếng phải chú ý đến hàm lượng kim loại nặng (như Cd, As...) không tồn dư vướt quá giới hạn tối đa cho phép.

- Nếu sử dụng phân bón, thuốc BVTV phải trong Danh mục được phép sử dụng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Ngoài ra lưu ý an toàn điện nếu sân thượng gần đường dây điện và làm giàn che phải chắc chắn tránh gió lốc.

Hoàng Thị Ánh - 27 tuổi - anhhoang89...@gmail.com -

- Việc một số gia đình, bên cạnh trồng rau quả trên sân thượng, có người còn nuôi gà lấy trứng… Theo quan điểm của Chi cục Thú y vấn đề này như thế nào?

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM:

Hiện nay theo quy định của Bộ NNPTNT, UBND TPHCM, người dân không được phép chăn nuôi gia cầm trong khu vực nội thành, nội thị nhằm kiểm soát nguy cơ lây truyền bệnh cúm từ gia cầm sang người. Do đó cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không nên tận dụng diện tích sân nhà để nuôi gia cầm nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Đối với người dân ở khu vực ngoại thành có nhu cầu chăn nuôi gia cầm phải đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để hướng dẫn thiết kế chuồng trại, quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, quy trình tiêm phòng...

Trần Thị Minh - 43 tuổi - minhtran73...@yahoo.com.vn - Huyện Tân Phú, TPHCM:

- Được biết, hiện nay hệ thống siêu thị Metro có loại “cá gắn thẻ” có thể truy suất được nguồn gốc xuất xứ. Xin hỏi cách làm này có được phổ biến ở các siêu thị khác không? Ngoài cá thì hiện nay có những loại thực phẩm nào khác mà người tiêu dùng có thể truy suất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm? Nhà nước hiện có chủ trương buộc tất cả thực phẩm đều phải công bố thông tin hay việc này tùy thuộc vào lòng “hảo tâm” của nhà sản xuất?

Ông Trần Văn Sơn - Chi Cục Quản lý Chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM:

Làm gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm? ảnh 11



Hiện nay, hệ thống siêu thị Metro có gắn thẻ "Cá gắn thẻ" giúp cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc được thuận tiện. Cách làm này còn mới và chưa được phổ biến tại các siêu thị khác. Ngoài cá, hiện nay cũng có nhiều sản phẩm được nhà sản xuất gắn mã nhận diện giúp cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn, thuận tiện hơn. Theo quy định của nhà nước đối với những sản phẩm bao gói phải được công bố thông tin sản phẩm trên bao bì, nhãn hàng hoá đầy đủ theo quy định. Riêng sản phẩm dạng nguyên liệu chưa qua bao gói được khuyến khích gắn mã nhận diện hoặc thẻ để giúp cho người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Hoàng Tố Liên - Quận 7, TPHCM

- Hiện TPHCM là một trong 2 địa phương thí điểm thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm cấp xã, phường. Xin cho biết đã triển khai ra sao, người dân có yên tâm với sự vào cuộc của cơ quan cấp cơ sở địa phương?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn VSTP:

-Việc triển khai thanh tra chuyên ngành đã được UBND TPHCM chỉ đạo quyết liệt. Qua đó Sở Y tế, Sở NNPTNT, Sở Công thương thường xuyên phối hợp để đôn đốc, hỗ trợ tuyến quận, huyện và phường, xã thực hiện thí điểm công tác thanh tra chuyên ngành. UBND 5 quận huyện và 10 phường xã, thị trấn đã triển khai thực hiện trên địa bàn.

Tuy nhiên hoạt động này mới được thí điểm nên kết quả đạt chưa như mong muốn, còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt là tuyến phường xã, thị trấn. Thông qua công tác tuyên truyền và công tác thanh tra chuyên ngành nhận thấy ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở ngày càng tốt hơn. Cụ thể đoàn giám sát của thành phố tái kiểm tra thì cơ sở đã chấp hành nghiêm các quy định về ATTP như: đảm bảo điều kiện sản xuất chế biến kinh doanh, điều kiện về con người tham gia sản xuất chế biến, thực phẩm (khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức ATTP).

Để đôn đốc đẩy nhanh tốc độ việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành, trong tháng 6 này, Sở Y tế TPHCM sẽ chủ trì họp với Sở Công thương, Sở NNPTNT cùng với 5 quận, huyện và 10 phường xã, thị trấn được chọn làm thanh tra thí điểm để rút kinh nghiệm và triển khai trong những tháng tiếp theo tốt hơn. Công tác thanh tra, xử lý nhằm tạo tính răn đe buộc các cơ sở chấp hành nghiêm. Tôi tin rằng người dân sẽ ủng hộ và yên tâm với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Qua đó, tình hình ATTP ở các địa phương sẽ tốt hơn.

Võ Ngọc Kim - 35 tuổi - kimngoc56...@gmail.com:

- Gần đây nở rộ rất nhiều phiên chợ nông sản xanh, sạch, thân thiện… do các đơn vị, cá nhân tổ chức. Nhưng thực chất chất lượng các mặt hàng này như thế nào, người tiêu dùng hầu như không biết? Khi tổ chức các phiên chợ, hội chợ này có phải xin phép cơ quan chức năng hay không, hay ai muốn tổ chức cũng được? Lãnh đạo TP có khi nào kiểm tra sản phẩm trong các hội chợ này?

 Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương:

Trước tiên xin cám ơn chị đã quan tâm đặt câu hỏi. Theo quy định hiện hành, các hội chợ khi tổ chức đều phải đăng ký tại Sở Công thương và chỉ có những cơ quan, tổ chức có chức năng tổ chức hội chợ mới được xem xét, xác nhận cho phép tổ chức. Theo quy định, các tổ chức này phải đăng ký mặt hàng và cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hoá kinh doanh tại hội chợ. Hiện cơ quan quản lý thị trường và các phòng ban chuyên môn của quận - huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động và chất lượng hàng hoá tại các sự kiện này.  

Lê Diễm Linh - Quận Bình Thạnh, TPHCM:

- Với vai trò là người nội trợ của gia đình, tôi thực sự lo lắng, không biết thực phẩm tại các siêu thị , chợ…có an toàn hay không ? Bởi thực tế bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào cũng dễ dàng bị ngâm tẩm, ướp hóa chất… vô tội vạ. Từ măng nhuộm vàng O cho đến gạo nhuộm hương liệu, sầu riêng dùng thuốc ép chín… Thú thực các bà nội trợ như chúng tôi đang rối như tơ vò giữa ma trận thực phẩm bẩn. Qúy cơ quan chuyên trách vui lòng cung cấp cho người dân thông tin làm sao để có thể tiếp cận được nguồn thực phẩm an toàn?

 Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM:

Chào chị Diễm Linh. Tôi cũng là "nội trợ" của gia đình nên tôi rất đồng cảm với những tâm tư của chị về tình trạng thực phẩm hiện nay. Mong chị đừng quá hoang mang, lo lắng, những trường hợp được các cơ quan chức năng phát hiện và được các cơ quan truyền thông đưa tin, cho thấy rằng các cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất việc mất ATTP.

Để đảm bảo an toàn, chị có thể mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại những địa điểm được Sở Công thương công bố điểm kinh doanh an toàn, như các siêu thị, cửa hàng của hệ thống Coop, Satra, Vissan, Sagrifood,.. Hiện nay, thực phẩm tại các chợ truyền thống phần lớn lấy từ các chợ đầu mối cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm thường xuyên nên mức độ an toàn là tin tưởng được.

Mười Minh - Hóc Môn, TPHCM:

- Nước uống tinh khiết đóng bình, đóng chai hiện không phân biệt đâu thật đâu giả. Xin ông cho biết cách phân biệt nước bảo đảm chất lượng ?

 Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Để phân biệt sản phẩm giả đòi hỏi doanh nghiệp phải các biện pháp để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm thật của mình. Đồng thời các cơ quan quản lý các cấp cũng phải quyết liệt vào cuộc để phát hiện ra những sản phẩm giả. Để nhận biết sản phẩm thì nhãn phải ghi đầy đủ các thông tin sau: Định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn, tướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, nơi sản xuất... Nên mua tại các cửa hàng của nhà sản xuất hoặc các siêu thị. Nếu nhận nước tại nhà phải tìm hiểu xem người giao hàng phải là người của nhà sản xuất hay không.

Nguyễn Văn T.- Quận 6, TPHCM:

- Hiện nhiều cơ sở buôn bán thực phẩm phản ánh rất khó khăn để xin cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Xin cho biết thủ tục cấp giấy chứng nhận ra sao?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện là thuộc thẩm quyền của 3 Sở (Sở Y tế, Sở NN-PTNTvà Sở Công thương) đồng thời có phân cấp cho tuyến quận, huyện. Các Chi cục chuyên ngành cũng như Sở Công thương đã thực hiện theo ISO và công khai trên các website: Chi cục ATVSTP, Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Sở Công thương. Riêng Chi cục ATTPcó đăng ký qua mạng tại địa chỉ http://atvstp.org.vn.

Việc thẩm định để cấp Giấy chứng nhận này có nhiều tiêu chí để đánh giá nên thông thường thẩm định lần 2 mới đạt. Điều này cũng gây ngộ nhận cho cơ sở là làm khó. Do đó, khi xác định các tiêu chí không đạt thì cơ sở cần xem lại các quy định của pháp luật. Nếu đoàn thẩm định gây khó, yêu cầu thực hiện các nội dung ngoài quy định, xin vui lòng thông tin qua đường dây nóng của Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Sở Công thương.

Đào Bình - daobinh79...@gmail.com:

- Thực phẩm hữu cơ, organic… hiện nay có giá thành rất cao, sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu còn người tiêu dùng có thu nhập trung bình khó có thể với tới. Sắp tới, nhà nước và các ban ngành như Sở NN-PTNT, Sở Công thương có chương trình gì hỗ trợ để NTD tiếp cận được nhiều hơn về dòng thực phẩm này?

 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương:

 Hiện nay, các loại thực phẩm được gọi là thực phẩm hữu cơ, organic là những sản phẩm rất mới, chỉ được một số ít đơn vị đang thử nghiệm sản xuất. Sở Công thương và Sở NN-PTNT đang phối hợp nghiên cứu, có kế hoạch khảo sát để có hướng tham mưu cho TP phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, trong đó có loại sản phẩm này.

Nguyễn Xuân Lan - Hóc Môn, TPHCM:

- Chi cục Thú y cho biết, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của người dân TP hàng ngày khoảng bao nhiêu, TPHCM đáp ứng bao nhiêu phần trăm?

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM:

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân TPHCM bình quân khoảng 850-900 con trâu bò, 9.000-10.000 con heo, 120.000-130.000 con gia cầm và khoảng 200 tấn thịt gà, thịt trâu bò và phụ phẩm đông lạnh nhập khẩu. Ngành chăn nuôi thành phố chỉ đáp ứng khoảng 18%-20% nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố.

Ngành chăn nuôi thành phố chỉ đáp ứng khoảng 18%-20% nhu cầu tiêu thụ của người dân

Phạm Văn - Nam - phamvan168@gmail.com -

- Tại Hội nghị sơ kết 5 năm về ATVSTP trên địa bàn TPHCM vừa qua có thông tin cho rằng: Các cơ quan chức năng ở TPHCM phải theo dõi 3 năm mới phát hiện thịt động vật tồn dư kháng sinh (2013-2015). Vậy cho tôi được hỏi quá trình lấy mẫu xét nghiệm như vậy có quá chậm? Điều đó có nghĩa rằng 3 năm qua người dân TP phải ăn thịt động vật tồn dư kháng sinh?

Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM:

Việc lấy mẫu tầm soát đánh giá mức độ tồn dư kháng sinh trên sản phẩm động vật được Chi cục Thú y thực hiện thường xuyên, liên tục từ nhiều năm nay. Kết quả giám sát được phản hồi cho các địa phương có liên quan để chấn chỉnh tồn tại. Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, cải thiện tình hình như tập huấn tuyền truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi sử dụng kháng sinh có hiệu quả, chấp hành thời gian ngưng thuốc khi xuất bán, tăng cường thanh tra xử lý vi phạm...

Quách Minh Phát, ngụ tại đường Tô Ký, quận 12:

Tôi được biết, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là một trong những chợ điểm thuộc dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATVSTP; trong đó nổi bật là mặt hàng thịt gia súc. Trước tình hình diễn biến phức tạp, gia tăng tình trạng mất ATVSTP như hiện nay, lãnh đạo chợ đầu mối Hóc Môn đã làm gì để đưa thực phẩm an toàn đến người dân TPHCM nói riêng, một số tỉnh thành lân cận nói chung ?

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn:


Chợ đầu mối Hóc Môn phối hợp chặt chẽ với Trạm kiểm tra thú y chợ đầu mối kiểm tra chất lượng hàng đêm. Các trường hợp vi phạm đều được Trạm thú y và chợ lập biên bản xử lý nghiêm. Tất cả lượng heo về chợ được kiểm tra từ lò giết mổ đến khâu nhập vào chợ đều khép kín. Do vậy hàng kém chất lượng vào chợ cũng rất hạn chế. Từ đầu năm đến giờ các trường hợp mang thịt lạnh vào chợ (2-3 trường hợp) đều bị phát hiện ngay và xử lý liền; đồng thời những người vi phạm bị cấm vào chợ từ 5-7 ngày.

Chợ chúng tôi là một trong những chợ thuộc mô hình thí điểm ATVSTP nên quy trình kiểm tra, giám sát rất gắt gao. Khi phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ xử lý ngay không chần chừ. Đối với rau quả chúng tôi bám sát cùng Chi cục BVTV để phối hợp test nhanh, điều chỉnh ở nơi sản xuất, nên trong suốt 10 năm qua kéo giảm tới mức tối đa hàng vi phạm vào chợ. Hiện chúng tôi đang thực hiện kiểm tra định lượng hàng vào chợ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn đối với nước ngoài người ta kiểm tra từ gốc, còn chúng tôi chỉ có thể kiểm tra ở phần… ngọn, tức là khi hàng đã ra lò, chỉ có thể kiểm tra trong thời gian ngắn; nhưng chờ kết quả thì không nhanh được. Khi có kết quả thì hàng đã ra thị trường. Hơn nữa, lượng hàng của TPHCM chúng ta sản xuất không nhiều, chủ  yếu phụ thuộc vào bà con sản xuất ở các tỉnh. Do vậy, nếu gom, phân cấp cho một đơn vị kiểm tra, chịu trách nhiệm giống như nước ngoài để dễ truy xuất nguồn gốc thì hay quá.

La Thị Huế - Nữ - huela198...@gmail.com - Quận Tân Bình, TPHCM:

- Theo tôi thấy, năm nào Sở Y tế TP, Chi cục VSATTP TPHCM cũng có Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP. Vậy tình hình thực tế của những tháng hành động này như thế nào? Thời gian gần đây có những chuyển biến thực sự ra sao khi mà người dân chúng tôi đi ra đường lúc nào cũng vẫn phải cảnh giác với ATVSTP? Có một sự thật đáng buồn là sau tháng hành động đó, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, không kiểm soát nổi, người dân vẫn lo sợ, mất niềm tin... Ông/bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?

 Ông Huỳnh Lê Thai Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục VSATTP:

Như tôi đã nói, Tháng hành động diễn ra từ 15-4 đến 15-5 ở giai đoạn này thời tiết nóng dẫn đến vi sinh phát triển gây hư hỏng cho thực phẩm, dẫn đến dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nên Tháng hành động diễn ra nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà xuất kinh doanh và kiến thức nhà tiêu dùng. Xin nhấn mạnh Tháng hành động là tháng cao điểm chứ không phải chỉ thực hiện trong Tháng hành động mà thực hiện thường xuyên trong cả năm. Quản lý ATTP là việc khó, đòi hỏi phải cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm từng bước khắc phục những hạn chế.

Trần Văn Cung - Thủ Đức, TPHCM:

- TPHCM là địa bàn mà thịt động vật các nơi vận chuyển về rất nhiều. Vậy việc kiểm soát như thế nào? Có thể đảm bảo khoảng bao nhiêu % lượng thịt trên thị trường đã được kiểm tra là an toàn?

Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM:

Chi cục Thú y có 4 trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Theo quy định các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải trình phúc kiểm trước khi ra vào thành phố. Đối với các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua các tuyến cao tốc Trung Lương-TPHCM, Dầu Giây-Long Thành-TPHCM phải đăng ký tuyến đường vận chuyển khi đăng ký xin cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại nơi xuất phát theo thỏa thuận của Chi cục Thú y các tỉnh trong khu vực.

Ngoài ra Chi cục Thú y còn bố trí cán bộ thú y kiểm tra tại các chợ truyền thống, các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm động vật, các cơ sở chế biến... Chủ hàng phải trình giấy chứng nhận kiểm dịch cho cán bộ thú y phụ trách khi nhập hàng vào cơ sở để được kiểm tra đối chiếu số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Chi cục Thú y cũng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông chặn dừng các phương tiện có dấu hiệu vi phạm để xử lý các trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn Văn H. - Bình Tân, TPHCM:

- Xin cho biết, tình trạng giết mổ lậu ở TPHCM còn hay không. Những thịt gia súc, gia cầm bán tại các chợ tự phát có đảm bảo an toàn?

 Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y:

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về kiểm soát giết mổ tập trung tuy nhiên thực trạng giết mổ trái phép vẫn còn tồn tại tại một số địa bàn các quận vùng ven và các huyện ngoại thành như Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình bạn chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn lựa sản phẩm động vật kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, các sạp chợ truyền thống có kiểm soát của Ban quản lý chợ và các cơ quan chuyên môn không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ tự phát, chợ lòng lề đường...

Hồng Hạnh - Quận 3, TPHCM:

- Theo nhận định của nhiều người, sau khi khống chế dịch bệnh (gia súc, gia cầm), việc tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh và kiểm soát dường như có phần buông lỏng?

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y:

Trong các đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh thành phố huy động cả hệ thống chính trị triển khai đồng loạt các giải pháp kiểm soát dịch bệnh góp phần khống chế không xảy ra dịch bệnh trên bàn thành phố. Hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên việc giám sát cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn được duy trì. Chi cục Thú y vẫn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng như Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các quận huyện kiểm tra, xử lý và đưa ra công luận nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm điều này cho thấy không có sự buông lỏng của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát dịch bệnh và đấu tranh xử lý các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đào Thụy - Nam 35 tuổi - thuydaosggp@gmail.com - 38/20 đường 494, phuờng Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TPHCM

- Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các chủ trang trại nuôi heo chứa chất tạo nạc vượt mức cho phép, heo bơm nước... gây nguy hiểm tính mạng người tiêu dùng. Điều đáng buồn là những chủ trại heo chỉ bị phạt hành chính và tiếp tục cho nuôi heo để thải độc tố trước khi xuất bán ra thị trường. Cho tôi được hỏi cơ quan thú y rằng, tại sao không tiêu hủy để bảo vệ người tiêu dùng, qua đó răn đe những cơ sở nuôi heo? Làm sao để khẳng định việc tiếp tục cho nuôi có thể thải hết độc tố?

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y:

Việc xử lý các trang trại vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được quy định tại điều 36, Nghị định 119/2013/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với trường hợp vi phạm lần đầu luật pháp cho phép chủ trang trại tiếp tục nuôi cho đến khi kiểm tra mẫu nước tiểu âm tính mới cho phép xuất gia súc đi giết mổ, trường hợp tái phạm sẽ áp dụng biện pháp tiêu huỷ bắt buộc. Vừa qua một sô địa phương như Tiền Giang, Vĩnh Long đã xử lý tiêu huỷ đối với 2 hộ chăn nuôi tái phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra khi Luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 người chăn nuôi vi phạm sử dụng chất cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lê Ngọc Hiền - ngochienle...@yahoo.com.vn - Quận 11, TPHCM:

- Các bà nội trợ mách nhau các chiêu mua rau muống an toàn như sau: Một là mua rau muống cực non (rau muống baby) vì ở độ tuổi này, rau chưa bị nhiễm thuốc trừ sâu. Hoặc là mua rau muống đã già (dùng để bào) vì nó đã hết tác dụng của các loại thuốc. Xin hỏi chiêu này có đúng không? Có phải tất cả các loại rau baby đều an toàn?

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, TP Quản lý ATTP, Chi cục BVTV:

Vâng đúng là thế, lý do có thể tóm tắt như sau: - Về vòng đời sâu hại rau (rau muống) thường trên 20 ngày và trong 4 giai đoạn (trứng, sâu, nhộng, bướm), chỉ có giai đoan sâu non gây hại cho rau (giai đoạn này cũng ngắn thôi); đồng thời bệnh gỉ trắng thường phát sinh phát triển khi rau trên 10 ngày vì vậy giải pháp thu hoạch sớm cũng một trong những giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nhằm giảm thiệt hại về năng suất và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. - Về thuốc bảo vệ thực vật: Mọi loại thuốc BVTV đều bị phân hủy sau khi sử dụng, chỉ khác nhau về thời gian phân hủy : có loại 3 ngày, có loại phải 15 ngày...

SGGP Online tổng hợp

Tin cùng chuyên mục